1. Ngay từ đầu khóa thường huấn Linh mục Long Xuyên, tôi đã được thu hút bởi đề tài của khóa thường huấn là đạo đức bình dân.
Đang khi tôi cao hứng ca ngợi những hình thức đạo đức bình dân, coi đó như những giá trị đạo đức quí giá cần duy trì và phát triển, thì đột nhiên, đêm vừa rồi, tôi được thị kiến khiến tôi bàng hoàng.
2. Tôi muốn giữ cho riêng mình thị kiến đó, nhưng để nhẹ lương tâm, tôi xin chia sẻ điều chính yếu.
Qua thị kiến, Chúa cho tôi hiểu: Đạo đức bình dân gồm nhiều hiện tượng đạo đức phức tạp. Có thứ trong ngoài đều tốt, có thứ chỉ tốt phần nào bên ngoài, còn bên trong thì xấu.
3. Vì thế, cần phải biết phân định, xem thứ nào là thực tốt cả ngoài lẫn trong trước mặt Chúa.
Theo Phúc âm, thì điều hay làm cho đạo đức bình dân trở thành xấu, đó là phô trương. Phô trương lẻn vào động cơ đạo đức.
4. Chúa Giêsu đã rất rõ khi Chúa cảnh cáo ba thứ đạo đức bình dân sau đây:
“Khi bố thí, làm viêc từ thiện, thì đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội trường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen, Thầy bảo thật các con, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn các con, khi bố thí, làm việc từ thiện, thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí từ thiện được kín đáo. Và cha các con, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ thưởng công cho các con” (Mt 6, 2-4).
5. “Khi cầu nguyện, cũng đừng phô trương. Nhưng hãy kín đáo” (Mt 6, 5-6).
6. “Khi ăn chay, cũng đừng phô trương, nhưng hãy kín đáo” (Mt 6, 16-17).
Sở dĩ Chúa Giêsu cảnh báo phô trương là tính xấu cần tránh trong đạo đức, bởi vì tính xấu đó rất phổ biến, rất mạnh trong dân hồi đó.
7. Thiết tưởng, hiện nay, tính xấu đó cũng không hề bớt. Vì thế mà chúng ta cần cảnh giác. Phải cảnh giác trước hết nơi chính bản thân mình.
8. Riêng tôi, nếu không tỉnh thức, cũng không tránh được tính xấu đó.
Nhiều khi, nói là tổ chức các cuộc lễ lạy đạo đức trọng thể, để làm sáng danh Chúa. Nhưng, nếu không tỉnh thức, thì cũng có chút phô trương chính mình và các công trình của mình.
9. Để tránh phô trương trong các việc đạo đức, thánh Augustinh khuyên hãy luôn luôn để ý đến lửa mến trong mình. “Tôi có thực mến Chúa không?”
10. Để tránh phô trương trong các việc đạo đức, thánh Phanxicô Assisi luôn nhấn mạnh đến khiêm nhường. “Tôi có thực sự khiêm nhường không?”
11. Phô trương là điều Đức cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ rất ghét. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh nổi nóng của Đức cha cố, khi ngài thấy ai trong con cái ngài phô trương, Ngài rất nghiêm khắc với những ai có tính phô trương, rồi từ đó hay ghen tương, tranh chấp, vu khống theo tinh thần thế tục.
12. Trên đây là chút tâm sự sau cùng của tôi về đạo đức bình dân.
Còn về thị kiến đêm rôi, thì tôi sẽ không bao giờ dám nhắc tới. Vì nó rất kinh khủng về phô trương.
Xin Chúa thương xót chúng ta.
13. Tuy nhiên, lúc này tôi đang được an tâm, nhờ Đức Mẹ. Mẹ ở bên tôi. Mẹ an ủi tôi. Mẹ chia sẻ cho tôi lòng đạo đức của Mẹ: Mẹ làm gì cũng vì mến Chúa, cũng rất khiêm nhường.
Mẹ chẳng bao giờ coi việc phải lên tiếng gay gắt chê bai, kết án là đạo đức, Mẹ chỉ tha thiết kêu gọi sám hối.
Mẹ chẳng bao giờ khoe khoang mình là kẻ có công trạng này nọ. Mẹ coi mọi sự tốt mà Mẹ có được đều do ơn Chúa ban cho nhưng không.
Mẹ chẳng bao giờ cho mình là một quyền lực để mà phô trương. Nhưng Mẹ luôn sống trong tâm tình tạ ơn khiêm tốn.
Xin Mẹ thương giúp chúng ta sống đạo đức bình dân một cách trong sáng, đẹp lòng Chúa.
14. Thánh Giuse cũng là một gương rất sáng về đạo đức bình dân. Ngài không bao giờ phô trương và tranh chấp. Ngài luôn khiêm nhường, chôn vùi, và phục vụ như người hầu hạ.