Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi khám phá tình yêu Thiên Chúa, nhận ra những yếu đuối, bất toàn, tội lỗi trong thân phận làm người; quyết tâm trở về với Chúa...
Sinh ra làm người, con người luôn khao khát đi tìm mục đích ý nghĩa cuộc đời mình. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi khám phá tình yêu Thiên Chúa, nhận ra những yếu đuối, bất toàn, tội lỗi trong thân phận làm người; quyết tâm trở về với Chúa, sẵn sàng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa lên đường "lưới người", đem những người chưa nhận biết Chúa được trở về với Ngài.
1. Triều đại Thiên Chúa đã đến gần
Sau khi chịu phép Rửa của Gioan trên sông Giođan, Chúa Giêsu bước ngay vào sứ điệp rao giảng Tin Mừng tình thương của Ngài để cứu nhân loại khỏi tội và sự chết. Với việc Ðức Kitô chịu chết và sống lại, lịch sử đã đi vào giai đoạn sung mãn. Thánh Kinh gọi là thời buổi cuối cùng. Từ nay đến tận thế không có gì mới nữa. Chỉ còn việc ơn cứu độ của Ðức Kitô lan rộng ra khắp không gian và thời gian. Kế hoạch của Thiên Chúa đã được nên trọn vẹn nơi Đức Giêsu: Người là Đấng Mêsia sẽ hướng dẫn lịch sử tới cùng đích của nó. “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần". Niềm hy vọng của Ixraen nay đã được toại nguyện quá mức mong đợi. Với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đích thân hành động. Để từ đó, con người biết tương đối hóa của cải vật chất. Thánh Phao lô trong bài đọc 2 đã nhắc nhở: "kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi". Lời Chúa cũng mời gọi ta biết sám hối và từ bỏ.
2. Sám hối và từ bỏ
Trong bài đọc 1, Yona là một người Do thái được Chúa kêu gọi để đi giảng đạo cho Ninivê, ông không chịu. Vì ông ghét thành này. Ninivê là thủ đô của đế quốc đã xâm chiếm và tàn phá quê hương của ông. Giảng đạo cho bọn ấy để họ cũng được ơn của Chúa mà trở lại! Ông không chấp nhận.
Yôna chẳng muốn thi hành sứ mệnh ấy đã lấy tàu đi Tarsis. Sóng gió nổi dậy. Mọi người trong tàu bắt Yona ném xuống biển. Một con cá lớn vồ tới, Yona bị nó nuốt trửng. Ở trong bụng cá, Yona biết tội nên thống hối ăn năn. Ông hứa sẽ vâng Lời Chúa. Con cá liền mửa ông ra bờ. Và ông đã đến Ninivê.
Yona vừa mới rao giảng, từ vua chí dân đã thực lòng thống hối. "Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa".
Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen đã có lý khi ngài viết: "Mối họa nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, sự nguy hiểm đã phá hủy nhiều nền văn hóa xưa và sẽ phá hủy nền văn minh của chúng ta nếu chúng ta không ngăn ngừa, là sự mất đi ý thức về tội lỗi..." Muốn theo chân Đức Kitô, linh hồn chúng ta phải được giải thoát khỏi mọi ràng buộc: trước hết là ràng buộc bởi tình yêu vị kỷ; bởi mối quan tâm quá đáng đến sức khỏe hay tương lai... bởi sự giàu sang và của cải vật chất. Khi tâm hồn chỉ chú ý và chứa đầy những lắng lo thế sự thì sẽ chẳng còn chỗ nào dành cho Chúa nữa. Người Kitô hữu phải luôn luôn cảnh giác và thường xuyên xét mình, có như vậy họ mới không để cho các thụ tạo cản trở mình hiệp thông với Chúa, nhưng biến chúng thành một phương thế để yêu mến và phụng sự Người. Bởi vậy, mọi người hãy lưu ý kiểm soát tâm tư mình cho đúng đắn và đừng để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang đối nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng đã cản trở họ theo đuổi đức mến trọn hảo.
Thiên Chúa mời gợi chúng ta phải từ bỏ cách triệt để và cụ thể. Sau này Đức Giêsu cũng nói, không thể nào vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình cho Đức Kitô, thì chúng ta càng có lý do lớn hơn để từ bỏ những của cải nhất thời mà rốt cuộc chỉ tồn tại ngắn ngủi và chẳng có mấy giá trị.
Sự từ bỏ theo tinh thần Kitô giáo không hề mang nghĩa khinh thường của cải vật chất, nếu chúng được sở hữu và sử dụng phù hợp với ý Chúa. Sự thừa mứa và chiếm hữu vật chất sẽ không bao giờ làm cho thế giới có hạnh phúc; con tim nhân loại chỉ tìm thấy sự viên mãn nơi Chúa là Đấng Sáng Tạo nên nó.
Những lời của thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Corintô qua Bài đọc 2 trong thánh lễ hôm nay là một lời mời gọi chúng ta hãy để lòng mình gắn bó với sự vĩnh cửu, với Thiên Chúa.
3. Hãy theo Thầy
Đức Giêsu "đi dọc theo biển hồ Galilê”. Người đang trên đường đi, bởi sứ mạng luôn thôi thúc. Những người theo Chúa đầu tiên xuất hiện trong Phúc Âm hôm nay là Simon (Phêrô), Anđrê, Giacôbê và Gioan (Tông đồ). Tất cả đều trả lời Chúa một cách rất nhanh chóng và dứt khoát: Họ bỏ mọi sự, kể cả nghề nghiệp, cha già để theo Ngài. Ở nơi Ngài có gì đó quyến rũ và hấp dẫn quá, cả trong lời nói lẫn việc làm, nhất là thiên tính của Ngài đã thu hút các ông như tạo vật đến gần Đấng Tạo Hóa.
Tương tự như khi kêu gọi các Tông đồ theo mình, Chúa cũng kêu gọi mỗi người chúng ta đi theo Người. “Đi đằng sau Thầy”, “theo Thầy”, đó chính là ý nghĩa của từ môn đệ”. Làm môn đệ Đức Giêsu là dấn thân đi theo Người. "Lưới Người như lưới cá", cần phải hiểu rằng, đối với Người Do thái, biển sâu chính là nơi qui tụ những mãnh lực của sự dữ và sự chết. Đức Giêsu ở đây được khẳng định như là Đấng đến để lôi kéo người anh em của người thoát khỏi những mãnh lực của sự dữ và sự chết ấy. "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành kẻ chài lưới người". Theo Chúa Giêsu có nghĩa là: "...Hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”, hoặc "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất". Chúa tuyển chọn nhân sự đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh cả mạng sống vì Chúa, vì Tin Mừng như Lời Chúa nói: "Ai hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi đến trong vinh quang Cha Ngài với các thánh thiên thần". Theo Chúa cũng có nghĩa được Chúa tuyển lựa để thực thi như Chúa Giêsu trong sứ mạng cứu độ của mình: "Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" và "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu mến".
Chúa nói: "Hãy làm tôi tớ, hãy phục vụ trong khiêm tốn" và "đến hầu hạ chứ không phải để được phục vụ". Chúa luôn muốn các môn đệ trở thành đầy tớ phục vụ mọi người với sứ mạng: "Hãy ra khơi, hãy thả lưới". Ra khơi, thả lưới là chấp nhận loan truyền Tin Mừng, rao giảng Chúa Kitô bị đóng đinh như thánh Phaolô Tông đồ: "Tôi không biết sự gì khác ngoài Thập giá của Đức Kitô" " Tôi coi mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là nhận biết Đức Kitô".
LM. Giuse Trần Phương Minh