Suy tư - Chia sẻ

Tâm trong sạch để thực thi bác ái

Cập nhật lúc 15:03 24/08/2021
Khi nói đến đời sống tôn giáo, thông thường người ta nghĩ ngay đến các nghi thức, luật lệ và phong tục tập quán. Và chúng ta cũng thường đánh giá mức độ đạo đức của một người qua các lễ nghi, và các luật lệ. Chính vì thế mỗi khi thấy có người nào không giữ luật, thì chúng ta liền phê bình họ, xét đoán họ. Đó cũng chính là quan niệm của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Chẳng hạn trước khi ngồi vào bàn tiệc, người ta phải rửa tay, bất kể ngay trước đó đã rửa sạch rồi. Ngay khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà không rửa tay theo luật, lập tức những người Biệt phái thắc mắc: “Tại sao môn đệ Chúa không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Như vậy, thắc mắc của những người Biệt phái là vấn đề gì? Phải chăng đó là vấn đề vệ sinh hay vấn đề về đạo đức của người môn đệ Chúa? Là người Kitô hữu chúng ta phải sống như thế nào để xứng với người môn đệ Chúa.

Theo Chúa Giêsu, sự thanh sạch có hai loại: thứ nhất là thể lý và loại thứ hai là tâm hồn. Sự thanh sạch về tâm hồn là cần thiết và quan trọng hơn vì đó là cái bên trong của con người luôn luôn thiện hảo và tốt đẹp. Tin Mừng theo thánh Maccô (Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23) tường thuật lại: khi thấy những người Biệt phái thắc mắc. Chúa Giêsu lợi dụng cơ hội này, Ngài đã chỉ cho họ thấy sự thanh sạch hệ tại ở chỗ nào. Đức Giêsu nói thanh sạch bề ngoài không quan trọng bằng sự thanh sạch trong tâm hồn. Bởi vì, chỉ có những gì từ bên trong ra mới làm cho con người ta ra ô uế, chứ không phải là những điều từ bên ngoài vào. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong con người mà ra. Nó làm cho con người ta ra ô uế, làm mất hết nhân cách và đạo đức và làm cho tâm hồn dơ bẩn.

Nhưng làm sao để tâm hồn được sạch? Làm sao để có được một cuộc sống hạnh phúc? Giáo lí nhà Phật coi “tham, sân, si” như tam độc, tức là ba yếu tố làm hoen ố tâm hồn. Thái độ ngược với “tham, sân, si” là bác ái và yêu thương. Như vậy, ai giữ đúng luật yêu thương của Chúa họ sẽ là người khôn ngoan. Như trong bài đọc một Ông Môsê đã nói với dân Ixraen rằng: “Hỡi Ixraen, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo anh em phải thực hành để được sống” (Đnl 4, 1). Ông nhắc cho dân biết rằng để mãi mãi được sống trong tình yêu hạnh phúc của Thiên Chúa và được Ngài giữ gìn, thì họ phải sống điều Thiên Chúa dạy, chứ không chỉ nghe suông, hay là chỉ giữ những gì cho chính mình, mà hãy biết đem những lời giáo huấn của Chúa, đem sự thiện hảo của Chúa đến với tha nhân đồng loại của mình.

Cũng vậy, trong Bài đọc thứ hai của thánh Giacôbê (Gc 1, 17-18. 21b-22.27) đã khẳng định: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã gieo trong lòng anh em … Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian”. Chính nếp sống bác ái chân chính này giữ gìn chúng ta khỏi vết nhơ của thế gian. Như thế, không những bản thân chúng ta sống Lời Chúa, nhưng mỗi người còn có bổn phận thông truyền và giúp đỡ cho người khác cùng sống Lời Chúa, thăm hỏi nhau trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người thân của chúng ta. Nếu chỉ lo giữ những nghi thức bên ngoài, mà không có một tấm lòng chân thật bên trong, những nghi thức này sẽ không bền vững, thậm chí, chúng còn dẫn chúng ta đến một thói xấu khác là kiêu căng, tự phụ và dễ kết án người khác. Chính vì thế, chúng ta cần có tấm lòng bác ái yêu thương và quan tâm với nhau trong đời sống, hầu để có một tấm lòng trong sạch, để có một cuộc sống trở nên đạo đức, trong lành và hạnh phúc viên mãn.

Tóm lại, ba bài Kinh Thánh Chúa nhật hôm nay cho chúng ta phương hướng để sống đạo đức. Bởi vì, nền tu đức của con người chúng ta trước đây đưa ra quá nhiều thứ cấm kỵ liên quan đến sự trong sạch (đức sạch sẽ) người ta luôn bị ám ảnh đến hình thức bên ngoài. Đã đến lúc chúng ta cần vượt lên những cấm kỵ lỗi thời trong xã hội và Giáo hội. Như lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI: “chúng ta đừng phân biệt việc sang việc hèn, thuộc thể xác hay linh hồn, vì nếu biểu hiện lòng yêu mến chân chính, vì điều cao cả và thánh thiện”. Vì thế mọi người hãy có một đời sống đạo đức và thánh thiện, một tâm hồn trong sạch và thánh thiện như Thiên Chúa. Bởi lẽ “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Sống và giữ luật Chúa chính là sự bảo đảm cho chúng ta có được một tâm hồn bình an và nhất là giúp chúng ta ngày càng đến gần với Chúa hơn. Như lời thánh Giacôbê: “Anh em hãy thực thi Lời đã nghe, chớ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” 
Tu sĩ GB Nguyễn Văn Quang
Thông tin khác:
Chia sẻ cảm nhận (23/08/2021)
Sự chọn lựa trong thần khí và sự thật (18/08/2021)
Yêu thương là Tin mừng cứu độ lúc này (17/08/2021)
Tưởng nhớ 30 năm ngày qua đời của linh mục Phêrô Võ Thành Trinh (12/08/2021)
Hồng ân hồn xác lên trời (12/08/2021)
Đừng nhiều lời (11/08/2021)
Bánh Hằng Sống (05/08/2021)
Xin thương nâng đỡ con (04/08/2021)
Nguồn hạnh phúc đích thực (28/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log