Ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu giờ là điểm tham quan. Ảnh: Đỗ Linh |
Công tử Bạc Liêu là cụm từ dân gian ở miền Nam đặt ra để chỉ các công tử, con của những gia đình giàu có sống ở tỉnh Bạc Liêu, trong thời kỳ xã hội Việt Nam thuộc Pháp, vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất Nam Kỳ. Khi ấy, các đại điền chủ, hào phú thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Hầu hết các vị công tử sẵn tiền bị hấp dẫn trước cảnh phồn hoa đô hội, thường đi vào con đường ăn chơi để thể hiện mình. “Công tử Bạc Liêu” trở thành một thành ngữ để chỉ về họ. Nổi bật nhất trong số họ có Trần Trịnh Huy, Phan Kim Cân con trai và con rể của quan Hội đồng Trần Trinh Trạch và bà Phan Thị Muồi thuộc gia đình có đất ruộng nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu, được mệnh danh là “Vua lúa gạo Nam Kỳ”, tiếp đên là những công tử Bạc Liêu khác như Phương Đình Trung, Trần Trinh Khương, Huỳnh Văn Phước, và công tử Mỹ Tho Lê Công Phước. Theo nhận định của tác giả Huỳnh Minh trong sách “Bạc Liêu xưa và nay” thì “trong nhóm công tử Bạc Liêu ai cũng đáng chê, chỉ có Phan Kim Cân là người đáng khen”.
Công tử Phan Kim Cân là người trọng nghĩa khinh tài, ai khó khăn, hoạn nạn, đều ra tay giúp đỡ, cưu mang, chăm sóc. Đặc biệt, từ năm 1936, ông đã có cảm tình với cách mạng và hoạt động trong một đoàn thể do Việt Minh vận động thành lập, sau đó chính thức tham gia Việt Minh. Năm 1945, khi Bạc Liêu bị quân Pháp chiếm đóng, ông rũ bỏ cuộc sống trưởng giả, vàng son để đi theo cách mạng và trở thành Ủy viên Tài chánh Ngân khố tỉnh Bạc Liêu thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1954, khi lực lượng cách mạng xuống tàu tập kết ra Bắc, ông tiễn con trai mình là Phan Kim Sơn đi theo. Những năm 1960, ông là đại biểu Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam khu Tây Nam Bộ. Ông là người duy nhất trong nhóm công tử Bạc Liêu tự nguyện rời bỏ cuộc sống giàu sang để dấn thân tham gia cách mạng và cuối đời ông đã có được vị thế xứng đáng, trong khi những người khác trong nhóm thì quen tiêu xài hoang phí để rồi cuối đời bị tán gia bại sản.