Chỉ những ai từng đi biển mới biết thế nào là sức mạnh của biển cả. Trước sức mạnh của sóng biển, tàu thuyền chỉ như những chiếc lá mong manh, và sức của con người thì không thể nào chống đỡ được. Nhiều cư dân sinh sống ở vùng biển không biết làm cách nào để khống chế sức mạnh của từ biển cả. Vì thế, họ cho rằng đó là sức mạnh đến từ thần biển và họ cúng bái thần biển như là một vị thần linh.
Mặt biển trần gian cũng không mấy khi phẳng lặng. Không những thường có gió, có sóng, mà nhiều khi còn nổi bão và sóng cuộn. Và không chắc thời buổi khoa học kỹ thuật cao ít sóng gió hơn những thời đại bè nứa và thuyền nan. Lịch sử thế giới những thập niên gần đây xem ra nhiều biến động và con người ở thời đại chúng ta cũng rất nhiều thử thách. Ai có thể nói: đời sống bản thân, gia đình và xã hội mình đang sống không có những nét bất ổn làm dao động tâm hồn?
Hôm nay Lời Chúa không những tỏ ra thấu suốt các nguy hiểm của đời sống con người, mà còn muốn đem lại bình an hạnh phúc cho tất cả chúng ta đang sống trong sóng gió của cuộc đời.
1. Thiên Chúa quyền năng. Dân Itrael ngay từ xa xưa đã nhận ra rằng: Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, là Đấng quyền năng vượt trên mọi vật, mọi loài. Chính sách Gióp đã tuyên xưng niềm tin ấy. Ông Gióp là người trung tín với Thiên Chúa, tuy có những lúc ông dường như chao đảo, nhưng ông vẫn tin Thiên Chúa là Đấng đã ban cho ông tất cả, thì Ngài cũng có thể lấy đi tất cả từ nơi ông.
Đoạn trích trong bài đọc một hôm nay, Thiên Chúa đã cho ông Gióp thấy quyền năng của Ngài là Đấng tạo dựng và điều khiển vũ trụ. Thiên Chúa nói với ông: “Cửa đại dương, ai ra tay khép lại khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu” (G 38, 8). Thời ấy, người ta có những quan niệm rất khác với chúng ta về vũ trụ. Ðối với họ, mọi vật đã từ “vực thẳm” đi ra. Biển cũng từ lòng sâu thẳm ngoi lên. Vực thẳm là lòng mẹ sinh ra vạn vật. Nhưng khi nước biển trào ra như vậy, làm sao nó lại đọng lại một vài nơi và không tràn ra lênh láng? Phải có người vạch ranh giới cho nó và đặt nó trong cửa kín then cài. Ai vậy, nếu không phải là tạo hóa? Người đặt định luật cho các vật để chúng không ngông cuồng và không có kỷ luật… Người phán: “sóng chỉ đến đây thôi, không được xa hơn nữa” (G 38, 11), nó phải vâng nghe.
2. Lòng tin. Câu chuyện Tin Mừng thuật lại: sau một ngày của Chúa Giêsu và các môn đệ với những công việc vất vả, bằng chứng là việc Chúa Giêsu đã ngủ thiếp đi khi Ngài và các môn đệ đang trên thuyền băng qua bờ bên kia biển hồ: “Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (Mc 4, 38). Bất thình lình ở đâu ập tới một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền tưởng chừng như nhấn chìm Thầy trò. Trong lúc sợ hãi, các môn đệ đã cầu cứu tới Đức Giêsu: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao? Người thức dậy ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi, câm đi” Gió liền tắt và biển lặng như tờ” (Mc 4, 38-39). Sau khi chứng kiến sự việc các môn đệ không khỏi hoang mang và đặt câu hỏi: Ngài là ai mà ngay cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh? Có lẽ các môn đệ cũng dần nhận ra Thầy của mình là một Đấng có quyền năng, Ngài chỉ cần ra lệnh là sóng yên, biển lặng.
Con thuyền có Chúa Giêsu và các môn đệ còn là hình ảnh của Giáo hội. Các môn đệ là người chèo chống, những cơn sóng dữ là những khó khăn, bách hại. Các môn đệ phải đương đầu với những cách thức tấn công mới và đa dạng của ma quỷ. Các môn đệ nhiều khi cũng rơi vào sợ hãi, dường như bó tay trước những sóng gió. Những lúc khó khăn như thế không có nghĩa là Chúa Giê-su vắng mặt, trái lại: Ngài luôn hiện diện cùng với Giáo hội, chỉ có điều Ngài đang nghỉ ngơi phía đàng lái của con thuyền. Chúa Giêsu vẫn là người đang lái con thuyền Giáo hội, chỉ cần tin tưởng Ngài sẽ đưa Giáo hội vượt mọi khó khăn thử thách, Ngài sẽ đem lại sự bình an cho Giáo hội.
Chúng ta thì sao, chúng ta vẫn nhớ đến Chúa, nhưng dường như chỉ là sự trách móc Chúa, khi mà những điều ta xin Chúa tại sao Chúa lại không cho. Đừng nghĩ rằng: Chúa không ban cho chúng ta những điều chúng ta xin cùng Ngài. Mà hãy tự trách chính mình, lòng tin của chúng ta ở đâu? Khi mà chúng ta nhận được những thành công trong cuộc sống, những điều may mắn luôn đến với chúng ta. Và khi đó, chúng ta thường hay quên Chúa, chúng ta không biết rằng: Người đã luôn bên ta mang đến cho ta những điều tốt đẹp, đã đồng hành và nâng đỡ cứu giúp chúng ta vượt bao khó khăn, mang đến cho chúng ta sự bình an của Ngài. Thế mà chúng ta thường hay trách Người khi chúng ta không đủ sức vượt những thách đố của cuộc sống. Chúng ta nhớ đến Người chỉ để trách người. Vậy hãy tự hỏi lòng mình rằng: Lòng tin của tôi ở đâu?
3. Biến đổi Sau khi Chúa Phục sinh và được lãnh nhận Thánh Thần, các Tông đồ mới được biến đổi hoàn toàn để trở nên những con người của đức tin, của chứng nhân niềm tin vào Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa. Các ông luôn xác tín rằng: trong mọi hoạt động đều có sự hiện diện của Chúa Kitô và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, các ông đã trở nên những con người miệt mài rao truyền quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. “Tình yêu Đưc Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cr 5, 14). Đó chính là động lực thúc đẩy các Tông đồ căng buồm ra khơi loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng của Ngài khi là cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, và chính Ngài cũng sẽ làm cho những kẻ tin vào Đức Giêsu cũng sẽ được sống lại.
Chúa Giêsu Kitô vẫn đang hiện diện trên con thuyền của mỗi gia đình chúng ta. Ngài đang hiện diện nơi đàng lái để điều khiển và hướng dẫn con thuyền đi đúng hướng. Đừng bao giờ có ai cậy dựa vào sức mình và tự nghĩ rằng mình có thể làm được tất cả, giải quyết được tất cả mà không cần đến ơn Chúa.
Cuộc đời mỗi người chúng ta là một chiếc thuyền đang lênh đênh trên biển cuộc đời. Hãy mời Đức Giêsu bước lên thuyền của chúng ta bằng việc siêng năng đến với Ngài qua Thánh Lễ, cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và để cho Lời của Chúa dẫn lối con thuyền cuộc đời chúng ta. Chính lòng tin và sự cậy dựa vào ơn Chúa sẽ biến đổi chúng ta và mọi người.