Chúa nhật hôm nay, Hội thánh hoàn vũ cho phép Hội thánh Việt Nam chúng ta mừng kính trọng thể các thánh tử đạo, những vị anh hùng đã hi sinh tính mạng vì Chúa, đã đổ máu ra để làm chứng cho đức tin, cũng như để xây dựng Hội thánh.
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa soi sáng hướng dẫn, để nhờ Lời Chúa và nhờ mẫu gương các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta làm cho Nước Chúa được hiển trị trong cuộc sống của mình.
Bài đọc 1, sách Khôn Ngoan nói về số phận con người, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho người sống theo lẽ khôn ngoan. Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa. Đây là điều quả quyết chính của sách này. Trong các sách trước của Kinh Thánh, linh hồn chỉ có nghĩa là hơi thở, thực tế là sự sống của một cá nhân, mà khi người này chết thì nó biến mất. Bây giờ, linh hồn chỉ cái ở trong con người mà không chết đi cùng thân xác. Ở trong tay Thiên Chúa nghĩa là được Thiên Chúa chở che bảo vệ (x.Đnl 33,3; Is 57,6; Ga 10,28-29) và lệ thuộc vào Người (G 12,10).
Lúc họ xa rời, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thật ra, họ đang hưởng an bình (Kn 3,3). Cái nhìn của tác giả về cái chết khác hẳn cái nhìn của những kẻ vô đạo. Cái chết là khởi đầu cho một cuộc sống hạnh phúc bên Thiên Chúa, một cuộc sống hoàn toàn bình an. Bình an, theo cách hiểu của người Hípri không chỉ có nghĩa là không gặp phải tai ương hoạn nạn (x.Is 57,2; G 3,17-18), mà hơn thế nữa, bình an có nghĩa là được mọi điều thiện, được hạnh phúc trọn vẹn, dưới sự che chở, trong tình thân mật với Thiên Chúa. Họ đang hưởng bình an. Mãi mãi họ sẽ được hưởng điều họ từng mong đợi ở đời này. Chúng ta chỉ nhìn thấy một góc cạnh của cái chết: sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được mỗi người cảm nhận thế nào cuộc ra đi của mình, lại càng chẳng biết mình sẽ bừng tỉnh trong thế giới của Thiên Chúa ra sao.
Niềm hi vọng có một vị trí quan trọng trong đời của người công chính. Mục đích niềm hi vọng nhằm tới là được trường sinh bất tử. Ở đây, tác giả sách Khôn ngoan nhấn mạnh đến sự trường sinh bất tử của linh hồn, nhưng theo nghĩa được hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa. Đó là phần thưởng dành cho người yêu mến và thực thi đức công chính (x.Kn 1,15;2,23). “Họ vẫn chứa chan hi vọng được trường sinh bất tử” (3,4).
Giờ phán xét, chúng ta sẽ thấy chỉ có những người công chính mới là những kẻ sống thật sự. Cái chết của các bạn hữu Thiên Chúa thường mang lại bình an cho những người đã từng sống bên họ. Chính nhờ cái chết của mình mà các vị tử đạo đã làm cho lẽ sống của các ngài được toàn thắng.
“Lời nguyện của Đức Giêsu Thượng Tế” hay “lời nguyện hiến tế”, trong Tin mừng Gioan cho chúng ta vừa nghe cho ta biết, trước khi chết, Đức Kitô dâng hiến mạng sống của Người, với tư cách là tư tế đồng thời là lễ vật. Trong thời Cựu Ước, từ “thánh hiến” được áp dụng cho hai việc: vị tư tế tự thánh hiến mình, nghĩa là làm những nghi thức chuẩn bị để xứng đáng dâng của lễ, và ông cũng thánh hiến lễ vật khi tiến dâng nó lên Thiên Chúa.
Đức Giêsu đến chấm dứt phương thức thờ phượng của Cựu Ước trong đền thờ Do thái giáo (Hr 8,13;10,9). Dân Do thái đã từng được gọi là thánh, nghĩa là được tách riêng ra để phụng sự vị Thiên Chúa Chí Thánh, giữa muôn dân, họ là dân duy nhất được đặc ân nhận biết.
Xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha (c.11). Nói cách khác: xin gìn giữ họ trong ánh quang nhiệm mầu của Cha, mà Cha vẫn chia sẻ cho Con. Đây là lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho Hội thánh của Người, vì Người giao phó cho Hội thánh chính sứ mạng của Người. Nhiệm vụ hàng đầu của Hội thánh sẽ là nhận biết Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng muốn hễ ai thuộc về Người thì nhận biết Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi phải hiểu sâu lời Chúa, kiên trì trong cầu nguyện và tham dự các buổi phụng vụ của cộng đoàn tín hữu. Khi thực hành những việc này, chúng ta sẽ nhận được ơn trợ giúp của Thánh Thần, Đấng trao ban các ơn hiểu biết và khôn ngoan (Cl 1,9). Từ ơn hiểu biết sẽ phát sinh những việc thiện và tình yêu: đây là khởi điểm của sự sống đời đời (c.3), khi mà chúng ta sẽ được nhìn thấy tỏ tường dung nhan Thiên Chúa (1Ga 3,2).
Đức Kitô đã cầu nguyện cho Hội thánh của Người được nên một, nghĩa là được nên dấu chỉ hiệp nhất trong một thế giới bị phân hoá. Tuyên xưng Đức Kitô thì chưa đủ; người ta còn phải thấy được ở giữa họ một Hội thánh duy nhất và hiệp nhất nữa. Chúng ta phải làm cả cái không thể làm, để sự hợp nhất của tất cả các Kitô hữu được thành tựu, như Đức Kitô mong muốn, và bằng những phương cách Người mong muốn.
“Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16). Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian. Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng chúng ta có một thang giá trị riêng. Nếu hi sinh những giá trị đó, chúng ta sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.
Bài đọc 2, tác giả sách Khải Huyền cho chúng ta thấy hình ảnh đoàn người đông đảo từ khắp nơi trên mặt đất tập họp trước ngai Thiên Chúa và Con Chiên. Đó là các vị tử đạo. Họ mặc áo trắng, cầm cành thiên tuế. Cái chết không khuất phục được họ. Chính Đức Kitô là mục tử đưa dẫn họ vào thiên quốc để cho họ hưởng hạnh phúc đời đời.
Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Các tín hữu tử đạo từ khắp nơi được triệu tập để chung hưởng hạnh phúc với Đức Kitô. Hội thánh không bị giới hạn trong một dân tộc, một lãnh thổ. Hội thánh phổ cập của mọi người, khác hẳn với Ítraen. Tay cầm nhành lá thiên tuế. Dấu hiệu chiến thắng. Hình ảnh này gợi lại lễ Lều (x.Lv 23,33-34).
Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Các vị tử đạo đã được thanh tẩy lần thứ nhất bằng máu Đức Kitô, lần này bằng chính máu mình. Nhờ đó, họ nên giống Đức Kitô.
Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy cùng bước theo dấu chân các ngài đã đi.
Vào đầu thế kỷ XVI, khi vị thừa ai đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam, ánh sáng Tin Mừng công bắt đầu lan rộng, Hội thánh Việt Nam được khai sinh từ đấy. Tuy nhiên, như bầu trời có những ngày máy đen giăng mắc… Suốt từ năm 1630-1883, máu các Chứng nhân đạo Tử đã đổ ra để báo vệ đức tin và để làm phát sinh Hội thánh này. Trong những cuộc bắt bớ đời các chúa: Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, các vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Triệu Trị, Tự Đức. Suốt gần 300 năm đó, chưa kể những người can đảm sống đức tin, chịu khó khăn, bị truy lùng, trốn tránh để có thể giữ vững đức tin, có khoảng 130.000 Kitô hữu chứng nhân đã hiên ngang hiến mạng sống để bảo vệ đức tin và để nên hạt giống trổ sinh thêm người có đạo. Gương hi sinh quả cảm của các ngài thật sáng ngời. Qua 3 đời giáo hoàng phong chân phước cho 117 vị và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn bậc Hiển thánh ngày 19.6.1988 …
Gương các thánh tử đạo không chỉ là niềm hãnh diện của chúng ta, mà còn là công ơn mà các tín hữu Việt Nam phải ghi nhớ và đáp đền. Mừng kính các ngài, chúng ta khơi dậy cuộc đời các vị, nhất là các vị đã được tôn phong lên bàn thánh để kính nhớ, ghi nhớ ngày các ngài hiến thân vì đức tin; đồng thời để nhờ các ngài chuyển cầu cùng Chúa cho đạo thánh ngày càng phát triển trên quê hương xứ sở, và cho mọi tín hữu biết noi gương các ngài luôn can đảm trung thành với Chúa.
Các thánh Tử đạo Việt Nam đã hân hoan và vui mừng dùng cái chết để tỏ lòng trung nghĩa với Chúa, đồng thời loan báo cho hậu thế rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ và chỉ có Thiên Chúa là Cha yêu thương quan phòng để những ai tin vào Ngài được hạnh phúc đời đời. Máu các thánh tử đạo tại Việt Nam là nguồn ân sủng cho chúng ta và nhờ đó chúng ta được thăng tiến trong đức tin.
Chúng ta cảm phục vì các ngài đã vượt thắng được mọi khó khăn, chấp nhận mọi gian khổ và từ bỏ mọi sự để tỏ lòng trung kiên trong ơn nghĩa với Chúa, một lòng thờ phượng và kính mến Chúa trên hết mọi sự.
Chúng ta cảm tạ tri ân vì các ngài đã nêu gương sáng cho chúng ta về đức tin, về tinh thần sống đạo và nhất là để lại cho chúng ta nguồn ân sủng làm phát sinh đức tin trong việc mở rộng nước Chúa, làm tăng triển đức tin trong tinh thần sống đạo và hăng say lọa bào Tin mừng của giáo dân Việt Nam.
Chúng ta cảm mến, ngưỡng mộ các ngài để nhờ đó chúng ta kiên trì trong đức tin, vững bền trong đức cậy, bền đỗ trong đức mến ở mọi thời đại, mọi nơi và trong mọi việc./.