Bằng cái nhìn cặn kẽ và thấu đáo của một nhà nghiên cứu tôn giáo, trước thềm năm mới - Xuân Đinh Dậu 2017, GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã dành cho phóng viên báo Người Công giáo Việt Nam cuộc trò chuyện xung quanh Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, với 84,58% ý kiến đại biểu tán thành, ngày 18/11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Giáo sư có thể cho độc giả báo Người Công giáo Việt Nam hiểu ý nghĩa quan trọng của luật này?
Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng (GS.TS ĐQH): Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…
Về mặt tiến bộ, cơ chế “xin - cho” trước đây được thay thế bằng hình thức đăng ký thông báo khi luật được đưa vào thực tiễn. Song song với đó, việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng, thuận lợi hơn. Luật có chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hội nhập xã hội cả quốc nội và quốc tế.
Lần đầu tiên luật pháp của nước ta ở văn bản cao nhất thể chế hóa khá đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, “tiệm cận” với các Công ước quốc tế.
PV: Việc Quốc hội thông qua luật có ý nghĩa đặc biệt về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể nói nhận thức về tôn giáo ở nước ta đã có “sự thay đổi ngoạn mục”?
GS.TS ĐQH: Đúng là từ sau Nghị quyết 24/NQ -TW (10-1990 của Bộ Chính trị), nhận thức về tôn giáo ở nước ta đã có “sự thay đổi ngoạn mục”, có nhiều điểm đột phá.
Một điều quan trọng mà tôi gọi là “sự tái cấu hình tôn giáo”, là việc Nhà nước công nhận 14 tôn giáo và hàng chục tổ chức tôn giáo. Tôn giáo ở nước ta đã thay đổi lớn về phương diện thể chế pháp lý (trước năm 2005, chỉ bao gồm 6 tôn giáo chính được công nhận).
Bên cạnh đó, loại hình “tôn giáo xã hội” được khuyến khích tham gia vào nhiều lĩnh vực như: giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, y tế, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, rõ ràng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo dấn thân vào các lĩnh vực bị “cấm kỵ” trước đây.
Qua thăm dò ý kiến, một số vị giáo phẩm bày tỏ niềm tin, luật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi luật này nằm trong lộ trình tất yếu của quá trình đổi mới, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp quyền ở nước ta.
PV: Để Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta cần phải làm gì nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng đất nước hiện nay?
GS.TS ĐQH: Tôi nghĩ, trước hết chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền luật. Cần có ngay các văn bản dưới luật để hướng dẫn luật, chứ không để luật là chiếc “hộp đen” buộc người đọc phải tự “giải mã”. Có như vậy mới đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đời sống tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.
Trong quá trình triển khai luật, khi phát hiện những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội và chính của mỗi tôn giáo, tổ chức tôn giáo.
Thứ đến, đời sống tâm linh của đồng bào các tôn giáo hiện nay rất đa dạng, đa nguyên, có khả năng chấp nhận nhiều hệ luận đức tin pha trộn. Chính vì vậy, để áp dụng luật vào trong đời sống thực sự hiệu quả, các cơ quan thực thi pháp luật cần có biện pháp linh hoạt trước những vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể.
Sự đa dạng tôn giáo ở nước ta còn được biểu hiện rõ ràng trong đời sống thực hành tôn giáo. Một tín đồ của một tôn giáo có thể tham gia nhiều sinh hoạt tôn giáo khác nhau. Trong số những người theo tôn giáo được coi là độc thần: Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... có không ít người còn tham gia và sinh hoạt tôn giáo khác ở chùa, đền, các lễ hội tôn giáo. Họ tin tưởng rằng, ngoài Chúa của họ thì các lực lượng siêu nhiên khác cũng sẽ mang lại cho mình những điều tốt lành. Sự đan xen, lồng ghép tôn giáo, trong giáo lý, trong tâm thức và thực hành tôn giáo xuất phát từ nhận thức “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Như vậy, có thể thấy xu hướng đa dạng tôn giáo hiện nay ở nước ta là xu thế có tính nổi trội. Một mặt, do không gian xã hội được mở rộng, sự tiếp xúc văn hoá trong đó có tôn giáo ngày càng gia tăng. Mặt khác, sự đa dạng tôn giáo có ngay ở trong yếu tố lịch sử văn hoá của dân tộc. Từ đó khẳng định việc cần thiết phải nghiên cứu về mặt lý luận cũng như thực tiễn vấn đề tôn giáo hiện nay, góp phần hoàn thiện chính sách ứng xử và quản lý tôn giáo của Nhà nước ta.
PV: Thời gian qua, Hội đồng tư vấn Tôn giáo đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, phản biện xã hội những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Nhân dịp này, Giáo sư có thể nói rõ thêm một vài kết quả nổi bật, cụ thể trong năm vừa qua?
GS.TS ĐQH: Năm 2016, Hội đồng đã tư vấn đã tổ chức 4 cuộc họp trao đổi về các chủ đề khác nhau theo sự tiến triển của các bản dự thảo để tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong quá trình soạn thảo luật. Nhiều ý kiến tư vấn có giá trị, giúp cho Đoàn Chủ tịch phản biện đối với dự thảo luật. Nhiều thành viên trong Hội đồng tư vấn được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mời tham gia với tư cách là chuyên gia độc lập, hỗ trợ về mặt chuyên môn trong suốt quá trình thẩm định và hoàn chỉnh luật.
Ngoài ra, Hội đồng còn đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, giúp sức vào sự hoàn thiện một số chính sách, pháp luật nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo trong các lĩnh vực y tế, bảo trợ xã hội, dạy nghề; tư vấn tham gia phản biện các dự thảo chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…
PV: Là Hội đồng thường xuyên đảm nhiệm nhiệm vụ tư vấn cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, vậy trong năm mới 2017, Hội đồng có những ưu tiên gì, thưa Giáo sư?
GS.TS ĐQH: Năm 2017, Hội đồng tiếp tục tư vấn cho Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong các khâu tổ chức, triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đóng góp ý kiến để sớm có Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tư vấn cho Ban Thường trực tham gia phối hợp, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp và một số tổ chức tôn giáo, tổ chức tốt Đại hội nhiệm kỳ; tư vấn về việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khảo sát để tư vấn về hoạt động tham gia khám chữa bệnh của các tôn giáo cho người nghèo, người tàn tật, bệnh nhân phong; hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề của các tôn giáo và các hoạt động nhân đạo, từ thiện…
PV: Là người hoạt động trong guồng máy rộng lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo sư nhìn nhận và đánh giá như thế nào về quan hệ giữa Nhà nước với Giáo hội Công giáo Việt Nam trong những năm gần đây?
GS.TS ĐQH: Quan hệ giữa Nhà nước với Giáo hội Công giáo ngày càng được cải thiện, thông qua việc ngày càng hoàn thiện hệ thống luật pháp về tôn giáo (đặc biệt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016). Luật đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi về hoạt động tôn giáo trong đó có Công giáo. Chính Công giáo cũng như các tôn giáo khác đang thực sự trở thành “tôn giáo xã hội”, có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội trần thế tốt đẹp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư
Nguyễn Văn Thuyên
(thực hiện)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com