Suy niệm
Sau khi bắt Chúa Giê-su, quân lính giải Ngài đến Thượng tế Cai–pha. Sau đó giải Ngài đến Phi-la-tô. Đoạn Tin Mừng này nói về việc Chúa Giê-su bị tổng trấn Phi-la-tô tra khảo về vương quyền của Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc quan tổng trấn Phi-la-tô tra khảo Chúa Giê-su về vương quyền của Ngài.
“Phi-la-tô hỏi Chúa Giê-su : “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Muốn buộc Chúa Giê-su vào án tử hình, người Do Thái phải mượn lý do chính trị để truy tố. Vì thế, người Do Thái đã nộp Chúa Giê-su cho quan tổng trấn Phi-la-tô.
Phi-la-tô tra khảo Chúa Giê-su vì dân Do Thái đã tố cáo Chúa Giê-su về tội phản động vì Người tự xưng là Vua dân Do Thái.
Phi-la-tô tra khảo Chúa Giê-su vì một đàng dân tố cáo thì ông phải xét, đàng khác ông muốn tìm đến sự thật vì lời tố cáo của dân Do Thái chưa đủ lẽ để kết án tử Chúa Giê-su.
“Nước tôi không thuộc về thế gian này…” Thừa dịp tốt này, Chúa Giê-su đã tuyên bố công khai về vương quyền của Ngài: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Lời tuyên bố này cho thấy vương quốc của Chúa Giê-su không thuộc về hạ giới, nó không đặt trên sức mạnh hay bạo lực, không dựa trên quyền lực thế trần nào, bằng chứng là người không dùng bạo lực của trần thế để giải thoát, nhưng vương quốc của Người từ trên xuống, nghĩa là từ Thiên Chúa.
Đồng thời cũng có nghĩa: vương quốc của Chúa Giê-su vốn tính vĩnh cửu, không tồn tại trong thế giới chóng qua này, nhưng trong thế giới cánh chung bên Thiên Chúa. Vì thế, để chiếm hữu vương quốc ấy, Chúa Giê-su cần phải từ giã thế gian hiện tại này để đi vào thế giới cánh chung, phải qua khỏi thế gian này để về cùng Cha (Ga 13,1) và như thế, phải được giương cao khỏi đất. Chính nhờ việc chịu chết trên thập giámà Chúa Giê-su chiếm hữu được vương quốc của Người.
Chúa Giê-su là Vua, là Chúa, nhưng Người chấp nhận thân phận bị oan trước toà án người đời để làm chứng cho đời. Chúng ta noi gương Chúa, biết chấp nhận thân phận bị oan trước sự xét đoán của người đời để có dịp làm chứng cho đời về tinh thần của Chúa.
Để làm chứng cho vương quốc thiêng liêng, Chúa Giê-su đã không dựa vào bạo lực của trần thế, nhưng cậy dựa vào sức mạnh của chân lý, là thực tại thần linh của Ngài. Noi gương Chúa Giê-su, muốn làm chứng cho Chúa, chúng ta đừng cậy dựa vào sức mạnh của trần thế, nhưng cậy dựa vào sức mạnh tinh thần là ơn Chúa ban bằng sự cầu nguyện, hy sinh và các việc lành cũng như bằng sự hiện diện làm chứng tá cho Nước Chúa.
Khi quân đội Nga tiến vào thủ đô Budapest nước Hungari để trấn áp một cuộc bạo động, có một viên sĩ quan trẻ hung hăng trong tư thế một kẻ chiến thắng, đã tìm đến nhà một vị mục sư.
Bước vào phòng, đóng sập cửa lại, anh ta chỉ lên cây Thánh Giá treo trên tường và bảo ông mục sư: “Này, ông có biết không, cái đó là một sự dối trá, mê hoặc dân nghèo để bọn người giàu có thể kìm hãm họ trong sự ngu dốt. Bây giờ chỉ có ông và tôi, ông hãy thú nhận là không hề tin cái ông Giêsu nào đó là Con của Thiên Chúa…”
Vị mục sư điềm tĩnh nhỏ nhẹ trả lời : “Không thể được, tôi thực sự tin vào Người”
Viên sĩ quan rút súng ra và bảo: “Ông đừng có đùa với tôi ! Nếu ông không khẳng định đó là sự dối trá, tôi sẽ nổ súng giết ông ngay !”
Vị mục sư đứng thẳng người, nhìn sâu vào đôi mắt anh ta và dõng dạc trả lời: “Tôi không thể nói khác được. Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa !”
Thật không ngờ, nghe đến đây, viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống nền nhà, chạy lại ôm chầm lấy vị mục sư. Anh vừa khóc vừa nói: “Xin lỗi ông, tôi chỉ muốn thử xem ông có trung thực hay không ! Đúng thế, tôi cũng đã âm thầm lăng lẽ tin trong suốt nhiều năm qua như ông đã tin! Nhưng giờ đây, tôi khám phá ra rằng: có ít nhất một người dám chết cho Đức tin của mình, chính ông, ông đã củng cố Đức tin cho tôi !”
Bài học áp dụng
Người tín hữu Chúa hãy luôn biết làm chứng cho sự thật dù bị hiểu lầm, chống đối.
Ý tưởng đẹp :
Người mục tử nhân lành luôn sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên.