Tin vào Lời Hứa
Abraham là con người của lòng tin thể hiện qua sự vâng phục Thiên Chúa. Nhờ đó, ông được Thiên Chúa ân thưởng ban cho miêu duệ đông như sao trên trời như cát dưới biển và được Đất Hứa làm sản nghiệp. Abraham trở thành Tổ phụ của của mọi kẻ tin thờ Thiên Chúa. Bài đọc 1 chủ nhật hôm nay kể về ngọn núi Moria, núi của niềm tin. Trên núi cao, Tổ phụ Abraham sẵn sàng hiến tế con trai duy nhất cho Thiên Chúa. Chúa phán với ông: "Abraham, Abraham! Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó, ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi". Tiếng sét ngang tai làm ông chết lặng. Lệnh truyền sát tế Isaac, vượt quá tầm nghĩ của con người. Lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm Tổ phụ các dân tộc, sẽ thành mây khói. Lệnh truyền làm ông đau nhói ruột gan. Nhưng với niềm tin mãnh liệt, Abraham thi hành lập tức lệnh truyền ấy. Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông và mạng sống của Isaac được dành lại. Chúa phán: "Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta".
Chúa đã ban cho chúng ta tất cả
“Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” Trên đỉnh núi Moria, Chúa đã thử thách Apraham và đã trao lại đứa con mà ông sẵn sàng sát tế dâng lên cho Thiên Chúa. Hình ảnh dó tiên báo trước Thiên Chúa sẽ sẵn sang tặng người con yêu quí của mình là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại. Đó là quà tặng vô giá, là bằng chứng tình yêu bao la, tha thiết, mãnh liệt mà Chúa Cha dành cho chúng ta. Thiên Chúa không tiếc gì với chúng ta.
Chúa biến hình để củng cố niềm tin cho các môn đệ:
Việc biến hình này thay đổi tất cả con người, khuôn mặt của Chúa Giêsu và ngay cả đến y phục của Người. Vinh quang của Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha vén mở cho các môn đệ. Chúa biến hình sáng láng đến nỗi các môn đệ bị lóa mắt không thể nhìn ra Người, họ phải phủ phục và che mặt lại như Môsê trên núi khi xưa, ông phải bỏ giầy và cúi mặt xuống. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Taborê tiên báo cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan đã ngất ngây và muốn ngủ yên trong hào quang của Chúa: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một Thầy, một cho Môsê và một Elia” (Mc 9, 5). Các môn đệ đâu có ngờ, vinh quang này chỉ để củng cố đức tin của các ông mà thôi, chứ Chúa lại trở về sứ vụ của Ngài là xuống núi để chuẩn bị vác Thập giá lên đồi Canvê.
Các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê. Có Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Người. Nội dung đàm đạo là về cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu sắp chịu tại Giêrusalem. Và đó chính là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13). Đây không phải là một tình cảm nhất thời mang tính tự phát, nhưng là một ý đinh có từ ngàn đời qua một chương trình được chuẩn bị từ ngàn xưa, mà sự hiện diện của Môsê và Êlia, đại diện cho Lề luật và hàng Ngôn sứ là một minh chứng khả tín.
Phải biến đổi
Thập giá Chúa mời gọi ta hoán cải. Mùa chay, mùa đặc biệt mời gọi đoàn tín hữu chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Đấng cứu độ. Các khổ hình Chúa Kitô đã chịu và cái chết tủi nhục của người trên Thập giá như một lời tố cáo tội ác của nhân loại chúng ta. Thấy được sự xấu xa của bản thân mình, hẳn nhiên ít nhiều, chúng ta cũng được thúc đẩy chê ghét tội lỗi và hoán cải ăn năn. Tuy nhiên chính tình yêu của Chúa mới làm chúng ta vươn lên, đổi mới, nên hoàn thiện và nhất là biết sống yêu thương cách quên mình.
Theo Thầy, các môn đệ còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với đám đông dân chúng đang khao khát Lời Chúa. Họ còn phải đi truyền giáo, còn phải giới thiệu nước trời và giới thiệu Thiên Chúa. Các môn đệ luôn phải ý thức rằng cuộc hành trình của họ còn dài và hạnh phúc vinh quang sẽ phải trải qua nhiều thử thách đến nỗi phải hy sinh cả mạng sống. Làm môn đệ Chúa cũng chính là đi con đường tình yêu, con đường khổ giá mà Chúa đã đi qua
Chúa Giêsu biến hình sáng láng mang lại niềm hy vọng tuyệt đối cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Ngước nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta vững bước hiến thân để phục vụ Chúa và tha nhân. Điều quan trọng nhất là chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và đem ra thực hành. Có tiếng phán từ trời: Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người. Lời Chúa là lời ban sự sống và là lời cứu rỗi. Trong những ngày chay thánh, chúng ta tiếp tục dõi theo bước chân của Chúa trên đường lên núi sọ. Bước lên trên đường trọn lành chúng ta phải cố gắng thanh luyện không ngừng. Hy sinh, ăn chay hãm mình, cầu nguyện và làm việc bác ái là lối nhỏ dẫn chúng ta vào con đường Chúa đã đi xưa.