Hôm đó vào ngày Sa-bát, Chúa Giêsu giảng trong hội đường. Ở đó có một người đàn bà bị tật khòm lưng đã 18 năm. Chúa liền chữa lành cho bà. Tuy nhiên viên trưởng hội đường lại bực tức với Chúa Giêsu. Nhân dịp này, Chúa liền dạy cho họ về luật giữ đạo ngày Sa-bát, đó là luật bác ái.
Chúa Giêsu chữa bệnh vào ngày Sa-bát để dạy cho chúng ta biết cách giữ luật trong ngày Sa-bát. Đó chính là luật yêu thương.
Theo quan niệm của người Do Thái: bà bị còng lưng là do quỷ ám và có thể cũng là bị Chúa trừng phạt vì đã phạm một trọng tội nào đó.
Những việc Chúa Giêsu làm từ việc gọi lại, bảo, đặt tay, thể hiện sự thương yêu, đồng cảm của Chúa và đặc biệt đó cũng chính là công việc cứu độ của Chúa dành cho loài người.
Theo luật Do Thái, việc chữa bệnh hay làm phép lạ là những công việc không được làm trong ngày Sa-bát.
Chúa đã trách mắng những người có đầu óc cổ hủ, thành kiến, những người có đạo đức giả vì chỉ chú trọng đến hình thức của luật mà không nghĩ đến giá trị của luật. Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu rằng: Luật giúp con người sống hoàn thiện, hướng chúng ta đến cứu cánh của đời mình là Thiên Chúa. Chính Người là lề luật và có quyền trên luật. Tình yêu của Chúa thắng vượt trên mọi lề luật.
Luật mới của ngày Sa-bát chính là luật của bác ái yêu thương. Ngày Sa-bát của Người chính là ngày cứu độ.
Giáo huấn của bài Tin Mừng hôm nay dạy mỗi người chúng ta cần phải ưu tiên cho công việc bác ái hơn là các công việc đạo đức khác cho dù điều sau này có là lề luật.
Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy rằng: Chúa thật là Đấng giàu lòng nhân ái với mọi người đặc biệt là đối với những người đau khổ, tật nguyền. Người không đợi bà cất tiếng cầu xin nhưng chính Người đã đi bước trước để chữa lành bệnh cho bà cho dù hôm đó là ngày Sa-bát. Rõ ràng đây là mẫu gương mới về ngày Sa-bát: Phụng thờ Thiên Chúa trong ngày Sa-bát bằng chính công việc làm bác ái, từ thiện của mỗi người.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy nghỉ việc xác trong ngày Chúa Nhật để có thì giờ gia tăng các công việc bác ái như: phục vụ người nghèo, bệnh tật, già nua, thăm viếng an ủi những người gặp khó khăn đau khổ…
Nhìn vào ông trưởng hội đường, chúng ta thấy ông sống và giữ luật một cách hình thức nhưng thực sự ông là người đại diện cho mẫu người ích kỷ, đầu óc hạn hẹp. Đó là lối sống giả hình.
Chúa muốn ta phải thay đổi quan niệm sống và giữ đạo của Chúa bằng chính tấm lòng quảng đại, bao dung của chúng ta.
Có hai vị thiền sư xuống núi. Khi đi ngang qua một khúc sông cạn, họ thấy một cô gái đang mắc nạn giữa dòng sông. Vị thứ nhất đi qua và chẳng nói năng gì. Vị còn lại thấy cô gái mắc nạn liền nhanh nhẹn cõng cô gái kia qua sông. Cả hai vị cùng về Chùa. Khi về đến cổng Chùa, vị thứ nhất liền trách vị thứ hai: “Tại sao anh lại cõng cô gái đó? Anh có biết làm như vậy là hành vi phá giới, không giữ luật của chúng ta không? Vị thứ hai điềm tĩnh trả lời: “Tôi đã thả cô ta bên bờ sông rồi, còn anh tại sao anh vẫn còn mang cô ấy về đến đây?”.
Người tín hữu cần có lòng bác ái, bao dung với những người khác trong đời sống chung với nhau.
Luôn có một tâm hồn như Chúa để biết cảm thông nâng đỡ người khác, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh.