Cuộc quang lâm của các thánh Tử đạo chỉ có thể hiểu trong ánh sáng mầu nhiệm về ngày quang lâm của Chúa Giêsu. Chính Người đã hiến dâng bản thân và sự sống cho Thiên Chúa trên thập giá. Sự Phục sinh là tột đỉnh của cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Ngài được suy tôn làm Chúa của các thánh Tử đạo và của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, đường dẫn đến vinh quang không phải là con đường bằng phẳng, dễ đi. Nhưng là con đường mà Đức Giêsu đã đi, đó chính là Thập giá. Ngài đã tiến tới vinh quang bằng con đường tự hiến, quên mình, phục sinh là cùng đích, còn Thập giá là đường dẫn tới cùng đích ấy. Các thánh Tử đạo đã hy sinh, quên mình và tin tưởng vào cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô.Chúng ta cũng được mời gọi sống theo tinh thần của các thánh Tử đạo Việt Nam mà vững bước trên con đường của Đức Kitô.
Hình ảnh Con Người, với các hình ảnh đi theo trong sách Đanien và nhiều đoạn khác của Cựu ước, xem ra gói ghém hai dữ kiện nền tảng đối với Kitô học. Trước tiên, khi những đường nét của các trình thuật trước về Ngày Giavê được áp dụng để mô tả việc Con Người đến, thì điều đó muốn nói rằng Thiên Chúa chẳng còn hiện diện trong bức tranh về cùng tận, nhưng đúng hơn có nghĩa là việc Chúa Kitô đến nói lên chính sự can thiệp của Thiên Chúa trong Ngày Chung Thẩm. Chính Vương quốc Thiên Chúa xuất hiện, quyền lực Thiên Chúa tỏ ra và công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện bởi Con Người. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật.
Qua bài Tin Mừng, Chúa Kitô đã không bóp méo những vấn đề đích thực. Người biết rằng các nỗi bận tâm nhân loại về định mệnh riêng của chúng ta cũng như định mệnh của thế giới, trước hết và trên hết nhắm vào chuyện “khi nào?” và “ra sao?”. Người không coi thường các câu hỏi này, nhưng kêu mời chúng ta hãy chú tâm vào điểu cốt yếu đó là sự chết. Đứng trước sự chết, là con người thì ai cũng phải sợ. Các thánh Tử đạo cũng thế, nhưng khi đề cập đến cái chết cá nhân, “đối với những kẻ sẵn sàng, thì đó luôn luôn là giây phút thuận tiện” để làm vinh danh Chúa. Cái chết, xét như là một biến cố. Được kẻ này người nọ sống cách khác nhau, những “người tôi tớ tốt lành, trung thực và khôn ngoan không sợ sự trở về của Chủ…”
Khi nói về tận cùng của thế giới vũ trụ, Chúa Kitô đề cập đến vấn đề trong tất cả chiều sâu của nó? Đâu là ý nghĩa của tất cả những gì chúng ta đã làm? Những cái này dẫn chúng ta tới đâu ? Đâu là mục đích, cứu cánh của thế giới. Cùng đích của thế giới là việc quy tụ tất cả nhân loại làm một. Trong mức độ của tình yêu giữa con người với con người, thì nỗi sợ hãi bị xua đuổi, và đó luôn luôn là giây phút tận thế!
Chúng ta được Chúa Kitô đã đến quy tụ trong Hội Thánh, mà Hội Thánh là dấu chỉ của sự tập hợp đó vương quốc đang xây dựng. Người sẽ trở lại để đưa công cuộc đã khởi sự đến chỗ hoàn tất. Người đã ban cho chúng ta sự sống và, như sự sống lại của Người, ban cho chúng ta, trong hy vọng, một sự sống triển nở hoàn toàn mà trong đó mọi giới hạn sau cùng sẽ bị hủy bỏ.
Người đã quy tụ nhân loại. Người để cho chúng ta thoáng thấy cuộc tập họp vĩ đại mà trong đó sự duy nhất, rất khó xây dựng, sau cùng sẽ được thực hiện hoàn toàn. Khi chúng ta yêu trong sự thật, thì vương quốc đã thật sự có ở trong chúng ta. Đâu là ý nghĩa sau cùng của cuộc đời tôi, và ý nghĩa cuối cùng của vũ trụ? Đó chính là niềm tin vào Chúa Kitô. Chính Người đã khẳng định cho chúng ta:
“Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6,47). Ở đây người nhấn mạnh:
“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,31).
húng ta có chấp nhận tin tưởng vào Người không Chúng ta có chấp nhận theo Người cho đến cùng, nghĩa là đến chỗ tự hiến hoàn toàn và cách quảng đại như các thánh Tử đạo không? Đoạn Tin Mừng này, ngỏ cho các môn đồ, không xa đoạn nói về việc bắt giết Chúa Giêsu mấy. Nó có mục đích khơi lại đức tin các ông nhưng cũng là để chất vấn các ông.
Và nó cũng chất vấn chúng ta hôm nay nữa. Nhìn các dấu chỉ thời đại, không phải là nhận ra trong vũ trụ, trong lịch sử loài người các lời kêu gọi hướng về vĩnh cửu. Người ta có thể nhìn các tai họa và đọc chúng như là những lời tiên báo một thế giới có thể bị hủy diệt. Nhưng đó chẳng phải là một tôn giáo của sợ hãi ư? Tại sao không nhìn chúng như là cái chết cần thiết để đưa vào một sự sống viên mãn?
Trong thư Do thái, Đức Kitô đã hiến dâng là của lễ đền tội thay cho chúng ta. Những của lễ chúng ta dâng cho Chúa bằng mọi hình thức cũng không bao giờ có thể đủ để dâng lên cho Thiên Chúa. Nhưng chính Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng một lần duy nhất và vĩnh viễn cho chúng ta “Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo” (Dt 10,14). Trong Đức Kitô, chúng ta được mời gọi trở nên hoàn hảo qua đời sống chứng tá của mình như các thánh Tử đạo Việt Nam đã hiến dâng chính mạng sống của mình vì tình yêu Đức Kitô.
Vì thế, mỗi người chúng ta là những người Kitô hữu, được mang trên mình hình ảnh của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Chúng ta hãy biến đổi cuộc đời của mình bằng cuộc quang lâm mới đó là chết đi con người cũ của mình, là từ bỏ những con đường mà ma quỷ đã gieo vào lòng chúng ta để trở nên con người tử đạo của Chúa, bằng con đường Thập giá của Đức Kitô. Con đường đó sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời làm gia nghiệp. Giáo hội Việt Nam thời sơ khai, các thánh Tử đạo đã loan truyền mầu nhiệm Thập giá một cách kiên trì trên mảnh đất mẹ thân yêu của các ngài cũng như mọi đồng bào khác. Xin các ngài cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng ta hôm nay luôn sống trọn vẹn niềm tin, làm chứng cho sức sống và tình yêu thương của Đức Kitô Phục sinh trong sự hòa mình, liên đới và cảm thông với tất cả mọi người.