1.
Mỗi năm, lúc gần tới lễ Noen, tôi lại suy nghĩ cách riêng về ý nghĩa lễ trọng đại đó. Năm nay, suy nghĩ của tôi suy giảm nhiều, do tình hình xuống cấp toàn diện nơi tôi. Nhưng trong bầu không khí gia đình, tôi cũng đành có gì tặng đó. Xin vui lòng nhận tấm lòng của tôi.
2.
Ý nghĩa của lễ Noen là gì? Thánh Tông đồ Gioan viết: “Thiên Chúa đã sai Con Một người đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,9-10)… “Chính tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến, làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga, 14). Nhờ lời dạy trên đây của thánh Gioan Tông đồ, tôi xác tín: Chúa Giêsu sinh vào thế gian tại hang đá Belem, chính là Con Thiên Chúa. Người đến, để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa, bằng việc dâng mình làm của lễ đền tội cho chúng ta, hầu cứu độ chúng ta.
3.
Như vậy, Hài Nhi tại hang đá Belem âm thầm nói với tôi và nhân loại một sự thực. Chúng ta là kẻ tôi lỗi, cần được cứu. Đấng cứu chúng ta là Chúa Giêsu. Người cứu chúng ta bằng cách dâng chính mình làm của lễ đền tội.
4.
Khi tôi ra sức tìm hiểu của lễ chính mình mà Chúa Giêsu đã thực hiện, để đền tội và cứu tôi cũng như loài người, thì Chúa trả lời là: Hãy đọc lại thánh Phaolô về sự bước xuống của Chúa Giêsu. “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Người đã hoàn tòan trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi vui lòng chịu chết, chết trên cây Thập giá” (Pl 2,6-8).
Những lời trên đây của thánh Phaolô giúp tôi nhận ra hai nét đặc điểm của Hài Nhi Giêsu tại belem, chứng tỏ Người là Đấng Cứu độ. Hai nét đặc điểm đó là vâng phục và khiêm nhường. Với hai nét đó, Chúa Giêsu tại Belem trở nên bé nhỏ và gần gũi. Tôi gặp Người một cách dễ dàng. Rất nhiều người không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng, quốc tịch, cũng đã gặp Người một cách rất tự nhiên.
5.
Nhờ được gặp Người và ở lại với Người khá lâu, tôi được Người cho biết còn một đặc điểm nữa nơi Người, khiến Người trở nên Đấng Cứu độ, đặc điểm đó là Tình Yêu. Tình Yêu đó vượt trên mọi sự tốt lành. Thánh Phaolô diễn tả tình yêu đó như sau: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của lòai người của thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp của tôi mà bố thí, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Giả như tôi có nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không nghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,1-7).
6.
Tình yêu tuyệt vời trên đây nơi Chúa Giêsu là do sự Người luôn kết hợp với Chúa cha, Đấng sai Người. Tình yêu tuyệt với ấy đã làm cho sự vâng phục và khiêm nhường của Người trở thành giá trị cứu rỗi.
7.
Cứu rỗi như thế của Chúa Giêsu chính là một sự đổi mới, mà Người làm cho Hội Thánh và cho toàn thể giới. Đó là gương cho mọi đổi mới sau này trong Hội Thánh.
Chúa cho tôi nhìn Hội Thánh hiện tại đang được đổi mới. Tất cả các vị được Chúa chọn, để tiếp tục cuộc đổi mới của Chúa Cứu thế hiện nay đều rất vâng phục, khiêm nhường và có lửa mến nội tâm nồng nàn tha thiết.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu rất tha thiết với việc của những người tội lỗi.
Mẹ Têrêsa Calcutta rất tha thiết với việc cứu những người nghèo khó, bệnh tật, cô đơn.
Đức Thánh Cha Phanxicô rất tha thiết với việc cứu các cơ cấu đời đạo khỏi những gì trái với bác ái và công bình.
Tất cả ba vị đổi mới trên đây đều rất khiêm nhường, vâng phục và sống nội tâm sâu sắc với đức mền nồng nàn.
8.
Những gì tôi vừa chia sẻ không phải chỉ là những suy nghĩ, mà còn là những cảm nghĩ. Do vậy, nếu cần có một lời chúc dịp Noen này, thì tôi xin chúc mọi người xa gần gặp được Hài Nhi Giêsu trong hang đá, để rồi biết cộng tác với Người trong chương trình cứu độ, cứu mình và cứu người khác. Cứu hiện tại đang xuống dốc đã là điều khó. Cứu tương lai sắp chạm đáy vực thẳm cũng là điều quá khó. Nhưng tôi tin Chúa Giêsu vẫn là hy vọng của chúng ta. Chính niềm hy vọng ấy cho phép chúng ta vui đặt nơi Chúa giàu lòng thương xót.
Xin mọi người cũng thương cầu nguyện cho tôi.
ĐGM Gioan Baotixita Bùi Tuần