Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch COVID-19. |
Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi cả hệ thống chính trị và đồng bào ta ở nước ngoài đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, muôn người như một, đồng lòng ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư nhanh chóng nhận hưởng ứng của toàn dân. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ: “Với tinh thần đoàn kết, triệu người như một, thống nhất ý chí và hành động, siết chặt tay nhau, phát huy trí thông minh, tính sáng tạo, ý chí kiên cường của người Việt Nam, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh”. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi tiếp tục phát huy những hoạt động thiện lành, thiết thực của các tổ chức thành viên và các tổ chức tôn giáo trong phòng chống dịch COVID-19; phát huy tốt cơ sở khám chữa bệnh của các tổ chức tôn giáo trong việc phối hợp với chính quyền Mặt trận Tổ quốc, cơ sở y tế địa phương tham gia các hoạt động phòng chống dịch.
Từ tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng bào, các tổ chức tôn giáo đã nhanh chóng vào cuộc cùng cơ quan chức năng và toàn dân tham gia hỗ trợ phòng chống dịch:
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã viết tâm thư “Thương quá Sài Gòn ơi” mời gọi các tín hữu Công giáo chung tay, chung lòng phòng chống dịch. Tâm thư cũng ca ngợi và khích lệ: Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân vượt qua những sợ hãi, xung phong đến phục vụ tại những tuyến đầu chống dịch.
Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một tổ chức xã hội của người Công giáo cũng đã kêu gọi quý cha, quý sơ và anh chị em Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp tích cực hướng dẫn giáo dân phòng chống dịch bệnh, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp Công giáo, các nhà hảo tâm phát huy truyền thống tương thân tương ái, chung tay chia sẻ, ủng hộ về tinh thần và vật chất, làm vơi bớt những đau thương mất mát, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Một nữ tu dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương bày tỏ: “Mục tiêu của dòng năm nay là “Cộng đoàn chứng nhân”. Đây là cơ hội để tôi cùng nhiều tu sĩ Công giáo tham gia công việc phòng chống COVID-19”.
Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các chùa “cấm túc” phòng dịch bằng ba việc, thực hiện tốt “5K’ và “Chỉ thị 16”, đóng góp vật tư và trang thiêt bị y tế cho thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đối diện với dịch bệnh, tăng cường công tác cứu trợ, từ thiện xã hội, chăm cho những hoàn cảnh yếu thế, khó khăn trong xã hội bị ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều bếp ăn của các chùa và các cơ sở từ thiện tại các góc phố để hỗ trợ dân nghèo, lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch thực sự làm xúc động lòng người và như thêm một điểm nhấn về tinh thần đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống COVID-19.
Các tăng ni, phật tử lên đường làm nhiệm vụ tại các Bệnh viện dã chiến của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV |
Đại đức Thích Minh Phú - trụ trì chùa Tường Nguyên, phường 8, quận 4 cho biết “Hàng ngày chùa nấu tới 2 tấn gạo, 8 tấn rau để làm từ thiện”. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tiếp sức công cuộc phòng chống dịch bệnh bằng việc tổ chức chỗ lưu trú, ăn uống cho trên 1.000 y bác sĩ, giảng viên, sinh viên y khoa từ miền Bắc vào công tác tại thành phố. Hãng xe Taxi Mai Linh cung cấp cho Trung tâm cấp cứu thành phố 200 chiếc xe, kể cả người lái và trang bị trang phục bảo hộ…
Đến nay, tinh thần “Chống dịch như chống giặc” diễn ra quyết liệt trên toàn quốc đã và đang ở thời điểm cao trào. Ý nghĩa biết bao trước hình ảnh trên 300 tình nguyện viên Công giáo, Phật giáo, Tin lành ở thành phố Hồ Chí Minh, sáng 22/7 làm lễ xuất quân tại Hội trường Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, rồi tỏa về các bệnh viện hồi sức điều trị COVID-19. Trên 530 tu sĩ nơi thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tình nguyện phục vụ tại các cơ sở y tế điều trị COVID-19, được kiểm tra sức khỏe và tiêm vắcxin phòng dịch trước khi nhận nhiệm vụ.
Tính đến cuối tháng 7, thành phố đã có hơn 1.000 tăng ni, phật tử tình nguyện phục vụ tại nhiều bệnh viện. Hình ảnh chiếc áo phòng chống dịch bệnh được sử dụng thay cho chiếc áo tu hành dần dần trở nên quen thuộc, sinh động phản ánh sự gắn bó Đạo với Đời, Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
Trước tấm lòng cao quý của đồng bào các tôn giáo trong phòng chống dịch bệnh, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự cảm động, biết ơn và tin tưởng vào sức mạnh của người dân thành phố. Bà mong muốn các tầng lớp nhân dân thành phố, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các tôn giáo tùy theo điều kiện, khả năng tiếp tục đăng ký tham gia phục vụ các bệnh viện, các khu vực cách ly, tăng cường hỗ trợ lực lương y tế, đảm trách những phần việc đầy hiểm nguy nhưng cao cả.
Các tình nguyện viên Công giáo sẽ cùng TP Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: CTV |
Theo đức tin Công giáo, ngay từ khi tạo dựng muôn loài. Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm chăm sóc, trông coi công trình thụ tạo của Người. Vì thế đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ môi trường thiên nhiên, loại trừ những yếu tố gây bệnh, không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nhiệm vụ cao cả. Đức Phật dạy: Con người phải chuyên tâm giữ gìn tốt môi trường, chống bệnh tật, đồng thời năng làm từ thiện bằng cả ba hình thức “Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí” (cung cấp vật chất, tuyên truyền pháp luật, động viên tinh thần). Chính vậy mà khi nhận được thông tin cần thực hiện “5K” và “Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào Công giáo, Phật giáo đã tự giác thực hiện nghiêm, cùng nhân dân cả nước phòng ngừa COVID-19. Khi Quỹ Vắcxin COVID-19 thành lập, tín đồ các tôn giáo khắp 63 tỉnh thành và ở hải ngoại đã chung tay đóng góp. Những buổi lễ “xuất quân” lên đường chống dịch gợi nhớ khí thế Nam tiến hào hùng lên đường vào Nam chống Mỹ cứu nước. Những hình ảnh chiếc áo phòng chống dịch bệnh được sử dụng thay cho chiếc áo tu hành để làm nhiệm vụ phòng chống COVID-19 quả là hình ảnh đẹp về sự gắn bó Đạo và Đời trong tinh thần đoàn kết dân tộc và quyết tâm hành động mau lẹ “Chống dịch như chống giặc”, “Kể sao cho hết những câu chuyện ân tình”!