Qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng để các chị phát huy nội lực vươn lên làm chủ cuộc sống, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội
Những năm gần đây, chị Châu Thị Nương (người dân tộc Chăm) ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế gia đình khi chị thực hiện có hiệu quả mô hình tận dụng rơm từ sản xuất lúa nông nghiệp để sản xuất nấm mối đen. Mô hình này ngoài việc bảo vệ môi trường, cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng, còn tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ dân tộc Chăm, góp phần nâng cao giá trị, tiếng nói, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội. Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 10 phụ nữ ở nông thôn với mức thu nhập gần 8 triệu đồng/tháng/người.
Tại xóm Chăm- ấp Châu Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu)- đã hình thành Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok, một sản phẩm đặc trưng không thể thiếu khi phụ nữ Chăm dự nghi lễ, tiệc quan trọng. Một chiếc khăn làm trong 2 tuần có giá 950.000 đồng, tiền công và thuê thợ hết 700.000 đồng nên đồng lời không được bao nhiêu. Phụ nữ ở đây làm rất nhiều nghề. Nhờ khéo tay và học qua nhiều lớp, các chị làm việc xoay theo nhu cầu thị trường, hết thêu khăn thì sang móc len, may công nghiệp, buôn bán. Trong đó, có những nghề không thể bỏ được, như việc thêu khăn Maspok. Tập huấn kiến thức kinh doanh cho phụ nữ dân tộc Chăm tại An Giang | |
Những mô hình phụ nữ phát triển kinh tế nói trên là minh chứng sinh động về việc thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939). Từ khi đề án được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến các tầng lớp phụ nữ; trong đó quan tâm đến các thành phần phụ nữ yếu thế, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua 5 năm, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang đã vận động, hỗ trợ 982 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiếp cận tín dụng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó có 2 Hợp tác xã do phụ nữ dân tộc quản lý, điều hành; thành lập các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh, vừa để đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn vùng đồng bào dân tộc như: Tổ phụ nữ làm bánh Cà Tưm của phụ nữ Khmer, Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok của phụ nữ Chăm, Tổ phụ nữ may dân tộc Chăm, Tổ phụ nữ làm bánh dân tộc Chăm … Kết quả, có 80 thành viên trong các tổ đã cải thiện đời sống , thu nhập trung bình 3.000.000 đến 5.000.000đ/tháng/thành viên, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên, phụ nữ.
Bên cạnh đề án 939, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đang tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể là thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phê duyệt và cấp kinh phí để thực hiện, đối tượng thụ hưởng là phụ nữ, trẻ em gái tại 34 khóm/ấp đặc biệt khó khăn thuộc 13 xã/thị trấn thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, An Phú và Thoại Sơn.
Qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng để các chị phát huy nội lực vươn lên làm chủ cuộc sống, qua đó nâng cao vị thế của phụ nữ thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội./
TH
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com