Suy tư - Chia sẻ

Sử dụng tiền của khôn ngoan

Cập nhật lúc 17:14 14/09/2022
Chúa nhật XXV Thường niên, năm C; Bài đọc 1: Am 8, 4-7; Bài đọc 2: Tm 2, 1-8; Tin Mừng: Lc 16, 1-13



“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.
“Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.
Bài đọc thứ nhất, tiên tri Amos tố cáo hai tội chính con cái Ixraen đã xúc phạm đến Đức Chúa.
Bất kính trong khi thờ phượng: Họ tham dự phụng vụ cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước tôn nhan Thiên Chúa; nhưng tâm hồn của họ chu du mọi nơi. Họ nghĩ đến những việc sắp làm để kiếm tiền, và mong ngày Sabbath chóng qua để họ làm chuyện đó. Họ tin Thiên Chúa bằng môi miệng, và họ nghĩ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên ngoài là đủ đẹp lòng Ngài; chứ họ không bao giờ nghĩ đến họ phải hoán cải và thay đổi lối sống bất công với tha nhân. Điều này chứng minh họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài, còn tâm hồn họ xa Ngài vạn dặm.
Lỗi đức công bằng: Họ sáng chế ra những cách để làm giàu và đối xử bất công với những người nghèo hèn khốn khổ, họ đã coi trọng tiền của hơn con người: Nếu họ không biết hối cải, Thiên Chúa sẽ luận phạt mọi tội lỗi của họ. Ngài sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của họ.
Với bài Tin Mừng, ngưởi quản lý biết lo xa trước khi bị đuổi việc để dạy ta biết lo xa cho đời sống của mình. Qua đó, Giáo hội dạy ta biết lo xa cho tương lai phần rỗi của mình bằng cách sử những của cải mình đang có, để lập công phúc cho đời sau. Ông chủ gặp tên quản lý bất lương, người ngoài biết và vu cáo anh ta. Cuối cùng, Ông chủ cho gọi anh ta lại tính toán sổ sách, sau đó bắt phải nghỉ việc: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa” (Lc 16,2). Ông là người quản gia khôn lanh, ông biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để thu phục nhân tâm. Người quản lý đối phó với tình thế, anh đã lợi dụng những ngày còn lại sửa đổi văn tự cho các con nợ. Số nợ này tính ra không phải nhỏ, ví dụ một trăm thùng dầu, khoảng 4.500 lít, tiếp theo 1000 giạ lúa nữa (x.Lc 16, 5-7).
Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra ở đây tại sao Chúa khen tên quản gia bất lương này? Ông chủ khen cách cư xử của người quản lý bất lương, chứ không khen tư cách của người quản lý, ông gọi hắn là bất lương từ đầu. Chúa muốn ta có thái độ tỉnh táo, khôn ngoan và nhanh nhẹn, nhạy bén trước mọi vấn đề, nhận ra tính cấp bách của thời đại, để rồi có được những hành động thích hợp. 
Câu chuyện hôm nay, khai sáng cho chúng ta rằng, dưới cái nhìn của Chúa, tiền có sức làm cho con người trở thành nô lệ, nó giống như một thần tượng làm ta mê mệt, nó bóp nghẹt những tình cảm tốt đẹp của chúng ta đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân. Bao lâu tiền của chỉ là phương tiện thì nó còn đem lại lợi ích cho chúng ta. Thế nhưng, một khi nó trở thành mục đích chính cho cuộc sống, nó khiến ta lãng quên Thiên Chúa, sẵn sàng bóc lột và làm người khác đau khổ.
Cho nên, nếu “con cái đời này” biết phải làm gì, làm cách nào đối với tiền để lo cho ngày mai, thì tại sao con cái sự sáng không biết dùng ơn Chúa ban trong hiện tại để lo phần rỗi của mình trong tương lai. Nếu người quản gia bất lương biết dùng tiền của bất chính để mua lấy bạn hữu, sao người tín hữu không biết chia sẻ cho người nghèo để mua lấy Nước Trời. Nếu căn cứ vào cách dùng tiền để biết lòng người có trung tín hay không, thì tại sao chúng ta không trung tín trong việc nhỏ là sử dụng tiền của để đảm bảo cho ta của cải đời sau.
Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta rằng, của cải đời này không thuộc về chúng ta, vì Chúa là chủ đích thực, ta chỉ là quản lý của Ngài. Của cải có ngày Chúa cũng sẽ lấy và ta sẽ trở về với hai bàn tay không, khi ta nhắm mắt lìa đời. Phải biết dùng của cải đời này, lập công đức cho đời sau đừng để lợi cả thế gian mà mất linh hồn chẳng được ích gì. Nếu cuộc sống ta coi đồng tiền to hơn mạng sống rốt cuộc chẳng được gì.
Thấu hiểu lòng ham mê tiền bạc của con người, Chúa muốn dùng hình ảnh người quan gia để nhắc nhở ta biết lo xa cho tương lai mình, biết khôn khéo trước mọi vấn đề của cuộc sống. Thật vậy, chúng ta không trở nên giàu có với những gì mình đã nhận lãnh, mà là với những gì mình trao ban, chỉ khi nào biết quảng đại trao ban cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực sự là người quản gia làm theo ý Chúa.
Tiền của chỉ là phương tiện sinh sống trong trần gian. Chúng ta đừng bao giờ để tiền của làm chủ cuộc đời mình, và nhất là để nó thay thế Thiên Chúa.
- Lòng ham muốn tiền của dễ đưa tới những đối xử bất công với người nghèo. Chúng ta phải cẩn thận vì Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta về tất cả những bất công này. Hiểu biết giá trị tạm thời của tiền của, hình phạt phải chịu cho những người đối xử bất công với tha nhân, và cách quản lý tiền của cách đúng đắn, sẽ giúp mọi người dùng tiền của theo sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. 
Tu sĩ Antôn Maria Nguyễn Văn Ngọc
Thông tin khác:
Tha thiết với ơn trở về với Chúa (14/09/2022)
Đức Mẹ muốn chúng ta an ủi Đức Mẹ (09/09/2022)
Tình yêu và sự tha thứ (09/09/2022)
Thách đố để làm môn đệ Chúa Giêsu (25/08/2022)
Đức Mẹ băng bó những vết thương trong lòng tôi (21/08/2022)
Tập sống kiêm nhường (20/08/2022)
Cùng nhau thi hành sứ vụ (15/08/2022)
"Chiến đấu vì Nước Trời" (15/08/2022)
Đức Mẹ an ủi tôi (15/08/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log