"Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1,38) Ảnh: CTV |
Chúng ta càng lúc càng tiến gần mầu nhiệm Giáng sinh. Chúa nhật tuần này, chúng ta bắt đầu nghe tường thuật theo Tin Mừng Luca về việc truyền tin cho trinh nữ Maria ở Nazarét. Người trinh nữ này được xác định rõ là đã đính hôn với Giuse thuộc dòng dõi Đavít, và tên của bà là Maria. Đức Giêsu quả thật là Thiên Chúa, người là hồng ân Thiên Chúa ban tặng cho con người sau bao nhiêu cố gắng và chờ đợi lâu dài của con người. Một sự tạo dựng mới đầy tràn sức mạnh Thánh Thần được ghép vào trong thế giới con người chúng ta để đổi mới thế giới và đổi mới con người từ bên trong. Một sự sinh hạ do bởi tác động của Thánh Thần trên trinh nữ Maria.
Lời Chúa hôm nay, cho chúng ta thấy một sự kiện vô cùng lớn lao, đó là việc Con Thiên Chúa bước vào lịch sử của thế giới và đã làm biến đổi hoàn toàn thế giới, Ngài mang tên là Giêsu. Việc Thiên Chúa xuống thế làm người không đơn thuần chỉ là việc Thiên Chúa, Đấng vô hạn vô biên, bước vào thế giới hữu hạn, hữu hình; cũng không chỉ là việc năm sinh của Ngài được chọn làm cột mốc đầu tiên cho niên lịch của thế giới, nhưng Ngài đã thực sự đem đến mục đích và ý nghĩa mới cho cuộc sống con người và vũ trụ. Nếu như trước đây, nhân loại phải sống trong sự tối tăm, lạc đường thì Chúa Giêsu là ánh sáng, là người dẫn đường cho nhân loại đi đến cùng đích cuộc đời là hạnh phúc Nước Trời. Nếu như trước đây, con người như đoàn nô lệ chỉ biết cắm mặt xuống đất và làm lao dịch cho ma quỷ và tội lỗi, thì nhờ Chúa Giêsu, con người có quyền tự hào ngước mắt lên trời để gọi Thiên Chúa là Cha và được giải thoát khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ và sự chết.
Trong bài đọc một, Sách Samuel cho thấy: nếu như trước đây, Thiên Chúa như một vị thần ở xa con người chỉ để nhận mùi hương khói, thì giờ đây, Thiên Chúa bước đến với con người, ở giữa con người. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn hứa sẽ lập nên một triều đại mới, một dòng dõi mới, thay thế cho dòng dõi cũ đã buông mình theo sự xấu. Khi vua Đavít đang được Chúa cho hưởng bình yên tứ bề, quốc gia thịnh vượng hùng mạnh, vua Đavít đã dự định sẽ xây cho Thiên Chúa một ngôi nhà xứng đáng bằng gỗ bá hương. Nhưng Thiên Chúa đã không cần ngôi nhà bằng gỗ, đá quý, vì từ trước đến nay, Ngài vẫn đồng hành và bảo vệ dân bằng quyền năng và tình thương. Thiên Chúa chỉ muốn đón nhận thiện chí và lòng tốt của Đavít, và Ngài hứa sẽ xây cho Đavít một triều đại, một dòng dõi sẽ trường tồn mãi mãi. Quan trọng hơn, Thiên Chúa hứa sẽ đặt một người kế vị Đavít, Ngài sẽ làm cho vương quyền của người này được vững bền mãi mãi. Thiên Chúa còn quả quyết: “Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta nó sẽ là con” (2Sm 7,14a).
Còn Tin Mừng Luca thuật lại “biến cố Truyền tin”, đây là biến cố hết sức trọng đại cho cuộc đời Đức Maria cách riêng và cho Giáo hội nói chung, bởi lẽ chính qua biến cố ấy mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ từ ngàn đời, đánh dấu bằng việc Nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đại diện cho dân thánh, Mẹ Maria là thiếu nữ Sion được đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Mở đầu với biến cố “Truyền tin”, từ lời chào của sứ thần dành cho trinh nữ Maria không phải chỉ là một lời chào thông thường mà là một cách nói rất đặc biệt nói lên tình trạng rất lạ lùng mà Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Kính chào bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (1,28). Đây là một tên mới dành cho Maria. Đây là tên gọi rất đẹp và rất đặc biệt. Theo nguyên ngữ “kêkharitômênê” có nhiều nghĩa khác nhau như: duyên dáng, dễ thương, vừa lòng Thiên Chúa… Động tính từ “kêkharitômênê” được chia ở thì hoàn thành cho thấy Đức Maria đã, đang và sẽ là người tràn đầy ân sủng Chúa ban và đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi việc. Maria là người trinh nữ được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn đặc biệt và gìn giữ toàn vẹn. Thiên Chúa dành cho Maria một sự chăm sóc đặc biệt bằng mọi ân sủng để Maria không hề ở dưới bóng dáng của tội lỗi mà ngược lại luôn ở trong sự kết hợp ân sủng mật thiết với Thiên Chúa để có thể cộng tác hiệu quả vào việc đón nhận con Thiên Chúa nhập thể làm người. Đồng thời sứ thần cũng giải thích lý do của việc thăm viếng bằng cách báo cho Maria biết bà sẽ thụ thai và sẽ sinh con trai và con của bà sẽ được gọi là con Đấng Tối cao, và sẽ thừa hưởng ngai vàng Đavít tổ tiên người. Lời hứa năm xưa với vua Đavít đã được Thiên Chúa thực hiện khi cho sứ thần đến truyền tin cho trinh nữ Maria.
Tác giả Tin Mừng cho chúng ta biết sứ thần được sai đến với một trinh nữ đã đính hôn, nhưng Giuse lại là nhân vật được nhắc tên trước hết với một vai trò quan trọng là: Ông thuộc dòng dõi vua Đavít. Nhấn mạnh đến việc Giuse đã đính hôn với Maria để cho thấy cuộc hôn nhân này đã là hợp pháp và chính thức theo luật. Tác giả giới thiệu ông Giuse thuộc dòng dõi vua Đavit, vì đứa trẻ sinh ra chắc chắn sẽ phải mang họ của cha. Vì thế, cho dù cuộc đầu thai của Đấng Cứu Thế trong lòng Đức Maria xảy ra trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, thì người con sinh ra vẫn được coi như con chính thức và hợp pháp của Giuse. Giuse sẽ thực hiện quyền làm cha bằng việc đặt tên cho con trẻ và trao cho con trẻ thế giá dòng tộc Đavít của ông. Và như thế lời Chúa hứa năm xưa với vua Đavít nay đã ứng nghiệm, con trẻ Giêsu sẽ thiết lập nên một triều đại bền vững đến muôn đời.
Nhưng chúng ta thử hình dung, khi cuộc đối thoại giữa sứ thần Gáprien và thiếu nữ Maria đang diễn ra thì cả triều thần thánh trên trời dường như nín lặng và gian trần hồi hộp đến nỗi thời gian như ngừng trôi để chờ đợi Maria cất tiếng “xin vâng”. Tại sao vậy? Vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, và vì tầm quan trọng của kế hoạch cứu độ nên Thiên Chúa càng muốn con người đáp trả cũng như cộng tác một cách tự do trong ý thức của mình. Sau tiếng “xin vâng” của cô thiếu nữ nghèo hèn ấy, cả trời đất như òa vỡ trong niềm hạnh phúc và cũng sau tiếng “xin vâng” ấy, cuộc đời Maria bước sang ngã rẽ khác.
Giờ đây, cô thiếu nữ nghèo nàn đã trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, để Thiên Chúa đến với con người trong cung lòng của Mẹ Maria. Đức Maria đã để cho Thiên Chúa bước vào cuộc đời của mình, biến đổi hoàn toàn suy nghĩ, hành động và cả cuộc đời. Qua lời “xin vâng” của Đức Maria, Thiên Chúa đã biến đổi hoàn toàn thế giới. Đức Maria, dù có một ý muốn rất tốt lành là sống cuộc đời trinh khiết, nhưng Thiên Chúa đã muốn Mẹ đính hôn với Giuse, để qua cuộc đính hôn này, Thiên Chúa trao gửi Con của Ngài vào cung lòng của Mẹ. Mẹ đã hết sức ngỡ ngàng trước lời chào cung kính long trọng của sứ thần: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng (1,28). Vì có Đức Chúa ở cùng nên Mẹ mới tràn đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng thì Mẹ mới dám can đảm đón nhận sứ mạng và Đức Chúa ở cùng thì Mẹ mới đủ sức cho sứ mạng tương lai. Và hết sức khiêm tốn, Mẹ nhận Mẹ là nữ tỳ của Thiên Chúa. Đây chính là tước hiệu mà Đức Mẹ tự nhận về mình trước sứ thần, trước một sứ mạng cao cả Thiên Chúa trao ban cho Mẹ. Truyền thống Giáo hội dựa vào điểm này để tôn vinh sự khiêm hạ của Mẹ Maria hay nói đúng hơn là Mẹ đã nhìn nhận đúng thân phận và vị trí của mình.
Tuyệt đỉnh của lời xin vâng mà Mẹ thưa với sứ thần sau khi nhìn nhận mình là “tôi tớ”, là nữ tỳ, và Đức Maria đã thưa lên cùng Chúa: “xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (1,38). Đây là câu nói khá lạ lùng vì mạch văn đang kể lại cuộc đối thoại giữa Đức Maria và sứ thần nhưng trong câu này thì Đức Maria lại thưa lên cùng Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ rằng Đức Maria đặt mình trong tương quan với chính Chúa trong cuộc gặp gỡ này. Cuộc đối thoại của thiên sứ và Đức Maria kết thúc, giờ đây Đức Maria đã sẵn lòng hướng lên Thiên Chúa, mở lòng đón nhận sứ mạng Ngài trao gửi mặc cho những uẩn khúc trong lòng và khó khăn trước mắt. Từ sau cái gật đầu ưng thuận của Maria, Hài Nhi Giêsu đã được trao ban cho toàn thể nhân loại, nghĩa là qua Đấng Emmanuen tất cả chúng ta trở nên anh em một nhà, trở nên con cùng một Cha trên trời, cùng được thừa hưởng lời hứa cứu độ từ ngàn xưa. Như lời của thánh Phaolô trong bài đọc 2: “Tin Mừng đó mạc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong sách thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16,25b-26). Thiên Chúa đã chính thức bước vào lịch sử nhân loại, Ngài không vào thế gian bằng một con đường nào khác, nhưng bằng việc đầu thai trong lòng một trinh nữ, trở nên một con người như biết bao người. Ngài đến để sống và chia sẻ thân phận con người, chung chia niềm vui nỗi buồn, đồng lao cộng khổ với nhân loại để cứu chuộc nhân loại.
Tiếng xin vâng khó khăn nhất của Mẹ Maria là tiếng xin vâng dưới chân Thập giá. Những lời sứ thần nói ngày xưa có còn đáng tin không? Chỉ khi Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với Mẹ tất cả những tiếng xin vâng trong đời mới bừng sáng trọn vẹn và rực rỡ ý nghĩa. Đây là đoạn đỉnh điểm và cũng là đoạn kết tuyệt vời nhất của trình thuật về biến cố “truyền tin” cho Đức Mẹ. Đức Mẹ khiêm tốn xin Thiên Chúa thi hành thánh ý Ngài trên cuộc đời Mẹ. Đó là ưu phẩm tuyệt vời nhất của Đức Mẹ. Ưu phẩm ấy có tên là “Xin vâng”. Ngoài Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa là cội nguồn và kiểu mẫu duy nhất cho sự vâng lời khi Ngài vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá thì chỉ có Đức Maria, thụ tạo duy nhất có được bản “copy” vâng lời giống với bản chính, rõ ràng, sáng sủa nhất.
Lời xin vâng của Mẹ Maria có ý nghĩa đặc biệt không phải cho riêng cuộc đời Mẹ nhưng khi đặt trong viễn ảnh Mầu Nhiệm Cứu Độ. Chính sự xin vâng ấy đã khởi đầu cho hành trình làm người của Con Thiên Chúa. Qua đó, Thiên Chúa thực hiện lời hứa, biểu lộ lòng thành tín của Ngài thực thi công trình cứu độ của Ngài trên nhân loại. Mẹ xin vâng không phải vì chính Mẹ nhưng mang lấy vận mạng của toàn nhân loại.
Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức