Trong cuộc sống hằng ngày con người cần có lương thực để nuối sống thân xác mình, lương thực này giúp duy trì một thể trạng tốt cho phần xác của con người. Nhưng với người Kitô hữu chúng ta thì ngoài thân xác ra chúng ta còn có linh hồn và linh hồn cũng cần có “của ăn” để được sống muôn đời, đó chính là Mình Máu Chúa Kitô. Nguồn lương thực thần thiêng giúp nuôi sống linh hồn chúng ta. Nguồn lương thực ấy đến từ tình yêu tột cùng của Một Ngôi Vị Thiên Chúa yêu thương, sẵn sàng hiến thân mình làm giá chuộc đền chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cho chúng ta phục sinh cùng người.
Và khi thời gian ở trần thế của Người đã gần hết, Người đã muốn để lại cho chúng ta một điều cao cả, một tình yêu cao vời, tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Đó là thiết lập Bí tích Thánh Thể để lưu lại cho chúng ta tình yêu vĩ đại của người. Người đã để lại cho chúng ta chính mình Người, để Người ở gần với chúng ta và ở trong chúng ta khi chúng ta lên đón rước Mình Thánh Chúa.
Thật vậy, Chúa đã muốn ở lại với chúng ta nhưng thân xác vinh hiển của người phải trở về cùng Thiên Chúa Cha, nên Người đã thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức nhiệm mầu: Chúa lấy bánh và rượu để biến đổi thành Mình và Máu Chúa rồi phân phát cho các Tông đồ như của ăn, của uống thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn. Đây chính là đỉnh điểm của tình yêu vĩ đại mà Chúa muốn trối lại cho chúng ta để chúng ta có thể được ở trong Người. Đây là mầu nhiệm đức tin. Thật vậy, bánh và rượu giờ chỉ còn là hình dáng vẻ bề ngoài, nhưng bản chất bên trong đã trở nên Mình và Máu Chúa. Bởi trí khôn ta không hiểu được, giác quan chúng ta không cảm nhận được chỉ có đức tin mới dạy cho chúng ta biết. Vì là một mầu nhiệm nên rất dễ gây nghi ngờ cho chúng ta như người Dothái xưa kia đã không hiểu được ý nghĩ bên trong lời nói của Chúa Giêsu khiến họ trở nên nghi ngờ “làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được” (Ga 6, 52) và ngày nay nhiều người trong chúng ta vẫn còn hoài nghi về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm chúng ta không thể dùng con mắt xác thịt hay suy nghĩ của lí trí để tìm hiểu mầu nhiệm cao cả này; trái lại, chúng ta phải dùng con mắt của đức tin để nhận ra tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi bí tích nhiệm màu này.
Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Rồi ngài cầm lấy chén rượu và nói: “tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 27-28; Lc 22, 19). Và các Tông đồ đã thực hiện như Chúa đã làm. Thật vậy, Đức Giêsu hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể nơi hình bánh và rượu. Bởi Đức Giêsu đã không nói “đây là dấu chỉ của mình Thầy”, nhưng Người nói “Đây là mình Thầy” (Lc 22, 19). Trước đó Ngài đã nói: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 55-56). Đức Giêsu đã dâng chính mình làm của ăn cho các Tông đồ và trao cho họ sứ mạng tiếp tục cử hành Bí tích Thánh Thể. Trong mỗi thánh lễ, chúng ta kết nối một cách cụ thể với hiến tế đã đưa Đức Giêsu đến với Thập giá.
Bí tích Thánh Thể chính là tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta. Bí tích nói lên một tình yêu tột cùng, một tình yêu dâng hiến tất cả cho người mình yêu. Qua đó, Ngài mời gọi chúng ta đến hiệp thông với Ngài, bởi chỉ có nơi Ngài chúng ta mới có được sự sống đời đời như chính Chúa đã nói: “Ta là Bánh Hằng sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời. Vì Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6:51-52). Hơn nữa, sự sống đời đời mà chúng ta nhận lãnh nơi Mình Thánh Máu Thánh Chúa Giêsu, không chỉ là sự sống sau cái chết phần xác, nhưng còn là sự sống trong linh hồn ta ngay lúc này, khi còn sống trên dương thế. Đó còn là sự sống đầy tình bác ái huynh đệ của con cái Thiên Chúa mà thánh Phaolô giải thích rằng: cùng ăn một tấm bánh, cùng uống chung ly rượu, chúng ta cùng trong một thân thể của Chúa Giêsu Kitô. “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. (1Cr 10, 17)
Từ đây, khi chúng ta đón rước Mình Máu Chúa Kitô, chúng ta không chỉ được hiệp thông với Người, mà chúng ta còn được hiệp nhất với nhau vì cùng chia sẻ một tấm bánh ấy. Rước Mình Máu Thánh Chúa là chúng ta hiệp nhất với Chúa và hiệp nhất với nhau: chúng ta cùng tụ họp bên bàn thánh, uống cùng một chén và ăn cùng một bánh, nên chúng ta hiệp nhất với nhau và với Chúa hơn bất cứ một sự hiệp nhất nào khác. Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh là của ăn nuôi dưỡng chúng ta thì giờ đây chúng ta cũng hãy trở nên “của ăn” cho mọi người qua việc thực thi tình yêu thương, lòng bác ái cùng sự khiêm tốn phục vụ anh em; chúng ta cho đi một chiếc bánh một ly nước hay một tấm áo… tất cả đều mang giá trị của thiện tâm và nó có giá tri thánh thiện khi ta cho đi với lòng thúc đẩy tự bên trong của tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể: Tình yêu của sự dâng hiến cho đi vì hạnh phúc của người khác.
Có hai điều chúng ta cần ghi nhớ và thực hành: thứ nhất, chúng ta muốn gặp gỡ Chúa, chúng ta hãy đến trước nhà chầu, Chúa Kitô đang hiện diện cụ thể ở đó, Ngài là người cha rất nhân từ, Ngài là một người bạn chí thân chí thiết, nơi Ngài chúng ta có thể tâm sự một cách chân thành từ tâm hồn của chúng ta, những niềm vui những nỗi buồn trong cuộc sống để chúng ta đón nhận sự trợ giúp từ Ngài; qua đó, chúng ta đủ sức đứng vững và bước đi trong cuộc sống này.
Thứ hai Thánh Thể giúp chúng ta hiệp nhất với nhau: hiệp nhất với nhau tức là yêu thương nhau. Khi chúng ta cùng dâng lễ với nhau mà chúng ta không yêu thương nhau là một điều bất xứng với Chúa; huống chi giờ đây tất cả chúng ta lại cùng nhau rước lễ - rước Mình Máu Chúa mà chúng ta không yêu thương nhau thì lại càng không thể chấp nhận được.
Như Chúa đã từng nói “Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ”. (Mt 5, 23-24). Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thịt và Máu Chúa cho linh hồn chúng con được sống và sống đời đời. Xin cho chúng con biết sống trước đời sống phục sinh ngay trên dương gian này bằng việc vui lòng trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người được sống, bằng tình yêu thương, bác ái và hiệp nhất huynh đệ trong Chúa. Amen.