1.
Mùa Vọng, tôi có hai hy vọng.
Hy vọng thứ nhất là hy vọng tôi biết đón nhận Chúa.
Hy vọng thứ hai là hy vọng tôi được Chúa đón nhận tôi.
Hy vọng vẫn là hy vọng, nghĩa là chỉ trong ước mong. Còn điều tôi ước mong có được thực hiện hay không lại là chuyện khác.
Tôi rất lo cho sự thực hiện hai hy vọng trên đây của tôi. Nỗi lo của tôi có cơ sở Phúc Âm và thực tế lịch sử.
2.
Trước hết, xin nói về hy vọng biết đón nhận Chúa.
Phúc Âm cho thấy nhiều người theo đạo Chúa thời Đức Giêsu Kitô xuất hiện, đã không biết đón nhận Người.
Thánh Gioan Tông đồ đã viết ngay trong “lời tựa” Phúc Âm của Ngài những câu đau đớn: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có. Nhưng thế gian lại không nhận biết Người.
Người đã đến nhà mình, nhưng những người nhà lại chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,9-11).
Thực là phũ phàng.
Sự thực phũ phàng đó lại xảy ra ngay tại Nadarét, là quê hương của Chúa Giêsu.
3.
Thánh sử Luca viết: “Rồi Đức Giêsu Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc sách thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi
để tôi loan báo Tin Mừng
cho người nghèo khó
…
Người bắt đầu nói với họ: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Họ bảo nhau: Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? Người nói với họ: Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình. Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaun, ông cũng hãy làm tại đây, là quê hương của ông xem nào. Người trả lời: Tôi bảo thật các ông: Không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương.
…
Mọi người trong hội đường đều phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,16-20).
Đồng hương của Chúa Giêsu không những không đón nhận Người, mà còn định tiêu diệt Người. Thực là một sự thực phũ phàng đầy đau đớn.
4.
Sự thực phũ phàng đau đớn như thế lại đã xảy ra một cách độc ác ngay chính những người đứng đầu đạo Chúa thời Chúa Giêsu.
Thánh sử Marcô ghi lại một cách rõ ràng: “Hai ngày trước lễ Vượt qua và lễ không men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu để bắt Đức Giêsu mà giết đi.
…
Họ điệu Đức Giêsu đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư đều tựu lại… Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng hội đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để làm án tử hình, nhưng họ không tìm ra..
… Họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho quan Philatô.
Các thượng tế sách động đám đông đòi ông Philatô lên án giết Đức Giêsu” (Mc 14,1-11).
5.
Những chuyện phũ phàng đau đớn và ác độc trên đây không phải là không tái diễn trong lịch sử Hội Thánh dưới nhiều hình thức khác nhau, rải rác đó đây, nơi này nơi nọ.
6.
Chuyện xua đuổi Chúa một cách quy mô có thể là không nhiều. Nhưng chuyện dửng dưng không đón nhận Chúa là chuyện phải nói là thông thường. Chúa phán: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa ra, thì Ta sẽ vào nhà người ấy” (Kh 3,20). Biết bao nhiêu lần, tôi đã không tỉnh thức nghe tiếng Chúa gõ cửa lòng tôi. Biết bao lần, tôi nghe tiếng Chúa gọi, nhưng tôi đã không mở cửa lòng tôi ra, để đón Chúa.
Không đón Chúa đến với mình, đó là một thực tế đau lòng, mà tôi thấy đang xảy ra nơi nhiều người đạo Chúa.
Thực tế đau lòng đó cũng rất có thể đang xảy ra nơi tôi. Lạy Chúa, xin Chúa xót thương con.
7.
Bây giờ, tôi nhìn sang hy vọng thứ hai của tôi, đó là hy vọng tôi được Chúa đón nhận.
Phúc Âm cho thấy điều này: Những điều Chúa Giêsu giảng dạy dưới mọi hình thức đều quy về mục đích đưa con người vào chính lộ dẫn về Nước Trời, nơi được hạnh phúc trường sinh bên Chúa.
Những ai đi vào chính lộ, phấn đấu làm điều phúc đức, tránh điều tội lỗi, bước theo Chúa đến cùng, sẽ được Chúa đón nhận vào thiên đường. Còn những ai làm theo ý riêng mình, không từ bỏ tội lỗi, không sám hối, trở về với Chúa, sẽ không được Chúa đón nhận. Những ai được Chúa đón nhận và những ai không được Chúa đón nhận đều đã được Chúa nói rõ trong Phúc Âm, nhất là trong nhiều dụ ngôn, đặc biệt là trong bài nói về ngày phán xét.
8.
Phán đoán của Chúa rất công minh và rất nhiệm mầu. Nhưng chắc chắn điều này là: Chúa ưa thích những ai khiêm nhường, chân thành, tin cậy vào Chúa và biết xót thương người khác, luôn tìm thực thi ý Chúa và biết sám hối. Tôi nhớ tới người phụ nữ tội lỗi (x.Lc 7,38-50) và người trộm cướp bị đóng đinh bên hữu Chúa (x.Lc 23,40-43).
Có thể nói tinh thần hưởng thụ, nếp sống thực dụng và thói quen đưa mình lên luôn là những cản trở khiến con người mọi nơi mọi thời không được Chúa đón nhận.
Lời Chúa phán sau đây làm tôi lo sợ: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm nhiều phép lạ đó sao? Nhưng, bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi là ai. Hãy xéo đi cho khuất mặt Ta, hỡi những kẻ làm điều gian ác” (Mt 7,22-23). Như vậy, tôi đừng có chủ quan tự mãn với những việc tôi làm, mà tôi tưởng là lành thánh. Bởi vì rất có thể khi tôi làm những việc đó, đã có pha mục đích khoe khoang, và trái ý Chúa.
9.
Với vài suy nghĩ trên đây, tôi thấy Mùa Vọng của tôi sẽ là thời gian quý giá để rà soát lại hai hy vọng của tôi.
Tôi rà soát lại bên Đức Mẹ Maria và bà thánh Isave, là hai phụ nữ quan trọng trong Mùa Vọng.
Đức Mẹ Maria đã đón nhận Chúa một cách rất khiêm nhường, phó thác. Còn Chúa, Chúa đã đón nhận Mẹ một cách bất ngờ với tình yêu thương xót, và đã làm nơi Mẹ những sự lạ lùng, vì danh Người là Thánh.
Bà thánh Isave đã đón nhận Chúa với lòng tin mãnh liệt và tâm tình cảm tạ khiêm cung. Còn Chúa, Chúa đã đón nhận Bà một cách tế nhị kín đáo với một chương trình cứu độ hết sức lớn lao.
Đức Mẹ Maria cưu mang Chúa Giêsu, bà Isave cưu mang thánh Gioan Baotixita. Cả hai phụ nữ cưu mang ấy đã rất âm thầm, nhưng đã cộng tác rất đắc lực với chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Ở bên Đức Mẹ Maria và bà thánh Isave, tôi trở thành bé nhỏ. Và tự nhiên, tôi hiểu bé nhỏ, khiêm nhường, nghèo khó, tin tưởng ở Chúa chính là những điều kiện cần, để sống Mùa Vọng với hai hy vọng của tôi.
Nghèo khó, khiêm nhường, bé nhỏ, tin cậy ở Chúa là mấy nét căn bản của đời sống nội tâm Kitô giáo. Nếu thiếu đời sống nội tâm với những nét căn bản đó, tôi có thể sẽ chỉ còn là người của một cơ chế tôn giáo, chứ không là chứng nhân đích thực của đức tin.
Lạy Chúa, xin thương xót con.
§GM Gioan Baotixita Bùi Tuần