Chúa Giêsu Phục sinh đem lại bình an
Cả bốn sách Tin mừng cho biết Chúa Giêsu thường dùng từ bình an hoặc đừng sợ, đặc biệt là sau khi Ngài Phục Sinh. Vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalena cùng với các phụ nữ khác đi ra thăm mộ Chúa Giêsu, mang theo thuốc thơm để xức xác Người. Khi được thấy Chúa Giêsu hiện ra, các bà tuy sợ hãi trong nỗi kinh hoàng, nhưng rất đỗi vui mừng. Quả thật, bình an của Chúa Giêsu luôn làm con người an tâm và quên mọi sợ hãi, một thứ bình an mà Chúa Giêsu nhận định là không như thứ bình an thế gian ban tặng. Bình an của Chúa Giêsu là tuyệt đối và cần thiết vì Ngài đã chiến thắng sự chết, thắng được mọi thế lực của ma quỉ. Chính bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh khiến các môn đệ can đảm và hăng hái ra khỏi chính mình.
Các môn đệ ra đi rao giảng Tin mừng Phục sinh
Niềm tin được củng cố
Từ những nỗi sợ hãi sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu, các môn đệ lấy lại được căn tính của người làm chứng cho Tin mừng Phục Sinh. Biến cố Chúa Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống đã khai mở trong các ông một sức sống mới. Các ông như mảnh đất khô hạn nay được hứng lấy nguồn nước tươi mát; như hạt giống ngủ yên nay bừng dậy sức sống từ bên trong; như người yếu bệnh nay được hồi sinh. Tất cả nhờ vào ân sủng Chúa Phục Sinh ban cho. Các ông đã trở thành những con người mới, những con người mang lấy sứ vụ rao giảng do Chúa Thánh thần thúc đẩy.
Tin Mừng Phục Sinh cũng giúp cho các môn đệ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy trước đó. Như vậy, việc nhớ lại đã giúp các ông tái khẳng định căn tính tông đồ của mình. Thật ra, Tin mừng Phục Sinh và căn tính tông đồ của các ông không phải là chuyện mới mẻ. Việc nhớ lại này sẽ càng củng cố tinh thần các ông, giúp các ông vững tin vào Tin mừng Thầy Giêsu đã rao giảng. Và giờ đây, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các ông hăng hái ra đi làm chứng cho Thầy và nói cho muôn dân biết Thầy đã chiến thắng thế gian (Ga 16,33).
Các môn đệ làm chứng cho Tin mừng bằng mạng sống mình
Tin mừng Phục Sinh luôn là yếu tố quyết định, luôn là bước ngoặt cho hồn tông đồ. Nhờ Tin mừng Phục Sinh, các ông đã được biến đổi hoàn toàn. Các ông mở toang cửa để tiếp xúc với dân chúng, nói được các tiếng lạ trước đám đông. Các ông mạnh dạn rao giảng cho dân chúng rằng: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô. Với sức mạnh của Tin mừng Phục Sinh, các ông đã hăng hái ra đi, đến với muôn dân đang trông chờ ơn cứu độ. Quả thật, người có Chúa Kitô luôn được thôi thúc đem Tin mừng cho người khác như Chúa Giêsu đã tiên báo: “Chính anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong toàn miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
“Vì hăng say lo việc Nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17). Đức Kitô là Mục tử, là Thầy, là Chúa nhưng vẫn phải hy sinh chính mình vì vâng phục thánh ý của Chúa Cha. Như vậy, các môn đệ của Ngài cũng không thể tránh khỏi điều này. Đời rao giảng của các môn đệ luôn đối diện với khó khăn bên ngoài và bên trong, những thử thách khách quan và chủ quan …
Dù rằng hy sinh tính mạng không phải là điều kiện của Tin mừng, nhưng nếu cần thì người môn đệ sẵn sàng dâng hiến mạng sống như Thầy mình. Mạng sống của người môn đệ có sá gì so với việc ơn cứu độ được đến với mọi người. Thánh Phaolô đã xác tín: Dù là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo…người môn đệ vẫn sẵn sàng đón nhận, vìchết cho Đức Kitô là một mối lợi. Do đó, các môn đệ đón nhận tất cả, miễn là Đức Kitô được rao giảng (Pl 1,18), vì những cái chết như vậy luôn mang dấu ấn của tình yêu: những cái chết cao thượng cho người mình yêu.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Con Cha đã sống lại để chúng con được sống. Và Cha muốn chúng con sống làm chứng cho Tin mừng này.
Mỗi chúng con đã cử hành và tưởng niệm quá nhiều lần mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài. Giờ đây mỗi người chúng con khiêm tốn tự vấn xem đã sống, đã rao giảng Tin mừng này như thế nào.
Xin Cha giúp chúng con mở rộng cửa tâm hồn mình để đón nhận ân sủng cứu độ của Con Cha. Nhờ đó, hồng ân này sẽ biến đổi cuộc đời chúng con. Và qua chúng con, mọi người xung quanh cũng được cứu độ.