Chúng ta đang sống những ngày cận kề với biến cố Con Thiên Chúa Nhập Thể, Đấng đến thế gian không phải để lên án, hay hủy diệt nhân loại nhưng là giải thoát con người khỏi gông cùm của tội lỗi; đưa con người về lại với tình trạng thánh thiện nguyên thủy.
Hồng ân đó đã được ban cho con người ngay từ khởi nguyên, qua hình ảnh trung gian là ông bà nguyên tổ Ađam và Eva. Phụng vụ Lời Chúa tuần này cho ta hiểu phần nào cách thức Thiên Chúa đi vào thế gian, để thấy được tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
I. GỐC TÍCH CỦA ĐỨC GIÊSU
Như đã nói, phụng vụ tuần này cho ta biết về nguồn gốc siêu nhiên của Đức Giêsu, bên cạnh đó không ít người cho rằng biến cố này khác lạ. Biến cố Con Thiên Chúa Nhập Thể và Nhập Thế không chỉ được loan báo cho con người qua biến cố truyền tin cho Đức Maria và thánh Giuse, nhưng điều này đã được tiên báo từ trong Cựu Ước, qua rất nhiều ngôn sứ; điển hình là ngôn sứ Isaia. Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia đã tiên báo về cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa: “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai và sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel”. Chuyện người trinh nữ mang thai và sinh hạ một người con thì chẳng có gì khác lạ, đó là qui luật từ khởi thủy mà Thiên Chúa đã ban cho người nữ; để nhờ đó mà người nữ được thăng tiến lên thiên chức làm mẹ. Nhưng điều khác biệt nằm ở đoạn cuối của câu nói này: “và đặt tên là Emmanuel”.
Người Á Đông chúng ta có quan niệm đặt tên cho một đứa trẻ sẽ mong muốn những điều tốt đẹp đến với nó. Hy vọng mai này lớn lên sẽ có ích cho xã hội. Con Thiên Chúa đến thế gian cũng trải qua điều này. Thế nhưng khi mang thai người ta mới chuẩn bị tên để đặt; đối với Con Thiên Chúa, tên của Ngài đã được “đặt” từ trước đó. Và tên của Ngài là Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta). Có cái tên nào sang trọng và quí phái như tên Emmanuel (Giêsu). Vì tên này sẽ là sự bảo trợ cho những ai kêu danh này.
Chúng ta trở lại với gốc tích của Đức Giêsu. Thánh Mátthêu ghi lại gốc tích của Đức Giêsu khá ngắn ngủi. Vào đoạn Tin Mừng, ngài giới thiệu ngay về gốc tích của Ngài: “sau đây là gốc tích của Đức Giêsu Kitô”. Thế nhưng gốc tích này đã làm cho nhiều người khó hiểu, nói đúng hơn “khác với bình thường”. Bà Maria tuy đã trở nên vợ của ông Giuse cách hợp pháp, nhưng bà lại mang thai trước khi về chung sống. Nếu cái thai này của Giuse thì chẳng có gì bàn cãi. Nhưng tác giả cho biết đó là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và tất nhiên Giuse biết kết quả đó không phải của mình nên ông rất bối rối không biết xử lý sao: tố cáo thì tội cho người mình yêu; chấp nhận thì không đủ cao thượng.
Trong biến cố truyền tin, sứ thần đã nói với Maria: “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).Và đây chính là việc Thiên Chúa làm. Tưởng chừng như không thể chấp nhận được thì Thiên Chúa đã có cách của Ngài, đó là báo mộng cho Giuse, và ông đã chấp nhận thuận theo ý Chúa.
Thiên Chúa của vũ trụ đến thế gian để cứu độ con người cũng gặp muôn phần khó khăn. Điều này tiên báo về một cuộc đời đầy gian khổ của Ngài. Không chỉ gặp khó trong việc được đón nhận mà Ngài còn bị con người loại bỏ: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Có nỗi đau nào cho bằng nỗi đau bị người nhà khước từ? Vậy chúng ta có chấp nhận những nghịch cảnh trong đời mình không? Như Con Thiên Chấp nhận sự khước từ của con người?
II. CHÚNG TA ĐƯỢC MỜI GỌI LÀM RẠNG NGỜI TIN MỪNG
Chúng ta sinh ra là cất tiếng khóc chào đời, đó là hệ quả của tội nguyên tổ truyền lại, và cũng là tiên báo về cuộc sống đầy gian khó phía trước. Thế nhưng thánh Phaolô đã xác tín là chúng ta có khả năng làm cho Tin Mừng của Đức Giêsu được rạng ngời. Đức Giêsu đã để lại cho mỗi người mẫu gương đó. Suốt cuộc đời, Ngài gặp rất nhiều thử thách: từ lúc sinh ra, bắt đầu hành trình rao giảng, cho tới lúc chết trên Thập giá. Thế mà Ngài, trong thân phận của một con người, Ngài đã vượt thắng tất cả, nhờ vào việc hiệp thông liên lỉ với Chúa Cha.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm tình yêu của Đức Giêsu nên ngài hăng say rao giảng Tin Mừng bất chấp cái chết; ngài coi cái chết vì Đức Giêsu luôn là sự hãnh diện, không có mối lợi nào sánh bằng mối lợi được chết vì Đức Kitô. Thánh nhân quả quyết rằng nhờ Ngài mà chúng ta được lãnh nhận hồng ân (x. Rm 1,5). Và đặc ân đó vẫn còn tiếp diễn ngày hôm nay. Vì thế, Đức Kitô luôn mời gọi hãy sống theo chân lý, đó là cách thức hiệu quả của việc làm rạng ngời Tin Mừng. Sống đúng theo bổn phận của mình là minh chứng chúng ta luôn lắng nghe Lời Chúa soi dẫn.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy chuẩn bị hang đá cuộc đời để Con Thiên Chúa ngự vào, sưởi ấm tâm hồn để trở nên nhân chứng cho Đức Kitô. Và luôn hãnh diện vì được biết Ngài, trở nên khí cụ của Ngài.
Jb Nguyễn Cường
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com