Tin tức - Hoạt động

Ôi! Những phế tích

Cập nhật lúc 14:21 11/05/2021
Toàn bộ tu viện Tả Phìn chỉ còn lại một tòa nhà đổ nát, xung quanh là các vườn cây
Toàn bộ tu viện Tả Phìn chỉ còn lại một tòa nhà đổ nát, xung quanh là các vườn cây

Theo dòng thời gian cùng với đà phát triển văn minh xã hội, những cơ sở vật chất, nhà cửa dinh thự cao tầng được xây dựng bề thế, nhưng trên con đường xuyên Việt, chúng ta không khỏi bùi ngùi khi thấy rải rác đó đây các Thành Quách cũng như nhiều di tích một thời nổi danh, trải qua năm tháng trơ gan cùng tuế nguyệt, nay đổ nát hoang tàn, đem lại cho du khách bao thương cảm, như những dòng thơ của Bà Huyện Thanh Quan để lại cho hậu thế:
“Tạo Hóa gây chi cuộc hí trường!
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương,
Lối xưa, ngựa cũ, hồn thu thảo,
Nền cũ, lâu đài, bóng tịch dương.”.
Cách nay không lâu, vào tháng 9/2020 trong cuộc tọa đàm khoa học: “Phát huy giá trị phế tích tại vườn Quốc Gia Ba Vì”, các vị diễn giải chuyên môn khảo cổ đã đánh giá cao và khuyến khích mọi người hãy quan tâm và gìn giữ các phế tích, vì đó không phải là những vật hoàn toàn bỏ đi.
Để hưởng ứng sự kiện trên, nay theo chân các nhà thám hiểm, chúng ta cùng đến thăm viếng và tìm hiểu đôi nét về một số phế tích còn sót lại trên ba miền Bắc, Trung, Nam. 
1- Lâu nay khi du khách lên vùng thượng du Sa Pa đều được giới thiệu đến viếng cảnh Đan viện Tả Phìn, xây dựng từ năm 1941 do 12 nữ tu dòng Xitô bị trục xuất từ Nhật Bản, được Đức Giám mục Gustave Georges Vandaele Vạn (1874 - 1943) Giáo phận Hưng Hóa xin cho được đến đây rao giảng Tin Mừng. Bước đầu, cơ sở vật chất tồi tàn, sự sinh hoạt rất khó khăn, Tu viện phải trồng trọt hoa màu và nuôi gia súc nên ngày một phát triển, cung cấp lương thực cho cả vùng. Ngày 8/12/1942, Đan viện Tả Phìn được khởi công với danh xưng Đức Nữ Đồng Trinh, theo thiết kế thực hiện bằng đá, gạch liên kết với vữa xi măng. Tường khá dầy, cửa sổ hình bán nguyệt theo kiến trúc Roma. Đây là cơ sở khá lớn, gồm một nhà chính 5 gian, cao 2 tầng trên mặt đất và 1 tầng hầm cùng hành lang đưa đến các nhà kho, bếp, bể nước. Dự trù có khả năng cho 100 tu sinh ăn học cầu nguyện. Nhưng không được bao lâu, vào năm 1947 do tình hình chiến tranh, không bảo đảm an ninh, các nữ đan sĩ được linh mục Phêrô Doãn Quang Ngọc đưa về sinh sống tại Giáo xứ Chiêu Ưng ở Thanh Ba, Phú Thọ. Qua thời gian, các nữ tu lần lượt qua đời và an táng tại xứ đạo, không trở về được, khiến cơ sở Tả Phìn ngày một hoang phế. 
Hiện nay, toàn cảnh tu viện: Nhà không còn mái che, trơ trọi trong khu đất rộng, giữa những lùm cây cao quá đầu người bao trùm. Những bức tường, khung thành đổ vỡ nham nhở, duy phía dưới chân tầng hầm tòa nhà vẫn còn hòn đá góc tường khắc dòng chữ: “Viên đá này được Đức Cha Gustave Vandaele làm phép và được ngài toàn quyền Jean Decoux đặt năm 1942.”. Điểm qua sự kiện trên, cũng đủ cho ta thấy sự quy mô và tầm vóc kiến trúc công trình đã bị phá hủy vì chiến tranh và hoang tàn bởi mưa sa bão táp. Thật đáng tiếc thay.
2- Đà Lạt thành phố du lịch lâu nay nổi tiếng là nơi có khí hậu mát mẻ, được nhiều du khách từ phương xa đến tham quan, với những nhà cửa dinh thự xây cất theo nét kiến trúc của Pháp, ẩn mình dưới rừng thông vi vu trong gió. Cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, Tu viện Dòng Phanxicô được nhiều người khám phá ra là một kiến trúc đẹp và lạ mắt. Nhưng trải qua bao năm tháng đã bị bỏ hoang. Xung quanh khuôn viên cỏ cây mọc um tùm, vết tích xưa cũ hằn lên những bức tường rêu phong, bao phủ nét đẹp cổ kính của mái vòm theo phong cách phương đông. Các cửa ra vào và cửa sổ đều có họa tiết hoa văn. Xung quanh tường nhà được ốp bằng đá vỉa hình chữ nhật. Toàn bộ khung cảnh khu Tu viện nay hoang vắng trơ trọi. Duy nhất còn sót lại bức tượng Đức Mẹ Maria gắn lưng chừng trên góc tường trong nhà thờ, như để gìn giữ cơ sở trong suốt thời gian qua không người coi sóc, bỏ hoang phế chăng?!.
3- Tỉnh Khánh Hòa, có bờ biển Nha Trang được xếp vào hạng đẹp trên thế giới, còn có hải cảng Cam Ranh nổi tiếng. Trong khu vực này, vào năm 1934, Đan viện Citeaux Mỹ Ca được xây dựng, có ngôi nhà thờ cùng kiến trúc, niên đại với ngôi nhà thờ Núi Nha Trang. Quần thể kiến trúc đồ sộ và cổ kính theo mô hình của Pháp gồm có Nhà Nguyện, một tòa nhà 2 tầng bề thế và 2 căn nhà phụ nằm ở phía sau. Cùng với vườn tược canh tác của một dòng tu kín danh xưng Citeaux sinh sống và tu hành. Trước đây, khu vực này hẻo lánh, xung quanh chỉ có một số ít dân chài ở xa xa, vì Đan viện này chỉ dành cho nam giới và là một dòng kín, nên nữ giới cấm tuyệt đối không được bén mảng đến nơi đây. Phương tiện giao thông đến Tu viện, người dân chỉ có thể đi bằng thuyền.
Sau này khu vực Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự nhằm kiểm soát cả vùng Đông Nam Á và Biển Đông, nên dân chúng phải di dời chỗ ở. Nhà Dòng vào năm 1977 cũng ra đi, bỏ lại các cơ sở trong cảnh hoàng tàn, không người trông coi. 
Với nhân sự 2 linh mục và 2 tu sĩ còn lại, đành trở về một khu đất, mà trước đây nhà dòng đã mua, xây dựng lại Đan Viện cách đó 30km, tọa lạc tại thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đan viện hiện nay được xây dựng theo phong cách kiến trúc mới, bề thế và nguy nga, bài trí hài hòa sơn thủy hữu tình. Thật là ơn Chúa ban cho Tu viện.
4- Thánh địa Mỹ Sơn, nằm ở huyện Duy Xuyên, cách Đà Nẵng hơn 50 km về phía Nam. Khu di tích này do người Pháp khám phá ra từ những năm cuối thế kỷ XIX, trải rộng trên một diện tích khoảng 2km vuông, lớn bé có tất cả hơn 70 đền tháp, được xậy dựng lần hồi từ thế kỷ thứ IV đến XIV. Đây là một trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các triều đại Chiêm Thành, vốn theo Ấn Độ giáo, và ảnh hưởng đạo Bà La Môn, nên bên trong các đền tháp đều thờ thần Shiva, Linga, Yoni và bò thần Nandin. Những bức tượng linh vật này có lẽ đã xuất hiện cùng thời kỳ với các tượng Phật ở Angkor Campuchia, Borobudur Nam Dương, các tác phẩm quý hóa trên đã được các bảo tàng viện trong nước, kể cả hải ngoại cất giữ, trong đó nhiều nhất đưa về Bảo tàng điêu khắc Chàm ở Đà nẵng trưng bày. Người Chàm còn được gọi là người Hời, sau 1975 gọi là là người Chăm.
Ngày nay đứng trước các ngôi tháp cổ có niên đại trên dưới ngàn năm, nhiều người thắc mắc về kỹ thuật xây dựng, nhất là chất gắn kết các viên gạch lại với nhau, không hề thấy khe hở giữa các viên gạch nung màu đỏ vẫn vững chắc, mặc cho bom đạn chiến tranh, đã tàn phá hơn 90% toàn khu vực, chỉ còn sót lại vài ba đền tháp tương đối còn nguyên vẹn, bên cạnh những mảnh vỡ, đế cột, chân đền tháp sứt mẻ, giữa đồi núi chập chùng, trong cảnh hoang tàn đổ nát như một chứng nhân của thời cuộc. Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hóa Thế Giới từ năm 1999 theo Wikipedia.  
5- Ngoài những phế tích kể trên, hiện nay rải rác nhiều nơi vẫn còn có những dinh thự, đền đài, miếu điện, đền chùa, nhà thờ, thánh thất cổ kính vang bóng một thờ còn sót lại.
 Tại cố đô Huế, không kể một số dinh thự lăng tẩm chính của Nhà Nguyễn được tu bổ để phục vụ du khách ra, còn nhiều kiến trúc xung quanh Hoàng Thành đổ nát. Cách đó không xa, trên đỉnh núi Bạch Mã vẫn còn nhiều biệt thự do người Pháp xây cất để nghỉ mát chưa được phục hồi.
- Vào đến thị xã Hội An, một thương cảng tấp nập buôn bán ngày nào, nay chỉ còn nhà cửa, hội quán xa xưa của cư dân để lại, đôi nơi đang mối mọt gậm nhấm.
- Ghé tới vùng đất Qui Nhơn hay Bình Thuận, cũng như tại Cầu Đá Nha Trang với những ngôi Tháp Chàm đứng trơ trọi trên đỉnh đồi. 
- Qua miền đồng bằng giáp ranh biên giới Việt-Miên-Lào, ít nhiều di tích của nền văn hóa dân cư Khơme và Chăm nằm rải rác.
- Xuống khu vực Hà Tiên, sẽ gặp những hang động, trường thành cũ của Dòng họ Mạc Cửu, cùng các cơ sở tôn giáo còn vết tích lưu lại.
     Vì giới hạn bài báo không thể liệt kê hết được các địa phương có di tích. Nhưng hiện nay, nhìn chung tại nhiều địa phương, vì sự tàn phá của thời gian, mưa sa bão táp, bom đạn chiến tranh, loạn lạc cư dân di dời, nên các nơi này lâu ngày bị bỏ hoang, ít ai quan tâm. Thậm chí bị xâm phạm địa giới, xuống cấp trầm trọng. Nay như một hồi chuông báo động, nếu ta không tìm cách tôn tạo, gìn giữ sẽ làm cho các di tích chứng nhân của thời cuộc lụi tàn theo năm tháng, như lời thơ của Thi sĩ Vũ Đình Liên than thở trải qua một cuộc bể dâu:
“Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?...”.
Trong tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, nay nếu phục hồi, tu bổ lại các phế tích trên, gìn giữ cho thế hệ mai sau thì hay biết mấy!?
Vinh Sơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Tuyên truyền đến tận hộ dân (10/05/2021)
Chung tay xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc (09/05/2021)
Giáo xứ thánh Giuse lao công (07/05/2021)
Tổng tuyển cử đầu tiên (1946) (06/05/2021)
Sáu đan sĩ Xitô tử đạo được phong chân phước (06/05/2021)
Kiên Giang: Các tổ chức tôn giáo tích cực phối hợp bảo vệ môi trường (05/05/2021)
Giáo xứ Việt Nam trên đất nước Mỹ (04/05/2021)
Nhữn dấu chỉ Bí tích (29/04/2021)
Cần xem xét lại kiến nghị tăng giá trần vé máy bay (29/04/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log