2. Tỉnh thức để phân định những gì là nên xa tránh và những gì là nên gần gũi, những gì đẩy tôi đến nguy cơ tội lỗi và những gì lôi kéo tôi vào con đường nhân đức.
3. Phân định đó hơi làm cho tôi bất ngờ. Bởi vì tự nhiên lúc này tôi
ít còn gần gũi với những thời sự đề cao quyên lực, nhưng gắn bó nhiều hơn với những thời sự đề cao tình thương. Khi nói về quyền lực, tôi nghĩ tới những người thực sự có quyền chức, tôi càng nghĩ tới những người không có chức quyền, nhưng tự cho mình quyền xét xử người khác.
4. Quyền lực nói chung hiện nay bị lôi cuốn quá nhiều và quá lộ liễu vào những lợi ích. Còn tình thương thì lôi cuốn con người đến hy sinh một cách vị tha và mạnh mẽ.
5. Tất nhiên là có những quyền lực tỏa sáng về yêu thương và hy sinh. Họ rất đáng trân trọng. Nhưng trong một tình hình, mà phần đông con người như sống trong khủng hoảng niềm tin, thì việc đề cao quyền lực là điều dễ làm cho người ta dị ứng.
6. Dị ứng đó thiết tưởng cũng phải kiềm chế, và cần chỉnh đốn lại cho công bằng.
Chúa đang giúp tôi làm điều đó.
Chúa đang giúp tôi nhìn lại đời mình. Đời tôi đã có những lần đề cao không đúng lắm về quyền, về chức, thuộc hai lãnh vực đạo đời, không trong việc làm, thì trong tư tưởng, hoặc hữu ý, hoặc vô tình. Tôi còn biết bao tội khác nữa.
7. Nhìn lại, để mà sám hối. Tôi sám hối, theo chỉ dẫn của Thánh Gioan Baotixita. Thánh bổn mạng của tôi luôn nhấn mạnh đến sám hối. Theo Ngài, sám hối chủ yếu là nhìn vào Chúa Giêsu
“Đây, Chiên Thiên Chúa, đây Đấng cứu độ trần gian” (Ga 1, 29).
8. Khi tôi nhìn vào Chúa Giêsu, tôi đã gặp cái nhìn của Chúa. Chúa đã nhìn tôi một cách rất xót thương. Từ cái nhìn xót thương ấy, tôi tin đời tôi tuy tội lỗi đầy tràn, vẫn được tình Chúa xót thương xóa đi.
Tôi nhớ lại lời Chúa phán qua miệng tiên tri Isaia
“Như người mẹ an ủi con mình, Ta cũng an ủi con như vậy” (Isaia 51, 12).
Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, bằng sự Người an ủi tôi, đó là một sự tha thứ bằng xót thương, được diễn tả qua hình ảnh người mẹ ôm chặt đứa con thơ vào lòng mình.
Tha thứ bằng những ủi an, đó là điều tôi đã và đang cảm nhận được một cách rất rõ trong sám hối, mà Chúa thương ban cho tôi.
9. Trước đây, tôi vẫn cầu xin với Chúa Thánh Thần bằng lời cầu của Hội Thánh:
“Xin hãy đến, Chúa là Đấng an ủi tuyệt vời, Chúa là Cha kẻ nghèo khó” Bây giờ, thì tôi cảm nhận được Chúa đang đến với tôi và đến với nhiều người trong Hội Thánh tôi như một Đấng an ủi, như một Người Cha của kẻ nghèo khó.
10. Điều quan trọng, mà tôi và những người của tôi cần có, là phải biết đón nhận sự an ủi của Chúa.
Theo tôi, dựa trên những lời trong Kinh Thánh, thì để đón nhận an ủi của Chúa, tâm hồn chúng ta phải
hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11, 29).
Hiền lành và khiêm nhường là điều không dễ. Cố gắng của chúng ta được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Rồi cũng phải xin Chúa thương hỗ trợ thêm cho.
11. Đến đây, tôi sực nhớ tới Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Ngài để lại trong đời tôi toàn là tình thương của Ngài, Ngài đã an ủi tôi rất nhiều.
Tình thương của Ngài phát xuất từ tấm lòng hiền lành và khiêm nhường. Tôi nhận thấy sự hiền lành và khiêm nhường nơi Ngài được bảo vệ và phát triển qua nhiều phấn đấu. Nhưng nổi bật nhất là qua sự Ngài luôn tỉnh thức, để dấn thân chủ động ủi an người khác. Đúng như lời Chúa đã dạy xưa:
“Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” ( Mt 5, 7).
Mục vụ ủi an, mà Đức Cố Hồng Y Thuận dành cho tôi, đỡ nâng tôi rất nhiều.
12. Đúng là an ủi người khác, sẽ được Chúa ủi an. Thời sự lúc này đang xảy ra như vậy. Những người mau mắn an ủi kẻ khác là một số đáng kể. Họ an ủi bằng nhiều cách. Dù bằng cách nào, họ đang làm
mục vụ ủi an theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
13. Khi họ an ủi kẻ khác, họ phải đối đầu thường xuyên với quỷ dữ. Quỷ dữ trói buộc bao người vào gông cùm vô hình là những hình thức kiêu ngạo và độc ác. Giải cứu con người khỏi những gông cùm đó, tức là phải chiến đấu với những ác quỷ. Điều đó rất khó.
Ngoài việc sống cầu nguyện và tiết độ, mục vụ ủi an còn phải nhìn thật sâu những khổ đau của người khác, để biết cùng đau khổ với họ. 14. Như vậy đức tin tại Hội Thánh Việt Nam hôm nay không chỉ là kế thừa và nối tiếp những tốt đẹp đã qua.
Nhưng chủ yếu đức tin hôm nay là không ngừng có những bắt đầu với những sáng kiến mới do tiềm năng mà Chúa Thánh Thần ban cho. Chúa vẫn đến, Chúa đang đến.
Điều quan trọng là biết đón nhận Người. Người đang ở giữa Việt Nam này, trong những người đau khổ, và Người vẫn gọi chúng ta như xưa Người đã nói:
“Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta ở trần, các ngươi đã cho mặc” (Mt 25).
15. Sống đức tin của bao người xung quanh tôi là âm thầm gặp gỡ những kẻ khổ đau, để chia sẻ với họ và để cứu họ. Để có sức làm những việc đó, đức tin của họ phải đến uống sức mạnh từ nguồn là Chúa Giêsu.
Một thoáng nhìn trên đây, đang đem lại cho tôi biết bao an ủi, ngay chính những lúc tình hình xem như tối tăm và thất vọng. Tôi mong mục vụ ủi an sẽ làm cho Hội Thánh được luôn trẻ trung, có khả năng góp phần vào việc chấn hưng Tổ Quốc yêu dấu của chúng ta.