Tin tức - Hoạt động

An sinh xã hội trong đại dịch

Cập nhật lúc 15:03 24/08/2021


Để hạn chế lây lan, hướng tới khoanh vùng dập dịch Covid-19 buộc nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên lần bùng phát trở lại này với biến thể Delta, nên mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn những lần trước, buộc các địa phương phải kéo dài thêm tình trạng giãn cách. Rõ nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là những người lao động nhập cư trụ lại, hay “mắc kẹt” ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều người mất việc, nhưng vẫn phải trả tiền thuê trọ, sinh hoạt, nuôi nấng con cái, nên khó khăn rất chồng chất. Đấy là chưa kể nguy cơ dịch bệnh có thể đến với họ bất cứ lúc nào.

Tình cảnh khó khăn đã khiến nhiều người bỏ về quê, bất chấp giãn cách, họ đi bằng nhiều cách, miễn sao thoát khỏi vùng dịch và trở về quê cũng là tìm lại sự bình an trong gia đình, bên những người thân. Những người ra đi, đã làm những người ở lại những tâm lý băn khoăn, lo ngại cho tình cảnh của mình. Chính phủ đã kêu gọi người dân “ai ở đâu thì ở yên đó”. Đây là một biện pháp cấp bách và rất quan trọng ở thời điểm này. Bởi nếu người dân di chuyển thiếu kiểm soát thì sự lây lan của dịch càng tăng tốc, những hệ lụy sẽ nặng nề hơn ở phạm vi rộng lớn hơn.

Do đó, dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nhưng người dân cũng cần tuân thủ các quy định về di chuyển để phòng chống dịch. Tuy nhiên, để người dân yên tâm ở yên một chỗ thì sự hỗ trợ về những thứ thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày của chính quyền cần kịp thời, sâu sát hơn nhất là thời gian giãn cách đang tiếp tục được kéo dài. Gần đây đã có nhiều ý kiến của chính những người lao động tuân thủ giãn cách của các chính quyền và của Chính phủ ở lại nơi cư trú, nhưng họ rất lo lắng cho đời sống sinh hoạt của họ ngày càng khó khăn, bị bó hẹp. Bởi vậy Chính phủ đã chỉ đạo và quyết tâm cần phải bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong cơn đại dịch. Đây là một sự nỗ lực của chính quyền nhằm chia sẻ những khó khăn với những người gặp khó khăn vì đại dịch.

Nhìn thẳng thực tế, bài toán an sinh xã hội trong đại dịch là vừa là trách nhiệm của các cấp chính quyền vừa là giải pháp quan trọng đẩy lùi dịch bệnh. Ở cấp vĩ mô, Chính phủ đã liên tục có các chính sách hỗ trợ người lao động, người bị ảnh hưởng bởi đại dịch gây ra; các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng để từng người dân không bị bỏ lại phía sau trong dịch bệnh, các cấp chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng. Đây vừa là nơi nắm kỹ các đối tượng dân cư, nắm kỹ được ai là người cần sự hỗ trợ, hỗ trợ những nội dung gì vừa là nơi trực tiếp giải quyết các thủ tục về hỗ trợ. Do đó, từng cấp chính quyền, từng cán bộ lãnh đạo hơn bao giờ hết, cần dành hết tâm sức để đưa các chính sách hỗ trợ đến từng người dân nhanh chóng và hiệu quả. Dù hiện chính quyền nhiều địa phương đang gồng mình chống dịch nhưng thực tế cho thấy ở nhiều nơi vẫn song song phòng chống dịch và đảm bảo tối đa điều kiện sống cho người dân. Sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, của từng cán bộ lãnh đạo sẽ quyết định hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân bị tổn thương nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung trong đại dịch.
 
HẠNH NGUYÊN
Thông tin khác:
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát triển (22/08/2021)
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 8: "Cầu cho Giáo hội được biến đổi dưới ánh sáng của Tin Mừng" (21/08/2021)
Mệnh lệnh của trái tim (20/08/2021)
Kể sao cho hết những câu chuyện ân tình (19/08/2021)
Hạt gạo đại đoàn kết (18/08/2021)
Đổi thay ở khu dân cư Công giáo tự quản bảo vệ môi trường (18/08/2021)
"Tổ chức các bài nghiên cứu chuyên sâu, gắn với thực tiễn công tác Mặt trận..." (17/08/2021)
Đâu khó có Mặt trận (15/08/2021)
Niềm tin về Chính phủ hành động (14/08/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log