Ba vua tìm kiếm Chúa
Vinh quang luôn làm cho mọi con người choáng ngợp với những thành quả đã đạt được, vinh quang của thành công hay những chiến thắng vẻ vang của những trận so tài với nhau hay là những khám phá mới trong lãnh vực khoa học… Tất cả những vinh quang đó chỉ là vinh quang của con người, vinh quang của thế gian. Có một thứ vinh quang cao cả hơn, mà bất cứ ai cũng đều được đón nhận. Nếu chúng ta thật sự và khao khát tìm kiếm bằng niềm tin và tình yêu là có thể đón nhận được. Vinh quang đó, Đức Giêsu sẽ tỏ hiện qua cuộc Hiển linh của Ngài. Sự tỏ hiện đó không đáng cho riêng ai, nhưng là dành cho tất cả chúng ta. Vì chúng ta là những người luôn có khả năng đón nhận Đức Kitô vào trong cuộc sống của mình! Chúng ta đón nhận Đức Kitô không phải bằng lý trí nhưng bằng tình yêu, không phải bằng quyền hành nhưng bằng đơn sơ, khiêm hạ, không bằng thủ đoạn nhưng lại bằng khao khát, ước mong được gặp Chúa.
Vào thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh… đến Giêrusalem, và hỏi: "Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-2). Mátthêu đã đặt song song và gần nhau hai yếu tố đối kháng, hai tước vị Vua Hêrôđê… Vua dân Do thái… ? Cho nên ta dễ hiểu câu hỏi của của các đạo sĩ đã gây lúng túng cho Hêrôđê, một ông vua hay nghi ngờ. Qua lịch sử ta biết rằng, Hêrôđê suốt đời bị ám ảnh bởi cái sợ mất quyền hành, do đó mà đầu ông cũng thấy có âm mưu đảo chính, âm mưu lật đổ ông. Ông nghi ngờ tới mức cứ ẩn mình trong những pháo đài kiên cố, đến nỗi giết cả mẹ vợ, vợ và ba người con. Đó là lịch sử.
Nhưng ý nghĩa Mátthêu dành cho tước vị Vua người Do thái thì sâu sắc hơn nhiều. Nước Trời là một trong những chủ đề mà ông ưa thích. Ngay từ khởi đầu Mátthêu đã loan báo vị vua của Nước Trời này. Ngay từ trang đầu sách Tin Mừng của ông, đã xuất hiện một vương miện đang bị tranh chấp: Ai thực sự là vua người Do thái? Phải chăng là Hêrôđê, ông vua chuyên chế quyền năng khát máu, thô bạo? hay là Giêsu, con người bé mọn, yếu đuối, không vũ khí và sẽ chết như một nạn nhân vô tội?
Ở trang cuối Tin Mừng của mình, Mát thêu sẽ trả lại cho Đức Giêsu tước vị vua người Do thái. Mấy chú lính bảo: Vạn tuế đức Vua Do thái (Mt 27, 29). Người này là vua dân Do thái, đó là câu Philatô cho viết và dạy treo trên đầu Đức Giêsu bị đóng đinh để chỉ rõ lý do Người bị kết án (Mt 27, 37). Giới kinh sư và các thượng tế chỉ cười: Hắn là vua Ixraen. Bây giờ mà hắn xuống khỏi cây thập giá thì chúng ta tin hắn liền (Mt 27, 42).
Mátthêu đã cho thấy rằng ngay từ lúc mới sinh, Đức Giêsu chỉ là một ông vua nghèo khó, một ông vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa để khải hoàn vào Giêrusalem (Mt 21, 5), một ông vua không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ (Mt 20, 28), một ông vua yêu cầu các bạn hữu của mình đừng cai trị dân như bạo chúa, đừng lấy quyền mà áp chế dân mà hãy làm đầy tớ cho anh em (Mt 21, 25-26). Vương quyền của ông vua đó không thuộc thế giới này, không giống như vương quyền của Hêrôđê. Vương quyền đó chỉ biểu lộ ra trong tuần thương khó của Người. Như vậy, ta hiểu thế nào các từ ta luôn luôn lặp lại trong lời nguyện của ta: Xin cho Nước Cha mau đến… hay Người là Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2). Ngày nay Giáo hội xem câu chuyện Hiển linh là âm vang của bản văn Isaia, được chọn trong số rất nhiều bản văn Kinh Thánh loan báo về Đấng Mêsia đến như một Ánh sáng: “Đứng thẳng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Is 60, 1). Ta nhớ ánh sáng thiên sai đã được ca ngợi trong Mùa Vọng và trong Đêm Giáng sinh: Đoàn dân đang lần đi trong đêm tối, đã trông thấy một ánh sáng huy hoàng… vì Thiên Chúa đã cho một trẻ thơ ra đời… (Is 9, 1-5).
Chủ đề ngôi sao luôn có một ý nghĩa thăng trầm mà sau thánh Phêrô sẽ khai triển khi Tông đồ nói về đức tin như Sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em (2Pr 1,19). Ngôi sao đó là biểu tượng ánh sáng của Thiên Chúa, ân sủng của Thiên Chúa, tác động của Thiên Chúa trong lòng, trong trí mỗi người và mọi người hướng đến với Đức Kitô. Thiên Chúa âu yếm nhìn các nhà chiêm tinh ngoại đạo trên đường đến với Đức Giêsu.
Trong đời chúng ta cũng có một ân sủng hướng dẫn ta đi tới chỗ khám phá Đức Giêsu. Ta có đủ can đảm đi theo ân sủng đó cho tới nơi ân sủng đưa ta đến không? Tới chỗ ta sấp mình trước mặt Người như ba nhà đạo sĩ không? Tâm tình sấp mình hơn là triều bái. Động từ sấp mình được Mát thêu dùng tới ba lần trong bản văn này, và sấp mình diễn tả thái độ khiêm hạ của ba vị chiêm tinh. Họ đến sấp mình thờ lạy. còn tôi thỉnh thoảng tôi có biết sấp mình không? Sấp mình trước cái gì? Trước ai? Tôi hiểu sao khi tôi phủ phục hay cúi đầu lúc dâng mình thánh. Qua cử chỉ sấp mình, con người nhìn nhận cái nhỏ bé của tâm hồn với một tâm tình thờ phượng bằng tất cả con người khiêm tốn.
“Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2, 3). Đây là trung tâm của câu chuyện Hiển linh. Mát thêu đề ra hai thái độ mà ta luôn luôn bắt gặp trong chiều dài sách Tin Mừng của ông. Một đàng là sự khước từ của các thủ lãnh chính trị và tôn giáo Do thái. Lẽ ra họ là những người thứ nhất nhận ra Đấng Mêsia. Nhưng họ làm gì? Họ sợ, bối rối và lúng túng. Ngay từ đầu họ tìm cách giết chế Đức Giêsu khi Người khiển trách các kinh sư và người Pharisiêu (Mt 23, 27-37). Đàng khác, tương phản với thái độ trên là thái độ đón tiếp của các nhà chiêm tinh, biểu tượng cho dân ngoại. Họ không được chuẩn bị để nhận ra Đức Kitô, nhưng chính họ là những con người đi tìm, bối rối, lại cảm thấy hân hoan. Như vậy, chúng ta có thể nghe lời Mát thêu kết thúc trước Tin Mừng của ông: “vậy anh em hãy đi đến với muôn dân… để họ trở nên môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19).
Thực ra trong những thế kỷ đầu, trang Tin Mừng này, nhằm giải thích cho người Kitô hữu gốc Do thái hiểu tại sao Giáo hội lại có nhiều người ngoại đạo tìm đến hơn là người Do thái đạo gốc, Mátthêu cho thấy Đức Giêsu là Đấng cứu độ đã đến cho mọi người và Ixraen mới gồm tất cả những ai, Do thái hay dân ngoại, biết sấp mình thờ lạy Đức Giêsu. Vì “trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3, 6).
Vì vậy, các nhà chiêm tinh biều tượng cho mọi dân ngoại và cho tất cả những người vô tín của mọi thời. Ta thường hiểu các từ đó (dân ngoại vô tín) theo nghĩa không tốt. Nhưng, ngược lại, rất đông đảo những người, ngay cả giữa đám bè bạn của ta, là những người hoàn toàn chân thành trong các xác tín của họ, có một cuộc sống chính trực, có ý thức cao về công bình và phục vụ người khác, có một cuộc sống gia đình gương mẫu và làm tốt các trọng trách nghề nghiệp của họ. Tuy không biết Đức Giêsu theo nghĩa chặt, nhưng Hiển linh là ngày lễ của những người không biết Đức Giêsu của những người mà có đức tin khác đức tin của ta, nhưng được Chúa thương yêu, soi sáng, và nhờ ân sủng, họ được lôi cuốn đến với Người. Còn ta, ta xét đoán họ như thế nào? Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi một cuộc đời: một con đường mới mở ra. Có phải vậy không? Hay là ta chưa gặp được Người? tiêu chuẩn để nhận xét: không có con đường mới nào mở ra cả. Cho nên, ta chân thành suy nghĩ lại đời mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Tu sĩ Phêrô Thập Tự Ân