Suy tư - Chia sẻ

Thách đố để làm môn đệ Chúa Giêsu

Cập nhật lúc 13:59 25/08/2022
Chúa nhật XXIII thường niên, năm C; Bài đọc 1: Kn 9, 13-18; Bài đọc 2: Plm 9b-10. 12-17; Tin Mừng: Lc 14, 25-33





 
 “Ai không vác Thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27). Ảnh: CTV
“Ai không vác Thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27). Ảnh: CTV

Lời Chúa trong Chúa nhật XXIII Thường niên này muốn nhắn nhủ ta điều gì? Phải chăng đó là một điều kiện đặt ra cho đám đông theo Người khi muốn đến cùng Người “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con,…”? Hay đó là thách đố được đặt ra cho những ai muốn làm môn đệ người “Còn ai không vác Thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.”? Lời Chúa không nêu đích danh một người nào rõ ràng, do đó, Lời Chúa cũng có thể là điều kiện, là thách đố cho mỗi người chúng ta. 

Bài đọc 1, được trích từ sách Khôn Ngoan dường như nói rõ cho chúng ta về thân phận thụ tạo. Do đó, chúng ta phải biết sống kiên nhẫn và đừng quá tự kiêu khi nghĩ rằng chúng ta hiểu được đường lối của Chúa. Phải chăng lời khuyên tốt này giúp cảnh tỉnh chúng ta trong những công việc ta làm. Có nhiều lý do cho sự không hiểu biết của con người: Thứ nhất, trí khôn con người có giới hạn, vì con người “là loài phải chết, tư tưởng không sâu, lý luận không vững.” Linh hồn con người bị chi phối bởi thân xác, mà thân xác bị chi phối bởi khí hậu, ăn uống, hoàn cảnh, và nhất là những đòi hỏi về các ham muốn, lo âu và dục vọng. Thứ hai, con người chỉ có thể hiểu biết những gì thuộc thế giới hữu hình, chứ không hiểu biết được thế giới vô hình. Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Chúng ta được mời sống trong sự khôn ngoan và nhận ra bàn tay của Đức Chúa Trời trong tất cả những gì xảy ra với chúng ta, để có được nền tảng vững chắc cho đức tin của mình, Những gì thuộc hạ giới, chúng con đã khó mà hình dung nổi, những điều vừa tầm tay, đã phải nhọc công mới khám phá được, thì những gì thuộc thượng giới, có ai dò thấu nổi hay chăng? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.”

Chính Đức Kitô đã nêu lên sự kiện này khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:25; Lc 10:21). Thực ra, Thiên Chúa ban tặng Đức Khôn Ngoan cho mọi người, sở dĩ có những người không có là vì họ quá kiêu ngạo, họ không nghĩ họ cần Đức Khôn Ngoan là những mặc khải và giáo huấn của Thiên Chúa.

Đó là lời khuyên từ sách Khôn Ngoan. Tiếp đến, thánh Phaolô muốn gửi gắm ta điều gì từ lá thư gửi Philêmôn. Thánh Phaolô muốn cho Philemon nhận ra sự khác biệt to lớn khi một người biết sống theo sự dạy dỗ khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ có thể biến một người vô tích sự thành một người hữu ích cho tha nhân.

“Anh hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến”. Bài đọc thứ hai, từ bức thư gửi Philêmôn, cho thấy rằng ngay cả những hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như nô lệ, cũng có thể được sống trong Chúa. Đó là một sự chấp nhận đơn giản rằng dù điều gì xảy ra, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dù sống trong bậc sống nào, nếu biết đặt niềm tin và sự khôn ngoan của mình nơi Chúa thì ta sẻ cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. 

Trong bài Tin Mừng, thánh Luca nói về sự cam kết khi làm môn đệ của Chúa. Chúa Giêsu hoàn toàn rõ ràng đặt ra cái giá cho những ai muốn theo người: theo Ngài sẽ khiến chúng ta phải trả giá bằng mọi thứ và ngược lại cũng có được mọi thứ. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác Thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. 

Bỏ cha mẹ và những người thân thuộc: Làm môn đệ của Đức Kitô là lãnh sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nếu người môn đệ nào quá lo lắng cho cha mẹ và gia đình, ông sẽ không còn thời gian để chu toàn sứ vụ được trao; vì thế, đòi hỏi của Chúa Giêsu là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ đây không có nghĩa phải chấm dứt các mối liên hệ gia đình, nhưng phải dám hy sinh cho một sứ vụ, nhất là khi có xung đột.

Bỏ chính mình: có lẽ đây là điều khó khăn hơn cả, vì người môn đệ bị đòi phải bỏ ý riêng và như thế toàn thể con người mình, để sống hoàn toàn theo ý Thiên Chúa. Nếu người môn đệ hiểu Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa sẽ mang lại những lợi ích và nhất là ơn cứu độ, việc bỏ ý riêng mình là điều cần thiết và nên làm.

Như vậy, tôi tự hỏi, tôi có khôn ngoan để nhận ra những gì Chúa đang yêu cầu tôi ở đây và bây giờ không? Tôi có đủ can đảm để theo Chúa, bất kể Ngài yêu cầu tôi điều gì không? Tôi có sẵn sàng nhìn mọi khía cạnh của cuộc sống của mình, ở đây và bây giờ, dưới ánh sáng của tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho tôi không? Ước mong cho mỗi người chúng ta nhận ra tình yêu thương của Ngài để khơi lên tình yêu của ta với Chúa. Xin cho chúng ta vui mừng bước theo Ngài, dâng trọn cuộc đời mình cho Ngài để sống hạnh phúc và niềm vui của người môn đệ Chúa Kitô.
Tu sĩ Phêrô Ngô Văn Lượng
Thông tin khác:
Đức Mẹ băng bó những vết thương trong lòng tôi (21/08/2022)
Tập sống kiêm nhường (20/08/2022)
Cùng nhau thi hành sứ vụ (15/08/2022)
"Chiến đấu vì Nước Trời" (15/08/2022)
Đức Mẹ an ủi tôi (15/08/2022)
Bình an trong Thiên Chúa (08/08/2022)
Thời điểm khao khát ủi an (08/08/2022)
Đức tin mang lại niềm hi vọng (28/07/2022)
Hạnh phúc của tôi (28/07/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log