Tin tức - Hoạt động

Chuyện trồng đào ở Vân Đồn

Cập nhật lúc 14:22 05/02/2020


Kế sinh nhai lâu dài...


Như lời hẹn trước, chúng tôi có mặt tại UBND xã Hạ Long - địa phương được biết đến là có số lượng hộ gia đình cũng như quy mô phát triển nghề trồng đào lớn nhất huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Đón chúng tôi, ông Hoàng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã chia sẻ: “Hôm nay, vừa mưa, vừa rét các nhà báo mà đi tác nghiệp thế này chắc vất vả lắm. Nhưng thôi, đã đến đây rồi, nhất định phải đi thăm đào đấy nhé. Đào Hạ Long bây giờ là nhất đấy”. Nói rồi, chúng tôi mỗi người trên một chiếc xe máy bắt đầu hành trình trên con đường nhựa thẳng tắp từ trung tâm xã đến các thôn lân cận. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: Nhờ có con đường và cây cầu được đầu tư nâng cấp thế này mà bây giờ người trồng đào bớt vất vả hơn xưa rất nhiều. Không cần phải chở đào ra tận Cửa Ông để bán nữa. Bây giờ, ngồi nhà chờ khách đến thôi…

Hoá ra, nghề trồng đào ở Vân Đồn cũng không phải xa xôi gì lắm, cũng chỉ chừng vài ba chục năm trước khi một số hộ gia đình di dân ra huyện đảo Vân Đồn sinh sống tại nhiều khu vực người Hoa kiều đã từng sinh nhai. Ở đây vẫn còn nguyên những gốc đào mà người Hoa kiều trồng để lấy quả. Ban đầu, vì tiếc, nhiều hộ gia đình vẫn để đào như vậy. Sau này, dần dà trồng hoa đào là để phục vụ thú chơi ngày Tết. Rồi khi nhu cầu chơi hoa của người dân bắt đầu tăng cũng là lúc người trồng đào thấy được giá trị kinh tế của cây đào. Cũng theo ông Hoàng Văn Quang, chừng 15 năm trở lại đây, người trồng đào bắt đầu tập trung nhiều hơn cho nghề, và nghề trồng đào ở xã bắt đầu đi theo hướng thương mại một cách rõ rệt hơn. Được biết, ở xã Hạ Long bây giờ số lượng hộ trồng đào có diện tích trên 100m2 có trên dưới 70 hộ. Trong đó, một số hộ đã phát triển tới 800-1.000m2 trồng đào. Ở vùng đất này, từ lâu, nghề trồng đào đã trở thành kế sinh nhai chính của nhiều hộ. Ước tính trung bình mỗi năm, tổng thu nhập của các hộ dân trồng đào của xã ngót ghét cả tỷ đồng. Hộ ít thì vài chục triệu/năm, hộ nhiều thì cũng đến cả vài trăm triệu.

Biết là vậy, nhưng khi tận mắt đi thăm vườn đào của gia đình anh Hoàng Văn Thành ở thôn 5, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô trồng đào của gia đình. Trên diện tích khoảng gần 1.000m2 là hơn 1.000 gốc đào được trồng thẳng tắp. Trên những thân đào khẳng khiu, đã thấy chi chít nụ hoa lấp ló, cũng đã thấy cả những bông đào phai phơn phớt đẹp đẽ khoe sắc… Anh Thành vui vẻ “khoe” với chúng tôi: “Ở Hạ Long có lẽ gia đình tôi là một trong những hộ đến với nghề trồng đào sớm nhất. Đến nay, gia đình đã theo đuổi nghề được gần 30 năm rồi. Ban đầu cũng chỉ trồng chơi, sau này thì là kế sinh nhai thật sự. Mỗi năm gia đình bán khoảng 50-60 gốc đào. Trung bình mỗi cây đào trong vườn có giá khoảng 3 triệu đồng. Đến nay, trồng đào đã là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Nhờ nó, cuộc sống gia đình đã sung túc, đủ đầy hơn xưa rất nhiều. Năm nay, chúng tôi đã xây được một ngôi nhà mới khang trang hơn”.

Trồng đào cũng lắm công phu

Xã Hạ Long được coi là địa bàn có chất đất và khí hậu tương đối phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây đào. Thế nên thoạt nhìn, cứ nghĩ nghề trồng đào ở đây thật dễ dàng, trồng lên là cây sống và cho ra hoa đúng dịp. Hoá ra không phải vậy, để có mỗi cây đào trưng trong ngày Tết, quả thật tốn rất nhiều công sức. Ngay cả những hộ trồng đào có tiếng là lâu năm cũng không dám “nói mạnh”. Cũng đã “vào nghề” được hơn chục năm, nhưng anh Bùi Văn Tuân ở thôn 4 vẫn cho rằng mình mới chỉ trong công đoạn “mò mẫm, học hỏi kinh nghiệm”. Anh Tuân cho biết: “Nghề trồng đào là một nghề rất vất vả mà mang lại rủi ro cao, để trồng từ cây con đến khi cho hoa cũng phải mất ít nhất 4-5 năm. Đối với những gốc đào đẹp thì có thể 7-8 năm người trồng đào mới bán. Chăm sóc cho cây cũng là cả một quá trình rất tỉ mỉ, cẩn thận xuyên suốt cả năm. Thông thường, từ tháng 1 âm lịch, sau khi hoa tàn các gia đình thực hiện công đoạn cuốc gốc, cắt tỉa cành; đến tháng 4 thì tạo tán cho cây, muốn tạo tán phải ngắt ngọn liên tục, ép nó phải đâm ra những cành nhánh; tháng 8, tán tập trung bón thúc cho đến khi trút lá; tháng 10 đến đầu tháng 11 là thời điểm kích cho đào ra hoa, mà còn phải dựa vào kinh nghiệm đoán biết thời tiết để hãm sao cho hoa nở đúng dịp Tết. Chỉ cần đào nở sớm, hoặc muộn chừng nửa tháng đến 1 tháng là công sức cả năm trời có thể nói bỏ sông bỏ bể. Nhiều hộ gia đình trồng đào ở xã Hạ Long dù muốn cũng không dám mở rộng diện tích trồng đào cũng vì lý do này”.

Ngoài kế sinh nhai, trồng đào còn là cái “duyên” đối với rất nhiều hộ gia đình ở xã Hạ Long. Chuyến hành trình ngắn ngủi của chúng tôi, may mắn còn được gặp gia đình ông Lê Văn Kha ở thôn 4. Ông bà Kha năm nay đều đã ở tuổi ngoài 70 nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn. Trong căn nhà khá mộc mạc của ông bà, bên chén trà nóng, nghe ông Kha kể chuyện trồng đào có lẽ là một ấn tượng khó quên với chúng tôi. Ông Kha cho biết: “Cũng có năm đào ra đúng dịp Tết, gia đình thu được khoảng vài chục triệu đồng, nhưng có năm ông trời “khó ở”, thời tiết thất thường, cả năm chăm bón cũng chỉ được chừng dăm bẩy triệu”. Vậy nên, với ông nghề trồng đào không hẳn là kế sinh nhai mà dường như là thú vui của hai vợ chồng già. Mỗi gốc đào đều được ông bà chăm sóc tỉ mỉ. Nghề này vất vả, đòi hỏi thời gian và sự cần mẫn, nhưng đều chứa đựng niềm vui riêng. Cứ nhìn thấy hoa đào nở là cảm giác đoàn viên, sum vầy con cháu lại ùa về. Có lẽ vì vậy, hơn chục năm có lẻ, ông Kha vẫn “trung thành” với hơn 50 chục gốc đào như thế này. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp một tấm ảnh chăm sóc đào, ông Kha cười tươi nhất định kéo vợ chụp chung một tấm. Hình ảnh đôi vợ chồng già bên gốc cây đào lâu năm chính tay mình chăm sóc, vun trồng khiến cho chúng tôi ai nấy đều cảm động. Có lẽ, thật sự đối với họ, những gốc đào còn quý giá hơn rất nhiều những giá trị kinh tế mà nó mang lại...

Rời những vườn đào, trong chúng tôi vẫn còn hồi tưởng lại nhiều câu chuyện mà người trồng đào ở đây đã kể lại. Có cả niềm vui, nỗi lo lắng, thấp thỏm… Vẫn biết, ở Quảng Ninh, không hiếm những địa phương phát triển nghề trồng đào, nhưng có lẽ đến bây giờ, nổi tiếng nhất vẫn là thương hiệu đào Vân Đồn. Tuy nhiên, thương hiệu “đào Vân Đồn” vẫn chưa đủ sức vươn xa ra các tỉnh lân cận. Việc xây dựng thương hiệu “đào Vân Đồn” cần được chú trọng từ xã Hạ Long.
 
Vân Du
Thông tin khác:
Giới trẻ với tôn giáo và tính hiện đại (05/02/2020)
Đức Thánh Cha cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến (04/02/2020)
Thiêng liêng thời khắc giao thừa (03/02/2020)
Người Công giáo và những tập tục ngày Tết (03/02/2020)
Ngày xuân nói chuyện thưởng trà của người Việt (03/02/2020)
Xuân Tây Nguyên (03/02/2020)
Nhớ những Tết xưa (03/02/2020)
Tiếng chuông thánh đường trong nếp sống xóm đạo ngày xưa (03/02/2020)
Sứ vụ mục tử đáng nhớ của Giáo hội Công giáo Việt Nam (30/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log