1.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hiệp nhất giữa những người theo Chúa. Sự hiệp nhất, mà Chúa Giêsu đã cầu xin là rất căn bản như sau:
“
Lạy Cha, như Cha ở trong con, và như Con ở trong Cha, xin cho mọi người nên một trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con”.
“Phần Con, Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một, như chúng ta là một”.
“Con ở trong họ, và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một. Như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con, và đã yêu thương họ, như đã yêu thương Con” (Ga 17,21-23).
2.
Từ ít lâu nay, nhất là lúc này, tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu rất mong muốn lời nguyện trên đây của Người được mọi tín hữu gẫm suy và quan tâm thực hiện. Bởi vì, hơn lúc nào hết, sự hiệp nhất trong Hội Thánh đang bị khủng hoảng. Có những gắn kết, mà cũng có những tách rời. Gắn kết tuy mạnh, nhưng tách rời cũng đang mạnh lên dưới nhiều hình thức thực sự nguy hiểm.
3.
Tách rời đang mạnh dần và rất nguy hiểm là khi nhiều người chúng ta tự coi mình là những người đạo đức, trong sạch, giữ luật, ưu tú, để lập thành một thứ Hội Thánh riêng, có tính cách tách rời, đứng trên và đứng xa những người mà dư luận coi là một thứ Hội Thánh dơ bẩn, đang khi Hội Thánh này lại gồm những người lo sám hối, lo hiệp thông, lo chia sẻ, và coi đức tin là một ơn huệ Chúa ban.
4.
Tách rời đang mạnh dần và rất nguy hiểm, là khi nhiều người chúng ta dám tự mãn vì chúng ta không phạm tội, đang khi lòng đạo thực sự không phải chỉ là sạch tội, mà còn là có lửa mến, có hiệp thông, hiệp thông một cách nào đó cả với những kẻ có tội, để cảm hoá họ trở về với Chúa.
5.
Tách rời đang mạnh dần và rất nguy hiểm là khi chúng ta coi việc gắn bó với truyền thống, với tục lệ của nơi mình ở, coi đó là tốt nhất, để rồi khó chấp nhận những cải cách cần có để trở nên tốt hơn.
6.
Một trong những yếu tố cần để xây dựng tinh thần hiệp thông nhất đó là, chúng ta cần nhận thức sâu sắc mình rất yếu đuối, rất bất toàn, rất mỏng manh, luôn luôn phải cậy tin vào lòng thương xót Chúa. Chứ chúng ta không phải là những người dám coi mình là trong sạch, có quyền ném đá những kẻ mà mình kết án là kẻ có tội.
7.
Riêng đối với tôi, việc cầu nguyện xin ơn phân định là một yếu tố hết sức quan trọng. Tôi xin Chúa soi sáng cho tôi biết việc nào, lời nào, thái độ nào là có giá trị xây dựng sự hiệp nhất, việc nào, lời nào, thái độ nào là có khả năng chia rẽ. Chia rẽ và hiệp nhất nói đây phải hiểu là hợp với thánh ý Chúa.
8.
Với ơn phân định, nhiều bề trên trong đạo đã chọn nhân sự, chọn thời cơ, chọn việc làm một cách khôn ngoan. Nhờ vậy, mà tránh được sự phân rẽ, xây dựng được hiệp nhất.
Với ơn phân định, nhiều bề trên trong đạo đã chọn được những người thân tín, để họ cộng tác với mình trong việc xây dựng hiệp nhất theo thánh ý Chúa. Xưa, có lần Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ thế này:
“Thầy không gọi các con là những người đầy tớ, nhưng gọi các con là những bạn hữu. Bởi vì tất cả những gì thầy đã nghe từ Cha thầy, thì Thầy đã cho các con biết” (Ga 15,15). Nay, tôi cũng thấy nhiều bề trên cũng nói được như vậy với một số thân tín cố vấn.
Không có những cố vấn thân tín sẽ là một nguy hiểm cho các bề trên trong việc xây dựng hiệp nhất.
9.
Tiện đây, tôi xin phép tiêt lộ một bí mật có liên quan đến Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình. Năm đó, khi các Đức Giám mục Việt Nam đang ở Vatican để viếng thăm Đức Giáo hoàng theo luật ad Limina. Dịp đó, có Đức Tổng Bình và cũng có tôi. Một hôm, Đức Tổng gặp tôi và nói:
“Toà Thánh có ý định đưa Đức cha về thành phố Hồ Chí Minh, thế cho Đức cha Nguyễn Văn Thuận đang bị tù. Sau hai tuần suy nghĩ, tôi đã trả lời với Toà Thánh là, nếu được phép từ chối, thì tôi xin được từ chối dự kiến đó. Bởi vì Đức cha không thích hợp cho sứ vụ mới, do sức khoẻ và tính hay lo lắng quá, sợ sẽ không bền. Tôi nói thế là vì thương Đức cha”. Đức Tổng Phaolô coi tôi là một người thân tín. Ngài cũng là một người thân tín đối với Toà Thánh. Và do vậy, tôi thấy việc chọn nhân sự cho các chức danh lúc đó đã được Toà Thánh và các Đấng Bản quyền tại Việt Nam cân nhắc, trao đổi rất cẩn thận. Tất cả vì mục đích xây dựng sự hiệp nhất lâu dài trong Hội Thánh.
10.
Đề cập đến vấn đề hiệp nhất trong Hội Thánh, tôi thường hay để ý đến lời Chúa Giêsu dạy là hãy tỉnh thức. Chúa dạy:
“Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, và sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến rồi. Anh em chớ có theo họ” (Lc 21,8).
11.
Tỉnh thức là hãy bền bỉ cầu nguyện, trung tín phó thác mình cho Chúa. Bởi vì lịch sử sẽ không tránh được những cảnh phân hoá rất đau đớn.
Tỉnh thức là hãy luôn luôn xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh trên nền tảng Đức Kitô, Lời Đức Kitô, Thánh giá Đức Kitô, gương sáng Đức Kitô.
Tỉnh thức là hãy luôn luôn trung thành với lời dạy của các thánh Tông đồ.
Tỉnh thức là hãy canh chừng trước những mưu mô chia rẽ, do các thần dữ đội lốt thần lành, xúi ta làm những việc mà chúng ta cho là tốt, nhưng thực sự lại là rất tai hại cho Hội Thánh.
Tỉnh thức là hãy khiêm tốn cộng tác với Toà Thánh và các đấng kế vị các tông đồ trong việc xây dựng hiệp nhất.
12.
Tỉnh thức, là phải tế nhị, để ý đến những chi tiết nhỏ với tâm lý dễ nhạy cảm, có khả năng xây dựng hoặc phá vỡ sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Nhiều khi sự thiếu tế nhị nhỏ đã bị các thần dữ lợi dụng để gây nên những phân rẽ lớn. Lịch sử Hội Thánh đã có kinh nghiệm đau đớn về những vết thương đó, mà tới nay vẫn chưa lành hẳn.
ĐGM GB. BÙI TUẦN