Lời đồn này đã có từ lâu tại Giáo phận Sài Gòn, chính người viết đã nghe một số Cha nói và đã thực hành như vậy nhưng khuyên họ đi rước lễ ở một Nhà thờ khác không phải Nhà thờ họ đạo của mình để tránh gương xấu
Lời đồn "nhữn người Công giáo ly dị và tái hôn một năm được xưng tội rước lễ một lần" đã có từ lâu tại Giáo phận Sài Gòn, chính người viết đã nghe một số Cha nói và đã thực hành như vậy nhưng khuyên họ đi rước lễ ở một Nhà thờ khác không phải Nhà thờ họ đạo của mình để tránh gương xấu. Sự thật đây chỉ là một lời truyền miệng, người này nghe người kia nói, không tìm đâu ra văn bản Đức cha nào ký cho phép như vậy. Đây thật là một điều nguy hại, gây hoang mang trong cộng đoàn dân Chúa. Những vị chủ chiên không cho phép như vậy bị coi là cổ hủ, độc tài …
Không chỉ tại Việt Nam mà tại Nhật Bản, một linh mục Việt Nam làm mục vụ ở Nhật đã cho biết tại giáo xứ của ngài những lễ lớn những người Công giáo ly dị và tái hôn đều được kêu gọi đi xưng tội rước lễ (không rõ hiện tượng này chỉ có tại giáo xứ ngài coi sóc hay trên toàn Giáo hội Nhật Bản).
Giáo hội là Mẹ nhân lành, rất yêu thương và thông cảm với những tín hữu ly dị và tái hôn, không bao giờ muốn loại trừ, kỳ thị, vẫn kêu gọi họ tham dự Thánh lễ và sinh hoạt chung của cộng đoàn (trừ việc xưng tội, rước lễ), nhưng không thể thay đổi giáo lý về hôn nhân bất khả phân ly và những điều kiện luân lý về bí tích Giải tội và phải hiểu trường hợp những người ly dị và tái hôn không được xưng tội rước lễ là vì họ không đủ điều kiện để lãnh nhận hai bí tích đó chứ không phải vì Giáo hội khắt khe muốn dùng biện pháp "dứt phép thông công" để loại trừ họ.
Như mọi người đều biết đặc tính của hôn nhân Công giáo là một vợ một chồng và bất khả phân ly, ly dị rồi tái hôn là phủ nhận đặc tính cốt yếu này, phủ nhận điều này thì cũng phủ nhận giáo lý của Chúa Giêsu và Giáo hội về đời sống hôn nhân Công giáo, đó là đặc tính đơn hôn một nam một nữ và vĩnh viễn không ly dị. Nếu người Công giáo ly dị và tái hôn mà vẫn đón nhận các bí tích khác như mọi người tín hữu bình thường, không có vấn đề gì cả, nếu người ly dị, tái hôn vẫn được xưng tội rước lễ thì những người chỉ kết hôn dân sự, thậm chí chẳng kết hôn, cứ sống với nhau như vợ chồng (hôn nhân thực tế) cũng vẫn xưng tội rước lễ được như mọi tín hữu bình thường khác. Nếu người Công giáo ly dị và tái hôn mà được nhận các bí tích như mọi tín hữu thì chắc không xảy ra vụ ly giáo đau thương của vua Henry VIII của nước Anh vào đầu thế kỷ 16.
Ai trong chúng ta cũng biết rằng muốn rước lễ thì điều kiện tiên quyết là phải sạch tội trọng rồi còn phải có lòng tin, lòng ước ao kết hợp với Chúa và có sự chuẩn bị phần xác bằng việc giữ chay 1 tiếng trước khi rước lễ. Để xưng tội nên nghĩa là lãnh nhận được ơn tha thứ của Chúa thì điều chủ yếu là là "ăn năn, dốc lòng chừa", kinh Ăn năn tội chúng ta vẫn đọc "thì con lo buồn đau đớn cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng - Amen". Liệu những người ly dị và tái hôn, công khai sống đời vợ chồng với nhau có thật lòng "đau đớn, chê ghét tội, dốc lòng chừa bỏ tội và xa tránh dịp tội sát sườn" không ?
Có thể có kẻ cho rằng họ tái hôn mà không có "ăn ở" với nhau thì sao ? Để trả lời xin đọc lại nguyên tắc luân lý về hôn phối "vợ chồng về ở với nhau dù chỉ một ngày một đêm thì phải kể là đã hoàn hợp", nếu không có bằng cớ rõ ràng chứng minh ngược lại : người tái hôn không "dốc lòng chừa, không tránh xa dịp tội" thì cũng không thể đón nhận ơn tha thứ, do đó cũng không thể đón nhận Bí tích Thánh Thể. Đơn giản chỉ có vậy.
Dĩ nhiên việc cấm xưng tội rước lễ đối với người Công giáo ly dị và tái hôn cũng không tuyệt đối nghĩa là "vĩnh viễn cho đến chết" vẫn còn cửa mở do lòng nhân hậu của Chúa và Hội Thánh nhưng với những điều kiện nhất định. Báo CG&DT số 1990 tuần lễ từ 9-15/1/2015 trang 22 có đăng : "Những người ly dị tái hôn dân sự chỉ có thể được rước lễ với những điều kiện nhất định" – Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Toàn Báo ở thành phố Bonn, số ra ngày 23/12/2014, Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Koln, nói trong Giáo hội vẫn có những trường hợp đặc biệt những người ly dị tái hôn trình bày hoàn cảnh của mình với cha giải tội, và trong những hoàn cảnh đặc thù họ có thể được rước lễ. Đó là những trường hợp riêng và không thể coi đó là những giải pháp chung. Giáo hội Công giáo xác tín về tính chất bất khả phân ly của hôn phối và đang tìm cách giải quyết vấn đề những người ly dị tái hôn dân sự. Theo Giáo lý Công giáo, những người Công giáo sau khi ly dị mà tái hôn dân sự thì họ ở trong tình trạng có tội nặng và vì thế không thể xưng tội và rước lễ.
Đức Hồng y Rainer Maria Woelki đã bày tỏ lập trường trên đây sau khi đa số các Giám mục Đức công bố một tuyên ngôn hôm 22/12/2014 ủng hộ lập trường cho các tín hữu Công giáo ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích. Một thiểu số Giám mục chủ trương giữ nguyên luật hiện hành trong Giáo hội về vấn đề này (trong Thượng Hội đồng Giám mục về những thách đố trong đời sống gia đình Công giáo ở Roma từ 5-19/10/2014 số phiếu cho phép ly dị tái hôn xưng tội rước lễ cũng chiếm đa số). Đứng trước viễn tượng những người ly dị tái hôn có thể được rước lễ, hai vị Giám mục Giáo phận Passau tuyên bố với tờ Tân Báo Passau rằng : "Vì các lý do thần học, hiện thời tôi không thấy có giải pháp cho các tín hữu ly dị tái hôn dân sự được rước lễ mà đồng thời lại không tạo nghi ngờ về đặc tính bất khả phân ly của hôn phối". Cả Đức cha Rudolf Voderholzer, Giám mục Giáo phận Rogensburg cho biết sẽ không bỏ phiếu ủng hộ quy luật nào gây ngờ vực đối với tính chất bất khả phân ly của hôn phối. (Giang Quốc Chung)
Theo thiển ý trường hợp đặc biệt nói trên là trường hợp nguy tử, hối nhân thật lòng ăn năn và quyết tâm từ bỏ "dịp tội" và hứa nếu có qua được cơn nguy tử, khỏe mạnh lại thì sẽ giải quyết ổn thỏa đạo đời. Hoặc trường hợp cha giải tội chắc chắn do bệnh tật, già nua, lâu năm không "chung chạ vợ chồng" thì theo lương tâm và trách nhiệm cha giải tội có thể cho phép xưng tội rước lễ nhưng phải khôn ngoan tránh gây gương xấu.
Tóm lại những trường hợp đặc biệt này phải bảo đảm được 3 yếu cầu : Một là ăn năn sám hối thật lòng ; Hai là bằng cách nào đó đã cất đi được dịp tội gần và thường xuyên – chẳng hạn hai người đã già nua, cùng bệnh tật và đã ngủ riêng từ lâu dù còn sống chung một mái nhà hay thực sự đã ly thân dù chưa ly dị chính thức : ông ở nhà con gái bà ở nhà con trai … ; Ba là tránh được gương mù gương xấu làm cho người khác nghĩ rằng ly dị tái hôn vẫn được xưng tội rước lễ như mọi người không có vấn đề gì cả.
Điều làm người viết ngỡ ngàng là không hiểu tại sao lại có đa số các lá phiếu ủng hộ lập trường cho phép người Công giáo ly dị và tái hôn được xưng tội rước lễ bình thường ! Không chỉ tại nước Đức mà ngay tại Thượng Hội đồng Giám mục ở Roma nữa. Còn về lời đồn như đã nói ở trên, chúng con tha thiết xin nếu được, Hội đồng Giám mục Việt Nam hoặc các đấng Bản Quyền ra thông cáo rõ ràng để mọi người yên tâm thi hành. Chúng con đội ơn biết mấy.
Tân Sa Châu, ngày 14 tháng 01 năm 2015
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết