Suy tư - Chia sẻ

Tình thương của Ba Ngôi đối với con người

Cập nhật lúc 09:46 01/07/2019
Hôm nay, Giáo hội mừng trọng thể lễ Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm cao cả nhất của Kitô giáo. Tất cả các mầu nhiệm đều xoay quanh mầu nhiệm trung tâm này, bởi từ mầu nhiệm này phát khởi các mầu nhiệm khác.
Và đây cũng là mầu nhiệm khó hiểu nhất của Kitô giáo. Mầu nhiệm một Thiên Chúa có Ba ngôi được chính Đức Giêsu mạc khải cho con người. Suốt hơn hai ngàn năm, Giáo hội vẫn xác tín vào một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi chỉ là một Chúa. Mỗi Ngôi vị là một Chúa trọn vẹn nhưng chỉ một Thiên Chúa duy nhất. Sở dĩ Giáo hội nhận biết và xác tín điều này là nhờ mạc khải của Đức Giêsu Con Thiên Chúa. Ngài cùng hiện hữu đời đời cùng với Chúa Cha nên lời mạc khải có giá trị. Nhờ mạc khải của Đức Giêsu mà con người hiểu được phần nào về Thiên Chúa Toàn Năng, Thượng Trí vô biên. Chính Ngài là đối tượng mà con người hằng tìm kiếm. Có nhiều thuộc tính thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi: toàn năng, chân thật, tuyệt mỹ, tốt lành… Một trong những thuộc tính của Thiên Chúa là xót thương.

Phụng vụ lời Chúa trong Chúa nhật mừng kính Chúa Ba Ngôi cách nào đó diễn tả chiều kích này. Tình yêu là điểm mạnh của Thiên Chúa dành cho con người. Dường như tất cả mọi sự phát xuất từ Người đều khởi đi từ tình yêu. Từ tạo thiên lập địa cho tới cứu chuộc và đến tận cùng, tất cả bởi tình yêu của Người.

I. TÌNH YÊU DIỄN TẢ NƠI CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO

Chẳng ai tạo ra Thiên Chúa, nhưng Người hiện hữu từ ngàn xưa. Sách Châm ngôn diễn tả chiều kích này khi tác giả cảm nghiệm về một Thiên Chúa Siêu việt và Toàn năng, hiện hữu từ muôn thủa: “Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nỗng ta đã được sinh ra” (Bài đọc 1). Một vị Thiên Chúa quyền năng nhưng giàu lòng xót thương. Người tạo nên vũ trụ này bằng quyền năng và lòng thương xót: “khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất” (Cn 8,28-29). Vì tình thương mà Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ này và sắp xếp cho chúng một trật tự theo ý tốt lành của Người.

Từ khởi thủy Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Người cho thụ tạo, khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự từ hư không. Từ hư không thụ tạo được hiện hữu, không phải tự nó hiện hữu nhưng do bởi tình yêu của Người. Và con người cũng được tạo dựng do bởi tình yêu của Thiên Chúa. Trong công trình sáng tạo, cả Ba Ngôi cùng hoạt động. Thiên Chúa sáng tạo vạn vật bằng Lời, Thiên Chúa phán… (St 1, 1-26). Và có Thần Khí bay là là trên mặt đất. Tình thương của Thiên Chúa không dừng lại nơi công trình sáng tạo mà còn tiếp nối nơi công trình cứu độ

II. CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ DIỄN TẢ TÌNH YÊU TỘT CÙNG CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI

Cần xác tín rằng công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua dòng lịch sử là công trình mà Thiên Chúa thể hiện tình thương cách đặc biệt cho con người. Sau khi con người phạm tội và khước từ, Thiên Chúa không bỏ mặc để con người “tự lực cánh sinh” nhưng hằng ở với con người và hứa cứu độ con người. Một thụ tạo được tạo dựng từ hư vô nay được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc cách đặc biệt, không phải con người đáng được như thế nhưng bởi tình yêu quá hải hà mà Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu nhưng không ấy được cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể.

Trong sứ vụ rao giảng, Đức Giêsu hằng gắn bó mật thiết với Chúa Cha (cầu nguyện) với sự hướng dẫn của Thánh Thần, và không ngừng nói và hành động diễn tả tình thương của Thiên Chúa. Những hành động của Ngài không chỉ diễn tả tình thương của một con người đối với người đồng loại nhưng còn là tình thương của Thiên Chúa nữa: “Thầy và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vì thế, Ngài hành động không riêng lẻ nhưng luôn có Chúa Cha và Thánh Thần hoạt động. Hành động thương xót nơi Đức Giêsu là hành động thương xót của cả Ba Ngôi. Và tình thương của Thiên Chúa đạt đến cực độ nơi cái chết và phục sinh của Đức Giêsu. Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh không phải là sự thất bại của một Thiên Chúa làm người nhưng là chiến thắng khải hoàn, đánh bại tử thần, mở ra một viễn cảnh mới, là con người được sống lại với Đức Kitô và được giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ cái chết và phục sinh của Ngài, con người được “ngẩng cao đầu”, tiến lên như những người tự do và được thừa hưởng quyền thừa kế từ Thiên Chúa trong vai trò là những người con. Bởi đâu con người được đặc ân này nếu không phát xuất từ Thiên Chúa?

Và tình thương của Thiên Chúa còn tiếp tục nơi Giáo hội. Ba Ngôi vẫn hoạt động trong Giáo hội, gìn giữ và nâng đỡ Giáo hội. Giáo hội thân thể Đức Kitô, được Ngài thiết lập nhưng vẫn là những con người mỏng giòn, yếu đuối. Dường như là quá sức nếu để Giáo hội tự chống chọi với những thế lực trần thế. Vì thế, Ba Ngôi luôn hoạt động bên trong Giáo hội để nâng đỡ hầu giúp Giáo hội vượt thắng những thử thách. Cuộc đời người tín hữu cũng không phải bước đi một mình, Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn hằng dõi bước mỗi người tín hữu, nâng đỡ bằng cách ban ân sủng qua các bí tích, Lời Chúa và qua các chỉ thị của Giáo hội, để hành trình tiến về quê trời họ luôn có Giáo hội đồng hành và đặc biệt có Chúa cùng sánh bước và trợ lực.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay quy hướng người tín hữu về cội nguồn của vạn vật đó chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Người là Đấng Toàn Năng nhưng giàu lòng xót thương đã tạo nên vạn vật và con người từ hư không. Hơn nữa còn gìn giữ và cứu chuộc dù con người phản bội, bằng cách cho chính Con của mình đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị của tội lỗi và đưa về lại với tình trạng thánh thiện nguyên thủy: “để một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Bài đọc 2). Mừng kính Chúa Ba Ngôi, Mẹ Giáo hội như nhắc nhở con cái biết xác tín vào Thiên Chúa, đó là nguồn ân sủng và trợ lực trên hành trình tiến về quê hương đích thực. Vì thế, cuộc lữ hành đức tin của người tín hữu không bao giờ bước đi một mình nhưng luôn có Ba Ngôi cùng song hành.

Jm Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Tâm sự sau cùng về đạo đức bình dân (28/06/2019)
Ơn trở về, tâm tình ngày kỷ niệm thụ phong linh mục (18/06/2019)
Đấng Phục Sinh trao ban thần khí (12/06/2019)
Học nơi trái tim Chúa Giêsu sự hiền lành khiêm nhường (11/06/2019)
Yêu mến Thầy là giữ lời Thầy! (07/06/2019)
Những thứ cạn kiệt cần tránh (06/06/2019)
Yêu như Chúa (21/05/2019)
Tâm sự của một người thầy (17/05/2019)
Mục tử và đàn chiên (16/05/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log