Tình yêu là một nhu cầu thiêng liêng và cao quý nơi mỗi người chúng ta. Và tình yêu cũng luôn là đề tài được bàn đến nhiều nhất trên đời này. “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (Ga 4,7). Đó chính là quy luật thiết yếu mà Thiên Chúa đã đặt để nơi cuộc sống con người. Thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai ở trong tình yêu thì người ấy ở trong Thiên Chúa.
Nhưng thật trớ trêu, người ta đã và đang lợi dụng cũng như bóp méo giá trị cao quí của Tình yêu. Có những tình yêu đáng lẽ rất trong sáng, lại bị đánh đổi bằng tiền bạc. Biết bao phũ phàng và xót xa vẫn đang xảy ra đặc biệt nơi các bạn trẻ, khi họ muốn vươn tới một tình yêu trong sáng nhưng không thể nào có được.
Giới răn quan trọng nhất Vào thời Chúa Giêsu, các Luật sĩ Do thái truyền dạy không phải chỉ giữ 10 giới răn mà là 613 khoản luật. Trong số này có 365 luật truyền, luật tích cực, tương ứng với số ngày trong năm, và 248 luật cấm, luật tiêu cực, tương ứng với con số bộ phận trong cơ thể theo suy luận của người Do thái. Vì thế trong đầu óc một tín đồ Do thái luôn thấp thoáng câu hỏi: Luật nào quan trọng nhất? Điều đó được các bài Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta biết đâu là giới răn quan trọng nhất. Trong bài đọc 1 ông Môsê nhấn mạnh cho dân Do thái thấy tầm quan trọng của điều răn kính mến Chúa bằng những chữ “hết” được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hếtsức anh em”. Trải qua bao thế hệ, người Do thái đã cố gắng tuân giữ điều răn ấy.
Còn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marcô thuật lại cho chúng ta xoay quanh chủ đề ‘Đâu là giới răn quan trọng nhất’. Đức Giêsu đến trần gian không phải để sáng lập một tôn giáo, nhưng để công bố cho nhân loại chúng ta một Tin Mừng, đó là Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Ngài chính là bí tích biểu thị tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta. Đức Giêsu cũng chính là nhịp cầu nối kết con người với Thiên Chúa, đồng thời cái chết của Ngài trên Thập giá chính là câu định nghĩa hoàn hảo nhất về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta.
Như vậy, tình yêu mà Chúa Giêsu khai mở và giải thích cho vị kinh sư khi ông ta đến hỏi Ngài gồm có hai chiều kích: đối thần và đối nhân, tức yêu mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại. Thực sự đây là hai cách diễn bày, nhưng tình yêu chỉ là một thực tại duy nhất. Như thánh Giacôbê đã viết: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà giận ghét anh em, đó là người nói dối”.
Tình yêu là sự hoàn thiện của con người Thánh Phanxicô Salê, tiến sĩ về đức ái, đã viết: “Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái là sự hoàn thiện của tình yêu”. Vì thế, càng sống sung mãn ơn gọi tình yêu, chúng ta càng vươn tới và đạt đến sự hoàn thiện theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành”. Chúa Giêsu đã đến trần gian để khải thị cho nhân loại chúng ta Tin Mừng về lòng yêu thương của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).: “Thầy để lại cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”; “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy yêu thương nhau”.
Yêu như Chúa yêu Chúa Giêsu đã sống tận căn mầu nhiệm tình yêu và Ngài mời gọi các học trò hãy sao chép lại tình yêu ấy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Cái chết trên Thập giá là câu định nghĩa tuyệt vời nhất về tình yêu mà Đức Giêsu diễn bày, đồng thời Ngài mời gọi chúng ta dần dần tiến sâu vào quỹ đạo yêu thương độc đáo này. “Hãy yêu như Thầy đã yêu”. Trong bài đọc thứ hai, tác giả thư Do thái cũng nhắc đến hiến tế Thập giá của Đức Giêsu, như là nguyên mẫu cho tình yêu mà chúng ta được mời gọi sao chép lại.
Chúa Giêsu đã đẩy tình yêu anh em lên một trình độ tuyệt đỉnh. Chúa bảo mến Chúa và yêu người phải đi đôi với nhau. Thiên Chúa đòi chúng ta yêu mến Thiên Chúa như một người cha, nhưng tình yêu đó phải biểu lộ trong tình yêu đối với anh em. Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Chúng ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc giới răn mến Chúa vào giới răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội.
Chúng ta cũng rất thán phục những mẫu gương xả thân vì những anh chị em mắc COVID-19, họ là những tình nguyện viên đã dấn thân vào trong các bệnh viện, khu cách ly để yêu thương chăm sóc các bệnh nhân, dù họ không phải là người thân quen, người có chung niềm tin tôn giáo... cũng luôn được yêu thương chăm sóc. Con người sống trong thế giới hưởng thụ chúng ta dễ dàng tách hai giới luật mến Chúa và yêu người, và hình như chúng ta thấy mến Chúa dễ hơn là yêu người. Mến Chúa chúng ta tìm được sự an toàn, chỗ dựa dẫm tinh thần trong lúc phong ba bão tố. Yêu người đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi mình sống vị tha, quên mình hy sinh vì anh em.
Lời Chúa hôm nay thực sự phải thức tỉnh mỗi người chúng ta: yêu Chúa và yêu tha nhân. Yêu là bản chất của con người nên khi yêu là chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Khi yêu, tình yêu của Chúa luân chuyển trong chúng ta đưa chúng ta vào Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Lúc đó chúng ta có thể thực hiện được điều Chúa đòi hỏi là yêu như Chúa yêu, yêu cả kẻ thù, trở thành anh em của mọi người không trừ ai. Tình yêu đó đòi hỏi chúng ta phải biết sẵn sàng cho đi và biết quảng đại tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy lặp lại tâm tình trong lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha...”. Và thánh Augustinô cũng đã mô tả: “Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy nỗi bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở và nỗi buồn phiền của tha nhân”.