Suy tư - Chia sẻ

Sức sống thần linh trong Giáo hội

Cập nhật lúc 14:09 05/05/2023
Chúa nhật Phục sinh VI, Năm A; Bài đọc 1: Cv 8,5-8.14-17; Bài đọc 2: 1Pr 3,15-18; Tin Mừng: Ga 14,15-21
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.
“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”.
Trong tình yêu hiệp nhất giữa Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Giáo hội đã được tác sinh cùng sức mạnh của Thần Khí để mang lại sức sống cho dân Thiên Chúa mà Chúa Kitô là Đầu. Chúa nhật hôm nay, chúng ta thấy được sự nối tiếp tư tưởng của Chúa nhật tuần trước. Sách Công vụ tông đồ Chúa nhật trước đã nói đến việc thiết lập các trợ tá để lo việc phục vụ, trong số đó có Philipphê. Chúa nhật hôm nay, sách Công Vụ Tông Đồ cũng nói về việc ông Philípphê đã đến rao giảng cho dân thành Samari về Đức Kitô dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Còn thánh Phêrô thì cho chúng ta nghe thánh nhân khuyên bảo những kẻ tin phải sống như thế nào với những người không tin vào Đấng Phục Sinh và đặt tay ban phép Thêm sức trên những ai tin vào Đức Giêsu Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy được sự tiếp nối với Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước và nói đến những việc Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta nơi Cha của Người. Vì thế, hôm nay, chúng ta sẽ thấy cả ba bài Thánh Kinh đều quy về Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, Chúa nhật trước đã để chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu chết và sống lại là đã xây nên Hội Thánh. Thì hôm nay, chúng ta sẽ được chứng kiến Hội Thánh có sức sống Thần Linh mạnh mẽ như thế nào.
Một Giáo hội tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần
Chúng ta đã thấy được một Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem có một đời sống tràn đầy ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Số tín hữu ngày càng gia tăng thêm đông số, uy tín của các Tông đồ được nhiều người biết đến và được toàn dân mến phục các ngài. Sức sống mạnh mẽ ấy làm phá tan mọi giới hạn chật hẹp của các Kitô hữu. Thế nhưng, xác thịt con người nhiều khi vẫn còn nặng nề và chậm chạp. Mối căng thẳng mà chúng ta thấy rõ rệt nhất và đầu tiên đã thể hiện ra nơi tương quan giữa Do Thái và  người Hy Lạp.
Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã sáng suốt đặt tay trên bảy người Hy Lạp có tiếng tốt. Họ được đón nhận đầy ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Họ là những người tỏ ra thật xứng đáng. Trong đó, phải kể đến ông Stêphanô đã có những lời rao giảng thu phục lòng dân, khiến cho cả thành phải chấn động vì lời lẽ và thái độ tuyên xưng đức tin của ông. Chính vì thế, giới luật sĩ Do Thái đã bắt và ném đá ông cho đến chết. Các tín hữu phải đi phân tán ở khắp nơi. Ông Philipphê lợi dụng ngay hoàn cảnh phải phân tán đó để đi truyền giáo cho dân thành Sa-ma-ri.
Chúng ta để ý: cả hai người đều đã bắt đầu hoạt động nơi lương dân, rao giảng Tin Mừng cứu độ cho những người không phải là Do Thái. Công việc của họ không phải chỉ là phục vụ bàn ăn, như thoạt đầu chúng ta nghĩ. Nói đúng hơn, thấy họ hoạt động như vậy, chúng ta phải tự hỏi công thức phục vụ bàn ăn nghĩa là gì ? Cả Stêphanô và Philipphê đều rao giảng Tin Mừng. Philipphê còn làm phép rửa cho họ nữa. Thiết tưởng thật là sai lầm khi phân biệt phận vụ các tông đồ là cầu nguyện và giảng lời chúa, còn có trách nhiệm các “phó tế” là phục vụ bàn ăn. Chúng ta đã có lần thấy không được hạn chế sinh hoạt Giáo hội trong phụng vụ. Thế thì cũng không nên giới hạn quá mức phận vụ của các thừa tác viên. Rõ ràng các phó tế mới cũng đã giảng Tin Mừng, làm phép rửa và làm nhiều phép lạ nữa. Hoạt động của họ có khác với công việc của các Tông đồ hay không? Dường như chính bài sách công vụ hôm nay đã cho chúng ta một câu trả lời. Vì cho dù Philipphê đã truyền giáo ở Sa-ma-ri giống như một Tông đồ. Thế nhưng, những tín hữu ở đó phải đợi Phêrô và Gio-an đến thì họ mới được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần.
Nhìn vào Giáo hội hôm nay, nhiều khi chúng ta quá tách rời các phận vụ khi giáo dân dửng dưng với công việc của linh mục và linh mục cũng như không muốn biết tới công việc của giáo dân - chúng ta quên rằng mọi người trong Giáo hội đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần; và ơn Thánh Thần phong phú mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng. Chuyện Stêphanô và Philipphê cho thấy rõ: Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ nơi những con người gốc Hy Lạp ấy. Họ đã làm việc hầu như giống các Tông đồ. Chỉ có điều họ đã lựa chọn môi trường dân ngoại, hợp hơn với họ và họ vẫn công nhận quyền các tông đồ. Nói đúng hơn, Thánh Thần đã dùng họ để đi vào những lãnh vực mới, khiến việc truyền giáo cho lương dân đã khởi sự với chính những người gốc lương dân. Và giáo đoàn Giêrusalem, giáo đoàn mẹ đã mau mắn đến tiếp sức cho các cộng đoàn mới. Các Tông đồ đã gửi ngay Phêrô và Gio-an tới. Hai người đã ban Thánh Thần, hoàn tất công việc của Philipphê; khiến một lần nữa, chúng ta lại thấy chính Thánh Thần là dây bác ái xây dựng và bảo toàn sự duy nhất trong Giáo hội. Chính điều đó đem lại niềm hân hoan vui mừng không những cho những người Sa-ma-ri mà cả thành Giêrusalem, tức là cho toàn thể Hội Thánh.
Nhưng đời sống không luôn luôn như vậy. Hội Thánh đã bị bắt bở ở Giêrusalem trong câu chuyện Stêphanô. Hội Thánh còn có thể gặp khó khăn ở mọi thời. Khi ấy, Thánh Thần sẽ làm việc thế nào trong hội thánh ?
Thánh Thần là sức mạng khi Giáo hội tin vào Đức Kitô
Nhìn thấy Giáo hội đang bị bắt bớ ở nhiều nơi, vị Tông đồ trưởng Phêrô đã không ngần ngại căn dặn tín hữu phải sống niềm tin vào Đức Kitô. Đó là thái độ căn bản. Hơn bao giờ hết, trong những hoàn cảnh khó khăn, tín hữu phải tôn vinh Đức Kitô ở trong lòng của mình. Phải hiểu biết Người là Chúa của anh em, tức là phải nhận thức người đã Phục sinh vinh hiển. Không nắm vững niềm tin đó, đức tin của chúng ta sẽ trở nên vô ích. Ngược lại khi tin vững vàng người sống lại, thì như trước đây thư Phêrô đã nói, người ta sẽ không bị hổ thẹn (x. 1Pr 2,6).
Và một khi đã tin vững vàng thì anh em “hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). Các tín hữu sẽ bị tra hỏi và phải trả lời. Vì đó là chuyện có liên hệ đến niềm hy vọng của ta, tức là Tin mừng cứu độ chúng ta mang ở trong mình. Nhưng phải ăn nói hiền từ, tôn trọng. Lời rao giảng Tin Mừng không được tựa vào khôn ngoan thế gian và sức mạnh từ loài người. Lúc đó, chúng ta hãy để cho Thần Khi nói trong chính mình hơn là lời lẽ thế gian. Lời ấy mang đầy sức mạnh của Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa hành động mạnh mẽ mà lại còn rất dịu dàng. Vậy nếu chúng ta đã cảm nghiệm được Đức Kitô sống trong lòng mình rồi, thì không có lý nào lời nói của chúng ta lại không hiền từ, tôn trọng như Chúa.
Đàng khác, như vậy không phải chỉ là suy diễn mà còn là uốn nắn đời mình mỗi ngày được giống như Chúa. Là người Kitô hữu luôn phải dõi theo vết chân Chúa Kitô. Ước gì khi Giáo hội bị bắt bớ, lúc chúng ta phải đau khổ, bề ngoài về xác thịt có như đã chết thì tinh thần cũng vẫn sống động. Đúng hơn nữa, ước gì Thần Khí của Chúa tỏ ra mạnh mẽ nơi thân xác yếu hèn của chúng ta là những người đang còn tội lỗi!
Như thế, cho dù ở trong mọi hoàn cảnh nào, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, sức mạnh của Hội Thánh và của chúng ta vẫn là Thánh Thần. Điều cần duy nhất là phải có Thánh Thần, đó mới là ơn Chúa Giêsu hằng ban cho chúng ta.
Giáo hội luôn luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nói người sẽ ra đi, nhưng không để họ mồ côi. Người sẽ trở lại với họ, không phải trong thân xác giới hạn như hiện nay, nhưng sẽ tỏ mình ra cho họ. Thế gian sẽ không còn thấy người, nhưng họ thấy vì người vẫn sống.
Chắc chắn Lời Chúa chỉ bừng sáng lên và dễ hiểu hơn sau khi có ánh sáng của Phục sinh. Lúc đó môn đệ mới rõ: Đức Giêsu đã đi thật; thế gian không còn thấy Người nữa vì Người đã chết theo xác thịt; nhưng Người đã trở lại với môn đệ, trong những lần tỏ mình ra. Và nhất là nhận được Thần Khí Người thổi cho, họ cảm thấy gần Người hơn bao giờ hết. Rõ ràng Người vẫn sống và họ cũng sống trong Người và Người sống ở trong họ. Ý thức ấy minh chứng được vì do tay các tông đồ, đã làm được nhiều dấu lạ điềm thiêng đã xảy ra trong dân, từ sau ngày Thánh Thần hiện xuống. Thế nên câu Chúa nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,18). Đã được hiểu như là Thần Khí của Người đã được ban cho họ để lưu lại nơi họ và ở trong họ.
Như vậy, họ cũng ý thức hơn về mệnh lệnh Chúa truyền như là điều kiện để không bị bỏ mồ côi. Đó là giữ Lời Người. Chắc chắn Hội Thánh lúc ban đầu đã chuyên cần với việc này. Đó là, tín hữu kiên trì với giáo huấn của các Tông đồ. Các vị này chuyên lo phục vụ Lời Chúa. Chính nhờ nhiệt tình như vậy mà đức tin tăng trưởng, Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ, cả thành đều vui mừng và có ai bị bắt bớ thì cũng hân hoan vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì danh người.
Đời sống của Hội Thánh luôn luôn là như vậy. Lúc thuận cũng như lúc nghịch, Hội Thánh chỉ mạnh mẽ nhờ Thánh Thần. Chính Người là sức mạnh của Hội Thánh vì là Thần Trí của Đức Kitô đã được ban cho Hội Thánh sau khi Chúa Cứu Thế đã về cùng Cha qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Thánh Thần hoạt động nơi mọi thành phần trong dân Chúa, không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, Tông đồ hay phó tế. Người phân phối phận vụ nhưng đồng thời hằng xây dựng, thắt chặt tình liên đới để Giáo xứ mẹ, Giáo xứ con cũng chỉ là một Hội Thánh. Chúng ta cầu xin Người đến trong chúng ta và trong các giáo đoàn của chúng ta. Thật ra, Người vẫn đến vì có bao giờ Đức Kitô bỏ chúng ta mồ côi. Mỗi lần Giáo hội cử hành Thánh Lễ, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa lại được tái hiện. Mầu nhiệm Chúa: về cùng Cha, ban Thánh Thần xuống lại được cử hành. Tất cả tùy ở chúng ta và cộng đoàn chúng ta có đón nhận và để Thánh Thần hoạt động nơi mình và qua mình hay không ?
Vì vậy, qua Lời Chúa ngày hôm nay, xin Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta được đầy tràn ơn Thánh Thần. Và khi ta đã lãnh nhận ơn Thánh Thần rồi, mỗi người sẽ trở nên như Stêphanô và Philipphê, tỏ ra hăng say trong môi trường của mình, thi hành sứ mệnh tông đồ, làm cho nhiều người tin Đức Giêsu là Chúa để xã hội thêm hân hoan trong tình liên đới, nhiệt thành xây dựng hạnh phúc chung mỗi ngày mỗi lan rộng hơn. Có như vậy, ta mới có mùa Phục sinh trong đời sống chúng ta và mới đáng ngưỡng vọng mầu nhiệm Chúa lên trời và ban Thánh Thần xuống, những mầu nhiệm mà chúng ta sẽ kính nhớ cách đặc biệt trong các Chúa Nhật tới.
Linh mục Phêrô Vũ Minh Tuân
Thông tin khác:
Xin thương đỡ nâng con (05/05/2023)
Sống vâng phục thánh ý Chúa là hạnh phúc tuyệt vời (27/04/2023)
Đường về Nhà Cha (27/04/2023)
Chúa Giêsu, người mục tử tốt lành (21/04/2023)
Xin ơn đức tin (19/04/2023)
Vị linh mục của Hiệp hành (17/04/2023)
Niềm tin trở lại (13/04/2023)
Trở nên như trẻ thơ (13/04/2023)
Lòng thương xót của Chúa Giêsu (06/04/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log