Tin tức - Hoạt động

Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam - Sứ mệnh cao cả

Cập nhật lúc 10:05 05/04/2024
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican vừa bước sang một chương mới khi Đức Giáo hoàng Phanxicô chính thức bổ nhiệm vị Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/12/2023, được xem là một bước ngoặt lớn có thể dẫn đến thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi tới thăm và làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi tới thăm và làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam.
Sứ mạng và nhiệm vụ của vị Đại diện Tòa Thánh 
Trước tiên tìm hiểu về từ ngữ “Tòa Thánh”. Điều 361 của Bộ Giáo luật nói rằng Tòa Thánh chỉ về Giáo hoàng Rôma cũng như Phủ Quốc vụ khanh và những bộ, ban ngành của giáo triều Rôma. Điều mà cộng đồng quốc tế quan tâm chính là trung tâm của mối hiệp thông phổ quát, đặc biệt của Hội Thánh Công giáo, được tổ chức chung quanh Đấng kế vị thánh Phêrô. Luật quốc tế và cộng đồng quốc tế đã thiết lập những quan hệ với tổ chức Công giáo này kể từ thời Trung cổ và tồn tại đến ngày nay.
Tòa Thánh hiện diện trên trường quốc tế bằng ba cách: (1) qua những hoạt động của Đức Giáo hoàng: bản thân ngài, quyền giáo huấn, những chuyến thăm mục vụ; (2) qua Phủ Quốc vụ khanh; (3) qua các vị đại diện Tòa Thánh.
Nói về các vị đại diện của Đức Giáo hoàng thì trước hết là nói về Hội Thánh: sự hiệp thông mang tính phẩm trật đặt nền trên Tông đồ đoàn với thánh Phêrô là đầu. Việc đại diện cho Đức Giáo hoàng là việc phục vụ sự hiệp thông trong Hội Thánh và thiện ích chung của xã hội nhờ những quan hệ mang tính cơ chế với các chính quyền dân sự. Sự phục vụ này được thực hiện nhờ phương thế là luật ngoại giao. 
Nhiệm vụ chính của vị đại diện Tòa Thánh là giúp cho mối giây hiệp nhất giữa Tòa Thánh và các Hội Thánh địa phương được vững vàng và hiệu quả hơn; cộng tác và thông tin giữa Tòa Thánh với Hội Thánh địa phương và ngược lại; trợ giúp hoạt động mục vụ của các Giám mục; khi cần thiết, hỗ trợ các Giám mục trong mối quan hệ với chính quyền dân sự; củng cố tương quan với Hội đồng Giám mục, chuẩn bị việc bổ nhiệm Giám mục; hỗ trợ các Bề trên dòng; cộng tác với các Giám mục trong việc thúc đẩy những quan hệ đại kết. Vì là đại diện của Đức Giáo hoàng và thực thi quyền bính đã được trao cho ngài, nên vị đại diện có quyền về mặt thiêng liêng đối với các tín hữu trong xứ sở mà ngài làm việc...Vị đại diện Tòa Thánh không phải là thành viên của Hội đồng Giám mục, nhưng thông thường ngài sẽ tham dự buổi họp khai mạc hoặc bế mạc của Hội nghị Giám mục, để là mối liên kết giữa Đức Giáo hoàng với Hội đồng Giám mục, cũng để cho thấy những quyết định của Hội đồng Giám mục luôn phản ánh sự hiệp thông của Hội Thánh địa phương với Hội Thánh phổ quát. Điều quan trọng là vị đại diện phải được thông báo về những vấn đề mà hội nghị bàn thảo; ngài sẽ được thông báo về chương trình nghị sự cũng như những thông tin hữu ích cho việc hiểu biết về Hội Thánh địa phương.
Trong mối quan hệ với chính quyền dân sự, nhiệm vụ đầu tiên của vị đại diện là thông báo và giải thích cho chính quyền biết về lập trường của Tòa Thánh cũng như của Hội Thánh địa phương về những vấn đề lớn của xã hội. Đồng thời, bày tỏ mối quan tâm của Hội Thánh về tất cả những gì liên quan đến hòa bình, phát triển và hợp tác giữa các dân tộc, nhưng không đề nghị những giải pháp cụ thể (kỹ thuật). Vị đại diện phải thường xuyên quan tâm đến sự tự do của Hội Thánh và bảo vệ sự tự do đó khi cần thiết.
Trường hợp vị Đại diện thường trú tại Việt Nam. Theo linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, các quốc gia, tổ chức phi chính phủ họ có văn phòng đại diện hoặc một vị trí đại diện ở cấp đại sứ. Đối với Tòa Thánh Vatican, trong việc quản trị của một quốc gia, Tòa Thánh cũng có vị đại diện ở các nơi, mà trong Công giáo gọi là Sứ thần. Vị Sứ thần thường là Tổng Giám mục và hàm đại sứ. Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, người được bổ nhiệm làm Đại diện thường trú Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam, là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore.
Tòa Thánh đặt quan hệ ngoại giao với các nước theo quy chế của Công ước Vienna 1961, có quyền ngoại giao và quyền miễn trừ ngoại giao bên cạnh các tổ chức như Liên hợp quốc tại các quốc gia. Đối với Việt Nam, trước đây có hai tòa Khâm sứ, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn. Vị trí và nhiệm vụ của vị khâm sứ là đại diện của Đức Giáo hoàng ở bên cạnh Giáo hội. Nhưng chức vụ và nhiệm vụ của vị trí Khâm sứ là không có tương quan hay tư cách ngoại giao với phía chính phủ, chỉ có bên cạnh Giáo hội, nội bộ Giáo hội, giữa Giáo hội địa phương và Tòa Thánh và Đức Giáo hoàng thôi. Còn hiện nay, ở trong một tương quan giữa hai quốc gia là Tòa Thánh Vatican và Việt Nam, là mức cao hơn nhưng chưa phải là cao nhất, chưa phải là toàn diện bởi vì ở mức toàn diện thì sẽ có vị trí Sứ thần Tòa Thánh. Đại diện Tòa Thánh thì cao hơn Khâm sứ vì ở bên cạnh Giáo hội nhưng đồng thời cũng có tư cách để đại diện với quốc gia của nước sở tại.
Trong Giáo luật có Khoản 361, 365 quy định rất rõ về nhiệm vụ của một đại diện Tòa Thánh tại một quốc gia hoặc bên cạnh một tổ chức, bao gồm hai phần song song. Đối với nội bộ Giáo hội, vị đại diện Tòa Thánh có bổn phận và quyền đại diện Đức Thánh Cha liên hệ củng cố sự hiệp thông đối với Giáo hội địa phương, mà vì lý do gì đó Đức Giáo hoàng không hiện diện được, không liên lạc được, thì vị đại diện Tòa Thánh có thể đến hiện diện từng nơi. 
Việc bổ nhiệm vị đại diện Tòa Thánh- Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski sẽ là một dấu chỉ hiện diện hữu hình, cụ thể hơn giữa Đức Thánh Cha với Giáo hội Việt Nam, giữa Giáo hội hoàn vũ với Giáo hội Việt Nam, và đồng thời củng cố liên hệ giữa hai quốc gia, Vatican và Việt Nam.
Việc có một vị đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam là cần thiết, quan trọng?
Quan trọng là vì người ta vẫn nói “từ trước tới giờ chưa có”. Cũng theo linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, vì đây là kết quả của một tiến trình rất dài, mà có thể nói đã bắt đầu từ chuyến thăm của Đức Hồng y Roger Etchegaray, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình của Tòa Thánh Vatican. Ngài đã đến Việt Nam từ tháng 7 năm 1989. Sau chuyến thăm đầu tiên đó, năm 1990 mới có những cuộc gặp không thường xuyên và chưa phải là cấp cao từ 1990-2008. Bắt đầu từ năm 2009 trở đi, Việt Nam và Vatican mới có một cơ chế là ủy ban làm việc chung. Năm 2011, mới có vị đại diện không thường trú. 14 năm sau, khi bắt đầu có những cuộc trao đổi thường xuyên và trực tiếp ở cấp cao, thì mới có vị đại diện thường trú ở trong nước. Vì vậy, nó quan trọng vì đây là kết quả của một tiến trình dài, giải tỏa được những nghi ngờ, những hiểu lầm giữa những thông tin quá khứ hoặc trong lịch sử để hai bên có thể nói chuyện với nhau được.
Việc bổ nhiệm một vị đại diện hay Sứ thần Tòa Thánh tại một quốc gia hay bên cạnh một tổ chức quốc tế nào đó thì cũng giống như tiến trình bổ nhiệm một Giám mục hoặc thuyên chuyển một Giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác, và đối với ngành ngoại giao, việc thuyên chuyển nhiệm sở là điều rất thường xuyên.
Việc Việt Nam chấp thuận và để cho có một vị đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam được xem là một bước ngoặt rất lớn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa hai bên. Đó là điều làm nên vai trò quan trọng và cần thiết của vị đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam.
Khả năng Đức Thánh Cha đến Việt Nam?
Gần đây, chúng ta thấy có rất nhiều bước tiến triển trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican, trong đó có một tin vui đối với giáo dân khắp nơi, khi đến thăm, chúc mừng Giáng sinh 2023 Tổng giáo phận Huế, nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thông báo rằng ông đã chính thức mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam. Cộng đồng Công giáo Việt Nam có cơ sở để hy vọng rằng họ sẽ sớm được đón tiếp vị lãnh đạo Giáo hội đến thăm. 
Việc mừng vui chờ đón Đức Thánh Cha đi Việt Nam là khả thể, có khả năng thực hiện được. Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ nhận định: 
Thứ nhất, trong chuyến bay từ Mông Cổ về Vatican khi ngài đi thăm Mông Cổ, có một phóng viên của tạp chí America, tạp chí Công giáo của Mỹ, đặt vấn đề về tiến triển quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, ngài cũng trả lời thật là tiến triển được tới mức hai bên nhất trí với nhau nhiều vấn đề, mà phải mất một thời gian rất dài để trao đổi, tìm hiểu, cảm thông rồi mới nhất trí được. Khi người ta đặt vấn đề ngài có đi Việt Nam không thì ngài bảo có đi, mà nếu ngài đi không được thì vị kế nhiệm ngài sẽ đi. Điều đó cho chúng ta thấy Tòa Thánh quan tâm đến Giáo hội tại Việt Nam và người dân đất nước này. 
Thứ hai, khi ngài viết thư cho Giáo hội Việt Nam, ngài cũng bày tỏ sự quan tâm rất đặc biệt đến Giáo hội Việt Nam.
Thứ ba, để đáp lại lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho cộng đoàn dân Chúa ở Việt Nam, ngày 4/10/2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) gửi thư cám ơn ngài và trong thư, Đức Tổng Giám mục thay mặt HĐGMVN kính mời Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam.
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican nhận xét về chuyến thăm Toà Thánh Vatican của đoàn công tác do Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung dẫn đầu (ngày 18/01/2024) vừa qua, ngài cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thăm Việt Nam. Cộng đoàn Công giáo Việt Nam rất muốn điều này. “Tôi nghĩ Đức Thánh Cha rất muốn đi, chắc chắn cộng đoàn Công giáo rất muốn ngài viếng thăm và điều này sẽ là một thông điệp rất tốt đẹp cho tất cả khu vực”.
Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican cho biết, ngài sẽ thăm Việt Nam vào tháng Tư và Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh sẽ thăm trong năm nay. Đây là chuyến thăm đầu tiên cấp Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican đến Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher hội kiến với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và chào lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher cũng có chương trình thăm Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội - nơi đã có hợp tác y khoa với Bệnh viện Bambino Gesù của Rôma từ năm 2005. 
Trong chuyến thăm này, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher cử hành thánh lễ tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Huế và TP.Hồ Chí Minh; cũng như gặp chung toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam trước khi kết thúc chuyến thăm.
Đó là những cơ sở và là những yếu tố kiến tạo nên một khả năng rất gần cho chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Việt Nam.

"Vị đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam - Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, 60 tuổi, là người Ba Lan. Ngài là Tổng Giám mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia) và đang là Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam trước khi được bổ nhiệm làm Đại diện thường trú. Ngài có bằng Tiến sĩ giáo luật và từng trải qua nhiều sứ vụ trong ngành ngoại giao của Toà Thánh tại Cộng hoà Trung Phi, Liên hợp quốc (New York), Anh, Đức, Thái Lan, Singapore và Malaysia. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski còn thông thạo tiếng Ý, tiếng Anh và sử dụng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha".
Nguyễn Văn Thuyên
Thông tin khác:
Chúa đã sống lại thật. Alleluia! (05/04/2024)
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong mọi tình huống (04/04/2024)
Thể hiện nét riêng trong văn kiện trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ lần thứ X (04/04/2024)
Lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh Vatican thăm Việt Nam (04/04/2024)
Cần sớm điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân (04/04/2024)
Tạo điểm nhấn từ hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” (04/04/2024)
Nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế cảnh báo đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao (03/04/2024)
Thế giới rộn rã chào đón Lễ Phục sinh năm 2024 (01/04/2024)
9 tháng thần tốc xóa 5.000 nhà tạm, nhà dột nát (28/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log