Suy tư - Chia sẻ

Sống đức tin trong thời đại hôm nay

Cập nhật lúc 06:20 14/09/2021
Sống trong một xã hội, chỉ có khoảng 7% là người Công giáo, đức tin của người Kitô hữu hôm nay phải đối diện với nhiều khó khăn và thách đố. Làm thế nào để sống và làm chứng về đức tin giữa một xã hội mà người ta thường nói là: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt - Lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”? Làm thế nào để vượt qua những ghen tuông, thù hận, thậm chí là bách hại xảy đến cho mình? Dựa vào đâu để người công chính có thể vượt qua những thử thách gian nan đó? Các bài đọc hôm nay cho thấy những thách đố mà người tín hữu phải đối diện khi dám sống đúng và sống thật với đức tin mà mình lãnh nhận. Noi gương Đức Kitô, chính Người đã là nạn nhân của những ghen ghét và bất công, Đấng công chính của Thiên Chúa mà cũng phải chịu đau khổ và phải chết, người tín hữu cũng phải làm chứng cho niềm tin của mình bằng một sự kiên quyết không thỏa hiệp với những gì dễ dãi, lọc lừa của thế gian.  

Bài đọc trích sách Khôn Ngoan cho chúng ta thấy những bất công và khó khăn mà đời sống đức tin của các Kitô hữu Dothái Hải Ngoại phải đối diện, cụ thể là tại Alêxanria. Vẻ hào nhoáng và nếp sống văn minh tại Alêxanria, trung tâm rực rỡ nhất của văn hóa Hy Lạp đã khiến cho lòng trung thành với Thiên Chúa và Lề Luật của họ bị lung lay: những trường phái triết học nổi tiếng, các khoa học phát triển, các tôn giáo thần bí, khoa thiên văn, khoa học bí truyền mời mọc, và những việc thờ cúng dân gian cũng lôi cuốn họ hằng ngày. Cho dù các tín hữu Dothái ở đây vẫn cố gắng giữ nét đặc thù Kitô hữu của mình nhưng giữa môi trường ngoại giáo đầy cám dỗ đã khiến cho số người bội giáo càng lúc càng đông. Tác giả viết sách Khôn Ngoan cho anh em đồng đạo của ông để phòng ngừa cũng như cảnh giác với sự thù ghét mà những người chối đạo và những người ngoại giáo luôn tìm cách gây phiền hà, chế giễu và thậm chí là muốn bách hại họ.

Cuộc sống của người công chính khiến quân vô đạo chướng tai gai mắt không thể nào chịu nổi để rồi chúng tìm cách thủ tiêu những người công chính để khỏi phải nghe những lời quở trách. Chúng vây bắt người công chính vì những người này đã chẳng làm gì có ích cho họ lại còn chống đối việc họ làm, khiển trách họ lỗi luật và tố cáo họ vô kỷ luật. Chúng nhục mạ và làm khổ người công chính để đo sự hiền lành và tính nhẫn nại của họ. Thêm nữa, chúng còn kết án người công chính phải chết cách nhục nhã để xem Thiên Chúa có đến cứu họ không.

Những hành động của kẻ vô đạo đối lại với người công chính ở đây cũng có nét giống thái độ của kẻ thù đối xử với Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó và “cái chết nhục nhã” Người phải chịu vì đã xưng mình là “Con Thiên Chúa” (x. Mt 27,43). Điều này đã được Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ khi ba lần nói về cuộc Thương Khó mà Người sẽ phải chịu. Theo Tin Mừng thánh Máccô, cái chết của Đức Giêsu là do sự phản bội của Giuđa (Mc 14,10), âm mưu của các thượng tế (Mc 15,1) cùng sự nhu nhược và hám lợi của quan tổng trấn Philatô (Mc 15,15). Tuy nhiên, lời tiên báo của Đức Giêsu: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời…” với động từ “bị nộp” ở đây được dùng ở dạng “thụ động thần linh” để cho thấy cái chết của Đức Giêsu nằm trong ý định nhiệm mầu, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Giêsu sẽ thực hiện.

Đây là lần thứ hai Đức Giêsu tiên báo về cuộc Khổ Nạn và Người nói riêng với các môn đệ của mình. Thế nhưng, các ông vẫn còn chìm đắm trong ước mơ Đức Giêsu, Đấng Mesia, sẽ giải phóng dân tộc mình khỏi ngoại bang và các ông sẽ là công thần nắm giữ những chức vụ cao trọng. Đức Giêsu biết điều đó và Người nhân cơ hội này để dạy cho các môn đệ bài học về người lãnh đạo chân chính: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Người còn dùng hình ảnh em nhỏ để minh họa cho các môn đệ về tinh thần phục vụ khiêm hạ: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Trong tiếng Aram, từ talya có nghĩa là em bé và cũng có nghĩa là người tôi tớ. Đức Giêsu đòi hỏi một tinh thần phục vụ khiêm nhường và không vị lợi. 

Người Kitô hữu hôm nay khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, họ cũng cùng “chết với Ðức Kitô” cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Thực vậy, nhờ phép Thánh Tẩy chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: “Chúng ta đều đã chịu phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Để rồi như thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể thốt lên: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

Xã hội hôm nay không tránh khỏi những tương phản giữa lối sống của kẻ gian ác và người công chính. Thế nhưng, nếu người ta không còn sống công chính và thiếu vắng hòa bình thì như thánh Giacôbê cảnh báo, đó là sự hỗn độn với đủ thứ ganh ghét, gây chiến, xung đột và chiến tranh... Người Kitô hữu được mời gọi tham dự mầu nhiệm Thập giá của Đức Giêsu. Mầu nhiệm này xem ra nghịch lý theo quan niệm của người đời. Tuy nhiên, nếu chúng ta vững tin bằng một đời sống không thỏa hiệp với sự gian ác; tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Người và rèn luyện các nhân đức thì như Đức Kitô, chúng ta tin rằng sau cuộc khổ nạn chính là niềm vui Phục sinh.
Tu sĩ JB Nguyễn Duy Thái
Thông tin khác:
Những người là điểm tựa cho tôi (13/09/2021)
Sống đức tin giữa mùa dịch (09/09/2021)
Từ bỏ chính mình (08/09/2021)
Những tiếng chuông kêu gọi yêu thương (07/09/2021)
"Épphatha" hãy mở ra (02/09/2021)
Hiền lành và khiêm nhường (01/09/2021)
Tâm trong sạch để thực thi bác ái (24/08/2021)
Chia sẻ cảm nhận (23/08/2021)
Sự chọn lựa trong thần khí và sự thật (18/08/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log