Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Phạm Thị Hân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Hiền Chi |
Thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, đồng bào Công giáo ở tỉnh Quảng Bình đã tích cực đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia các hoạt động từ thiện bác ái, góp phần xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Quảng Bình cho biết: “Phong trào phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng được bà con giáo dân các xứ, họ đạo nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả...”.
Trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, có hàng trăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của đồng bào Công giáo, đưa lại nguồn thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động trong vùng, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tiêu biểu như gia đình giáo dân Nguyễn Ngọc Cảnh ở giáo xứ Tân Mỹ (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn) đã mạnh dạn đầu tư gần 20 tỷ đồng đóng mới 3 tàu đánh cá có công suất lớn đủ điều kiện vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt hải sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tạo việc làm thường xuyên cho 34 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Cũng ở giáo xứ Tân Mỹ, gia đình giáo dân Nguyễn Thanh Trịnh đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để đóng mới tàu đánh cá có công suất 863 CV hiện đại đủ sức vươn khơi bám biển dài ngày, hằng năm đưa lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tổ hợp ươm ghép ghép giống cây lâm nghiệp của gia đình giáo dân Trần Văn Bường, ở giáo xứ Chợ Sàng (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch) vởi tổng diện tích đất sản xuất trên 15.000m2, hằng năm cho thu lãi gần 250 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng và tạo thêm việc làm cho 20 lao động thời vụ.
Gia đình giáo dân Hoàng Xuân Thái, giáo xứ Hà Lời (thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Nuôi trồng thủy sản thu hút 420 hội viên tham gia thả nuôi 630 lồng cá trắm và cá chình phục vụ nhu cầu của khách du lịch, đưa lại thu nhập bình quân mỗi gia đình hội viên đạt trên 250 triệu đồng/năm.
Từ một hộ nghèo, chồng lại bị tàn tật, gia đình giáo dân Nguyễn Thị Nguyện, ở giáo xứ Troóc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 800 gốc tiêu, thả nuôi 60 con lợn thịt và 600 con gà, đến nay đã thực sự thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khá giả.
Kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt được nâng lên, thời gian qua, bà con giáo dân ở các giáo xứ, giáo họ đã có thêm điều kiện để đóng góp công sức, tiền của tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tiêu biểu phải kể đến bà con giáo dân Giáo họ Thanh Hải (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) đã đóng góp gần 2 tỷ đồng để tham gia xây dựng và hoàn thiện các tuyến đường bê tông liên thôn ở trên địa bàn. Các hộ gia đình giáo dân giáo xứ Gia Hưng (xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch) đã đóng góp 120 triệu đồng tham gia xây dựng cầu bê tông liên thôn. Từ nguồn của cá nhân huy động được, linh mục Võ Minh Danh, quản nhiệm giáo họ Bàu Sen (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) đã tham gia đóng góp gần 700 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn Thanh Sen 2. Gia đình giáo dân Hoàng Công Sự, ở giáo xứ Giáp Tam (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn) đã đóng góp 600 triệu đồng tham gia xây dựng nhà văn hóa thôn, đồng thời vận động từ các nguồn 220 triệu đồng tham gia đóng góp bê tông hóa các tuyến đường lên thôn trong xã.
Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa đồng bào Công giáo với đồng bào không có tôn giáo, giữa đồng bào trên địa bàn với nhau ngày càng được phát huy, biểu hiện rõ nhất là mỗi lần nhân dân tỉnh nhà bị thiên tai, bão lũ tàn phá nặng nề. Mới đây nhất là vào lúc đêm khuya 19/10/2020 khi cơn lũ lịch sử đang cuồn cuộn dâng cao nhấn chìm nhiều làng mạc, xóm thôn trong tỉnh, nhiều vị trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, nhiều linh mục và bà con giáo dân ở các giáo họ, giáo xứ đã có các hành động và nghĩa cử hết sức nhân ái và cao đẹp đó là kịp thời huy động thanh niên trong các hội đoàn phối hợp với các lực lượng sơ tán được nhiều hộ gia đình đến nơi an toàn, cũng như tham gia cứu trợ, tặng quà giúp người dân khắc phục khó khăn, vượt qua hoạn nạn, sớm ổn định đời sống. Điển hình như linh mục Nguyễn Bình Yên, quản Giáo xứ Trừng Hải (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch); Linh mục Võ Minh Danh, quản nhiệm giáo họ Bàu Sen (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch); Linh mục Nguyễn Minh Sáng, quản xứ Phù Kinh (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch); Linh mục Phạm Quang Long, quản nhiệm giáo họ Na (thị trấn phong Nha, huyện Bố Trạch); Linh mục Trần Văn Thành, quản xứ Tam Tòa (thành phố Đồng Hới),...
Hưởng ứng các chủ trương, chương trình hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; các giáo xứ, giáo họ ở tỉnh Quảng Bình đã hưởng ứng tích cực. Các mô hình ở giáo xứ Trừng Hải, giáo xứ Hướng Phương (huyện Quảng Trạch); Giáo xứ Hòa Ninh, giáo họ Thông Thống, Đồng Đưng (thị xã Ba Đồn); giáo họ Minh Tiến, giáo xứ Minh Cầm (huyện Tuyên Hóa),...đã phát huy hiệu quả. Cùng với đó, các vị linh mục, hội đồng mục vụ các giáo họ, giáo xứ đã thường xuyên nhắc nhở, đề cao trách nhiệm của Giáo hội Công giáo với vấn đề môi trường. Nhiều vị linh mục đã đến tận các “tổ liên gia” để đốc thúc, hướng dẫn, động viên giáo dân có ý thức thường xuyên bảo vệ môi trường trong sản xuất và sinh hoạt.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, dưới sự đoàn kết, tập hợp, vận động của Mặt trận các cấp và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, sự đồng thuận, giúp đỡ của các vị linh mục, đồng bào Công giáo tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia đóng góp xây dựng quê hương ngày càng phát triển.