Lúc ban đầu, con người được tạo dựng trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa thì mọi sự đều tốt lành. Nhưng khi được tự do, con người lại đánh mất đi mọi sự tốt lành mà Thiên Chúa đã ban. Từ đó, con người luôn sống trong lầm than của tội lỗi. Dĩ nhiên, đã là con người thì luôn có sinh, lão, bệnh, tử. Căn bệnh của thể lý làm cho thân xác ra đau đớn qua từng ngày sống và nó sẽ chóng qua trong thời gian. Thế nhưng, có những căn bệnh mà không bao giờ có thể chữa được nếu không có tình yêu, đó là căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi, kiêu căng, tự mãn… Chúng ta cần được chữa lành về nhiều căn bệnh khác nữa. Muốn được chữa lành, chúng ta luôn cậy vào tình yêu của Thiên Chúa là thuốc thiêng sẽ chữa lành ta về thể xác cũng như đời sống thiêng liêng giữa cuộc sống nơi trần thế này!
Qua bài đọc một, ông Gióp đã lên tiếng nói: “cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê” (G 7, 1). Một lời than vãn của ông Gióp đã nói lên những khổ cực của những ai đang sống nơi trần thế này. Những người làm thuê thì suốt ngày phải nghe theo lệnh của ông chủ “tựa người nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công” (G 7, 2). Một câu nghi vấn của ông Gióp đã phản ánh tính chân thực của xã hội thời kỳ này. Thật vậy, đến nỗi một niềm hy vọng cũng không có, bởi vì những ngày tháng vô vọng là một gia tài không đáng có của ông Gióp. Nỗi mong chờ cho ngày chóng qua và đêm nhanh tàn là nỗi mong chờ của kẻ không muốn hiện diện ở trên trần gian này, vì “cuộc đời như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. Mặc dù suốt cuộc đời sống trong khổ cực, thế nhưng cuối cùng ông Gióp vẫn luôn tin cậy vào tình yêu của Chúa và ông đã nói lên tâm tình đó: “lạy Chúa xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ” (G 7, 7). Niềm cậy tin vào tình yêu của Chúa đó là cách ông có thể sống đương đầu với những thử thách, nổi thống khổ của bất công và bệnh tật trong cuộc sống.
Niềm xác tín đó cho ta thấy: Nơi nào Đức Giêsu đến thì ở đó có những con người nghèo khổ, bất hạnh, bệnh tật đều được chữa lành. Vì họ là những con người luôn biết mình là người tội lỗi, bệnh hoạn cho nên họ dễ dàng đón nhận Tin Mừng! còn những người có tâm hồn tự mãn, tự kiêu thì lại khó có thể đón nhận Tin Mừng một cách trọn vẹn! phải chăng chúng ta là những người như thế? Có những lúc chúng ta tự coi mình là người khỏe mạnh và có khả năng miễn dịch mọi thứ bệnh tật, thì chính lúc đó ơn Chúa sẽ không thể đến với tâm hồn của mình được.
Nếu trong cuộc sống của chúng ta vì bận rộn, lo toan mọi việc mà quên đi sự hiện diện của Chúa thì mọi sự chỉ là vô nghĩa cho cuộc sống mai sau. Ông Simon đã nhận ra điều cần thiết của Chúa trong cuộc đời thế nào thì giờ đây, khi được Thầy đến thăm ông đã nói với Chúa về tình trạng của bà mẹ vợ ông đang lên cơn sốt. Một cử chỉ mà Chúa vẫn hay làm cho những người bệnh khác đó là: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1, 31). Cơn sốt đó vẫn đang còn hiện diện trong trần thế này đó là những cám dỗ của của ác thần đang làm cho con người kiệt quệ đến sống dở chết dở, mà chỉ có Đức Kitô mới có thể làm cho mạnh sức. Tình yêu phục vụ đó, Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta ngày nay cũng hãy làm như Chúa làm, hãy yêu như Ngài đã yêu bằng chính cuộc sống của mình.
Hãy để cho “người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người” (Mc 1, 32). Đó là công việc phục vụ của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta đến với tha nhân không bằng vật chất nhưng bằng mọi điều tình yêu có thể làm. Chỉ có tình yêu thật, mới có thể chữa lành mọi thứ bệnh tật và đem đến niềm hy vọng cho những ai đang sống trong thử thách của đau khổ như: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,34). Và tất cả chúng ta luôn cần Chúa Giêsu đến để chữa lành những đau thương trong cuộc đời của mình.
Tình thương bao la của Chúa luôn luôn che phủ cuộc sống của con người và chúng ta phải có nhiệm vụ là đem tình yêu của Chúa đến với tha nhân. Vì thế, thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta phải hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng: “Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16). Niềm tự hào cao cả hơn đó là khi chúng ta biết đem tin vui của Chúa đến với tha nhân. Vậy thì phần thưởng của chúng ta là gì? “Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1Cr 9, 18). Đó là lý tưởng để cho chúng ta sống bằng tình yêu của Đức Kitô.
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14). Tình yêu đó đã thật sự thúc bách Mẹ Têrêxa Cancútta khi mẹ đến Êtiôpia để làm bác ái; mẹ đã trả lời những chất vấn của ông Bộ trưởng bằng những lời như sau: “chúng tôi cố gắng đem tình yêu dịu dàng trắc ẩn đối với những ai không được ưa thích, không được yêu mến” và “những công trình yêu thương của chúng tôi bày tỏ cho người nghèo khổ tình yêu của Thiên Chúa đối với họ chỉ có thế thôi”.
Vì vậy, con người ngày hôm nay có lẽ không cần cơm bánh cho bằng tình yêu và lòng khoan dung nhân hậu. Cho dù thế giới có văn minh và tiến bộ đến đâu, nhưng trong lòng trần thế vẫn đang còn rất nhiều những người không có hạnh phúc, người cô đơn, người bị khinh miệt, bị loại trừ, bị bỏ rơi … Mẹ Têrêxa đã sống bằng tình yêu của Đức Kitô không bằng lời nói nhưng bằng hành động cụ thể. Chúng ta cũng nên góp phần, dù chỉ là rất nhỏ nhưng làm cho Danh Chúa được cả sáng. Chúng ta chữa lành cho nhau bằng tình yêu, vì chỉ có tình yêu mới chữa lành mọi vết thương, mọi căn bệnh và niềm hy vọng sẽ được thắp lên bằng tình yêu của Đức Kitô.