Đức Giêsu chữa lành người mù ở Giêrikhô. |
Thuở xưa dân Ixraen vẫn trông chờ một đấng Mêsia xuất hiện trong uy nghi lộng lẫy và quyền năng, sẵn sàng đưa dân Ixraen trở nên một đất nước hùng mạnh mà muôn nước sẽ phải tùng phục. Lời Chúa qua 3 bài đọc hôm nay phản chiếu một khía cạnh thực tế về “uy quyền” của đấng Mêsia. Uy quyền nó không nằm nơi một vị vua đánh đông dẹp tây nhưng là một một vị vua trở nên con người nghèo để đồng cảm với những con người bất hạnh. Vị vua đó chính là Đức Giêsu. Ngài là vị Thiên Chúa giàu lòng xót thương khi gần gũi và nâng đỡ những con người bất hạnh, hơn nữa Ngài còn là điểm hẹn của Thiên Chúa.
I. Đức Giêsu, Đấng giàu lòng trắc ẩn
Tin Mừng hôm nay thánh sử Máccô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành người mù từ khi mới lọt lòng mẹ. Việc hằng ngày của anh mù là ngồi bên vệ đường cầu xin những người đi đường động lòng thương xót mà ban cho anh vài ba đồng bạc để có tiền mua thức ăn. Chính vì mù lòa từ khi lọt lòng mẹ nên cuộc đời của anh chỉ là bóng tối, và ao ước lớn nhất của anh là một lần được nhìn thấy ánh sáng.
Sau bao lần thực hiện các phép lạ, danh tính Đức Giêsu được lan truyền. Anh đã nghe nói về một Đức Giêsu có thể chữa được người mù. Hôm nay, khi nghe mọi người đang xầm xì về việc Đức Giêsu sắp đi ngang qua, anh đã lấy hết can đảm mà thốt ra lời cầu cứu với sự tín thác “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Không như kỳ vọng, anh vừa dứt lời thì bị đám đông quở trách vì đối với họ anh sẽ là vật cản, là sự phiền hà cho Đức Giêsu.
Tiếng kêu la của anh mù cũng là tiếng kêu thảm thiết của những con người bất hạnh, những con người bị khinh miệt, bị liệt vào hạng tội lỗi, là gánh nặng của xã hội ngày hôm nay. Thay vì rộng lòng giúp đỡ, nhiều người ngày nay cũng giống như đám đông năm xưa, dửng dưng trước lời kêu cứu của người nghèo khổ, đôi khi còn xem đó như là sự phiền hà, như là rào cản cho một điều gì đó, cho một ai.
Nhưng tiếng kêu cứu của anh đã thấu tới Chúa Giêsu. Ngài đồng cảm cho mảnh đời bất hạnh, đã đón nhận anh như một thụ tạo có nhân vị và đầy tự do. Ngài đã đoái thương đến phận hèn của anh. Hình ảnh này đã được nói tới ở bài đọc 1, sách ngôn sứ Giêrêmia. Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất… Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã… Tiếng kêu cứu của những con người nghèo, những con người bất hạnh sau bao năm lưu đày khổ sai, nay được Thiên Chúa đoái nhìn và cho hồi hương, nước mắt sẽ tuôn rơi vui sướng vì được ở trong vùng đất tự do; hơn thế còn trở nên con của Thiên Chúa và Người sẽ là Cha của họ.
Đức Giêsu đã trở nên mẫu gương cho đám đông, những con người coi anh mù như sự phiền hà, như vật cản, đáng bị bỏ rơi. Hơn nữa đó cũng là bài học và mẫu gương cho con người mọi thời đại, hãy lưu tâm tới những con người bất hạnh, những con người yếu đuối, họ cần sự sẻ chia hơn ai hết. Vì thế đối với người nghèo, Thiên Chúa là nơi họ ẩn nương, và Đức Giêsu là điểm mà họ gặp gỡ Thiên Chúa.
II. Đức Giêsu ánh sáng đẩy lùi bóng tối tội lỗi
Sau khi tiếng kêu cứu của anh được chấp nhận mở đầu cho một cuộc gặp gỡ định mệnh. Điều này có lẽ đã được đức tin trong anh mách bảo. Vì thế khi nghe Đức Giêsu bảo “gọi anh ta lại đây” anh đã không ngần ngại, đứng dậy với phong thái khẩn trương qua việc đứng phắt lên và hình ảnh vứt cái áo choàng cho thấy anh đã nhận ra một điều gì đó lớn lao sắp xảy ra. Chúng ta biết đối với người nghèo thời bấy giờ, cái áo choàng là tài sản quí giá nhất mà họ có. Nó trở thành cái che chắn mỗi khi trời nắng, trời mưa; hay trở thành cái mền khi đêm lạnh về. Vứt đi cái áo choàng coi như là vứt đi cái cần thiết cho cuộc sống đối với người nghèo thời bấy giờ.
Anh mù Batimê đã vứt đi cái quí giá nhất của mình sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, vì sau lần gặp gỡ định mệnh đó, cuộc đời anh đã sang một trang mới. Giờ đây anh không còn ở trong bóng tối nữa nhưng đã nhìn thấy ánh sáng, kể từ hôm nay anh không còn sống nhờ vào sự bố thí nữa nhưng sống bằng chính đôi tay của mình. Điều anh hân hoan hơn cả không phải là được thấy ánh sáng thể lý cho bằng được nhìn thấy Đức Giêsu, vị Cứu Tinh nhân loại, ánh sáng của Thiên Chúa đã soi vào tâm hồn anh để anh sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ mà bước theo con đường Ngài đi, dẫu con đường đó đầy chông gai nhưng đối với anh có Chúa là có tất cả. Có Chúa trong cuộc đời thì những thứ được cho là quí giá, cần thiết nhất của nhân gian đều vô nghĩa. Đức Giêsu hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Qua hình ảnh của anh mù Batimê, chúng ta cũng cần xem lại đời sống đức tin của mình. Biết bao lần Đức Giêsu ghé thăm chúng ta cách này hay cách khác, đặc biệt là sự ghé thăm mỗi khi ta lên đón nhận Thánh Thể. Vậy chúng ta có nhận ra Ngài là ánh sáng của Thiên Chúa soi vào cõi lòng mình hay không? Hay chỉ là một cuộc gặp gỡ như bao cuộc gặp gỡ thông thường khác? Ta có sẵn lòng vứt bỏ tất cả khi được Ngài mời gọi đến với Ngài hay không hay vẫn còn bám vào những thứ “bất ly thân”?
Người Kitô hữu, hơn ai hết, là người phải nhận ra sự viếng thăm của Đức Giêsu trong cuộc đời và sẵn sàng bước theo Ngài trên con đường chông gai, vì có Ngài là có tất cả. Để lấy Chúa làm tất cả, người tín hữu phải tự xây dựng cho mình mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa trong đức tin; chỉ trong đức tin ta mới dễ dàng gặp gỡ và lấy Chúa làm trên hết. Chỉ trong đức tin ta mới nhìn nhận những con người bất hạnh là một nhân vị đáng tôn trọng, để việc giúp đỡ những con người bị xã hội bỏ rơi không còn là việc bố thí nhưng là sự trân trọng vì họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa.