1.
Tôi là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hay lo lắng, sợ hãi. Nhưng Đức Mẹ thương, đã cảm hóa tôi, để tôi vững tin vào Chúa là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót.
2. Đức Mẹ cảm hóa tôi dần dần, hầu như hằng ngày.
Đức Mẹ cảm hóa tôi bằng nhiều cách, lúc thì trực tiếp, lúc thì qua các trung gian. Xin nêu lên một số ví dụ.
3. Đức Mẹ dẫn tôi tới Lời Chúa, chẳng hạn lời Chúa Giêsu đã phán xưa: “
Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 6, 32).
4. Đi đôi với Lời Chúa phán trên đây là việc Chúa đã đưa nhiều người tội lỗi trở về với Chúa, hơn nữa còn trao cho họ sứ vụ làm chứng cho Chúa là Đấng Cứu độ giầu lòng thương xót. Chẳng hạn thánh Mathêu, thánh Madalena, thánh Phaolô, ngay trong thời gian mở đầu Phúc âm.
5. Tiếp đó trong mọi thời và ở mọi nơi đều đã xuất hiện những người tội lỗi trở về và đã là chứng nhân cho Chúa.
6. Những người như thế cũng
thấy xuất hiện tại Việt Nam, ngay ở đây và chính lúc này. Họ thuộc đủ mọi thành phần. Họ sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
7. Khi thấy những người đó, tôi đươc Đức Mẹ khích lệ để tin rằng:
Cho dù tôi tội lỗi đến đâu, tôi vẫn có thể được Chúa kêu gọi và được Chúa dùng như dụng cụ của lòng thương xót Chúa. Đó là điều Đức Mẹ cảm hóa tôi.
8. Được cảm hóa như vậy rồi, tôi hỏi Đức Mẹ xem tôi sẽ làm chứng cho Chúa
một cách cụ thể thế nào? Thì Đức Mẹ dạy tôi là cụ thể hãy làm tốt những việc thích hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình.
9. Thí dụ:
Cầu nguyện, sám hối là những việc thích hợp nhất cho tôi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. V
iết ra những bài chia sẻ cũng có thể coi là việc thích hợp với khả năng của tôi, miễn là những chia sẻ đó làm chứng cho Chúa.
Bằng nhiều cách khác nhau, Đức Mẹ cảm hóa tôi đi theo hướng đó.
10. Lần nọ, tôi như buồn chán, không còn muốn cầu nguyện và viết chia sẻ gì nữa, tôi nói sự thực đó cho Đức Mẹ, thì Đức Mẹ an ủi tôi.
Đức Mẹ sai người này người nọ đến với tôi. Họ không hay biết gì về sự tôi buồn chán. Nhưng Đức Mẹ dùng họ, để đánh thức lương tâm tôi. Tôi được cảm hóa, lại tiếp tục lên đường làm chứng cho Chúa, với những việc rất nhỏ, rất âm thầm.
11. Từ những kinh nghiệm như vừa kể, tôi coi việc cảm hóa là rất cần cho người môn đệ Chúa, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay.
12. Hiện nay, Hội Thánh cũng như xã hội, đang cần có những người lãnh đạo có khả năng quy tụ.
13. Người lãnh đạo có khả năng quy tụ rất cần có khả năng
cảm hóa quần chúng. Tất nhiên cảm hóa nói đây là thứ cảm hóa tốt, chọn đạo đức làm lẽ sống. Cảm hóa này phải rất mạnh, để có thể đối phó với thứ cảm hóa xấu, chọn tội ác làm lẽ sống.
14. Thứ cảm hóa xấu hiện nay đã bắt đầu xuất hiện dưới nhiều hình thức.
Nó chủ trương lấy tội ác làm lẽ sống. Tội ác là lừa dối, là giết chóc, là phá hoại, là chia rẽ.
15. Đức Mẹ đang tha thiết cảm hóa tôi thế này:
“Hãy cầu nguyện và tỉnh thức, Hãy nhờ đến Đức Mẹ, để hoán cải mình. Hãy xin Mẹ trở thành nơi nương tựa trong thời kỳ đầy thử thách sẵn sàng bùng nổ chiến tranh khủng khiếp”. 16. Tôi nói những lời trên đây với niềm tin của một người tội lỗi được Chúa kêu gọi và chọn làm dụng cụ bình an của Chúa.
Niềm tin đó là một ơn trọng đại Chúa ban cho tôi nhưng không.
17. Tôi không sao diễn tả nổi sự tôi đang được cảm hóa nhờ Mẹ yêu dấu của tôi. Chỉ tóm lại một lời:
“Mẹ ở đâu, con được ở đó”. Mẹ nói với tôi như vậy. Và tôi tin như vậy. Cảm hóa của Mẹ đang đổi mới tôi.
Đổi mới này làm cho tôi gần lại với anh chị em hơn, tất nhiên cũng làm cho tôi phục vụ Hội Thánh và Tổ quốc một cách hữu hiệu hơn.
18. Phục vụ trong một thế giới đang lao xuống vực thẳm đầy khổ đau, nhất là do mất đức tin, đòi chúng ta phải bám chặt lấy Đức Mẹ.
19. Bám chặt lấy Đức Mẹ, là cầu nguyện với Đức Mẹ, là dâng mình cho Đức Mẹ, là ngoan ngoãn vâng lời Đức Mẹ, là xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta từng giây từng phút, là tin Đức Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự bình an của Chúa, cho dù tình hình là rất tối tăm mù mịt.
20. Bám chặt lấy Đức Mẹ như con thơ ôm chặt lấy mẹ của mình, đó là điều tôi đang làm và sẽ luôn luôn làm. Tôi coi đó là hạnh phúc của tôi.