Phục hồi mạnh mẽ trong một thế giới bất ổn Dù đã được dự báo trước, nhưng việc Tổng cục Thống kê, vào những ngày cuối năm 2022, chính thức công bố tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước đạt tới 8,02%, đã khiến không chỉ các cơ quan hoạch định chính sách, mà cả cộng đồng xã hội, người dân, doanh nghiệp… đều hết sức phấn khởi và ngạc nhiên.
Phấn khởi và ngạc nhiên bởi một năm trước, nền kinh tế đón nhận tin tốc độ tăng trưởng năm 2021 chỉ 2,58%. Đầu năm, ngay cả các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, dù lạc quan nhất, cũng chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 6-6,5%, đúng như mục tiêu kế hoạch mà Việt Nam đặt ra. Các kịch bản tăng trưởng mà chúng ta đưa ra tại Nghị quyết 01, để phục vụ mục tiêu điều hành, cao nhất cũng là 6,5%”, Khi ấy, cả nước vẫn trong nỗi lo về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, về những tác động nghiêm trọng và khôn lường của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế. Không ai biết chắc được, năm 2022, nền kinh tế sẽ diễn biến theo hướng nào.
Cuối năm 2021, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%. Để đạt mục tiêu này, một kịch bản kinh tế đã được Chính phủ vạch ra. Theo đó, GDP quý I phải đạt mức tăng trưởng 4,9-5,4%; quý II là 5,4-5,9%; 6 tháng là 5,1-5,7%; Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý III phải đạt 7,5-8%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên mức 5,9-6,4%. Quý IV, mức tăng trưởng phải đạt được là 6,2-6,7%, thì cả năm, tốc độ tăng trưởng mới đạt 6-6,5%.
Nhưng rồi, ngoài quý I “chạy” đúng kịch bản, thì sau đó, các mức tăng trưởng “vượt dự kiến”, “cao hơn kịch bản” đã lần lượt được xác lập, nhất là mức tăng trưởng cao kỷ lục của quý III/2022. Có yếu tố khách quan là tăng trưởng của quý III/2021 âm tới hơn 6%, nên so sánh, thì tăng trưởng của quý III/2022 tăng tốc mạnh mẽ, nhưng hơn hết là nhờ những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, nhờ sự nỗ lực vượt khó của người dân và cộng đồng doanh nghiệp…
Một cách rất rõ ràng, nền kinh tế đã tăng trưởng vượt dự báo, bỏ xa mọi kịch bản kinh tế. Cũng vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ đã liên tục phải cập nhật kịch bản kinh tế. Sau khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 được công bố ở mức 6,42%, đã một lần kịch bản tăng trưởng của cả năm được cập nhật. 3 tháng sau đó, các cập nhật kịch bản còn dồn dập hơn. Và kết quả cuối cùng là 8,02%. Tất cả đều vỡ òa trong cảm xúc mừng vui. Nền kinh tế Việt Nam đang thực sự phục hồi mạnh mẽ trong một thế giới bất ổn. Không chỉ tăng trưởng cao, mà lạm phát của Việt Nam còn được duy trì ở mức thấp (3,15%).
Trong năm vừa qua, Việt Nam đã có những thành tựu vượt ngoài mong đợi. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Hàng loạt kỷ lục cũng đã được ghi nhận.
Đầu tiên và đáng ghi nhận nhất là xuất nhập khẩu hàng hóa đã chính thức cán mốc 700 tỷ USD vào ngày 15/12 và tính đến cuối năm 2022 ước đạt trên 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 11,2 tỷ USD, trong khi năm 2021 chỉ xuất siêu 3,32%.
Đây là một thành tích đáng tự hào của kinh tế Việt Nam, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thương mại hàng hóa bị ảnh hưởng không nhỏ. Càng đáng tự hào hơn nếu biết, năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ 21, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD.
Sau 20 năm, bằng các quyết sách và quyết tâm theo đuổi con đường hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã lần lượt cán mốc xuất nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2007, rồi 300 tỷ USD vào năm 2015, 500 tỷ USD vào giữa tháng 12/2019 và bây giờ là 700 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu chính là một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong những năm gần đây. Chính ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đã nhiều lần nói rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến là nhờ vào thương mại hàng hóa và sự phục hồi của khu vực dịch vụ.
Khu vực dịch vụ quả đúng là đang có một sự phục hồi ngoạn mục. Khu vực này đã đạt tốc độ tăng trưởng 9,99% trong năm 2022, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Đặc biệt, một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Chẳng hạn, ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm 2021, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm. Và hơn hết là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng tới 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của ngành.
Tương tự, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 cũng đạt mức kỷ lục, với hơn 22,4 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng tới 19,8% so với năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá vẫn còn tăng 15,6%, trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm 6,7%. Và bất chấp khó khăn, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 vẫn đạt 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021…
Rất nhiều con số rất đẹp, cho thấy một bức tranh với những gam màu sáng của kinh tế Việt Nam năm 2022. Đâu phải ngẫu nhiên mà năm 2022, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor’s (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực.
Đặc biệt, ngày 6/9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng “Ổn định”. Điều đáng nói là, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.
Các tổ chức quốc tế cũng đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính và cách thức vượt qua các “cú sốc” từ bên ngoài. “Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, là một nền kinh tế mở, năng động, có sức chống chịu qua đại dịch COVID-19”, Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva đã nói như vậy.
Câu chuyện về sự phục hồi của năm 2022 được bắt đầu từ việc Chính phủ đã kịp thời chuyển hướng chiến lược chống dịch, với việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP vào đầu tháng 10/2021. Nghị quyết mang tính bước ngoặt đó, cộng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc đã giúp Việt Nam có thể duy trì và phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong “trạng thái bình thường mới”.
Tiếp sau đó là quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế từ ngày 15/3/2022, sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại, cùng các quyết sách mới về chiến lược chống dịch trong tình hình mới. Từng bước, Việt Nam đã hoàn toàn “bình thường” trở lại, chứ không phải là “bình thường mới”, dù luôn cảnh giác và không lơ là trước dịch bệnh. Trong các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhắc nhở điều này. Ông nhấn mạnh việc không để “dịch chồng dịch”, để không chỉ đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, mà còn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khi năm 2022 vừa bắt đầu, Chính phủ đã xác định phương châm hành động của mình là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Suốt cả năm, phương châm đó đã được thực hiện nhất quán.
“Tiếp sức” cho Chính phủ là Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Ngay đầu năm 2022, Quốc hội đã lần đầu tiên có phiên họp bất thường, với một trong những chương trình nghị sự quan trọng là thông qua gói tài chính, tiền tệ hỗ trợ cho việc thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Một ngân khoản khổng lồ lần đầu tiên đã được Quốc hội duyệt, trao cho Chính phủ để thực hiện một chương trình tổng thể để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Ngay sau quyết sách của Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc. Các nghị quyết, nghị định đã liên tục được ban hành, để Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sớm đi vào cuộc sống. Hàng loạt chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được ban hành. Liên tục các cuộc họp để thúc đẩy triển khai các giải pháp điều hành trong các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.
Chính phủ kiên định điều hành, nhưng cũng rất linh hoạt trong biến động và điều này đã giúp Việt Nam vượt qua một năm đầy bão táp. Khi kinh tế toàn cầu lâm khủng hoảng, khi Fed liên tục tăng lãi suất điều hành, khi bão lạm phát tràn qua các nền kinh tế…, Chính phủ lập tức nhóm họp, bàn giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Thậm chí, một đề án liên quan đến vấn đề này đã được giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.
Khi các bất ổn của nội tại nền kinh tế phát lộ, khi thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, xăng dầu… diễn biến bất thường, các giải pháp cũng đã kịp thời được đưa ra.
Sự phục hồi kinh tế trong năm 2022, có thể nói, mang đậm dấu ấn Chính phủ hành động. Giờ đây, nền kinh tế đang tiếp tục chờ đợi những quyết sách quan trọng của Chính phủ cho năm 2023, để có thể tiếp tục hành trình phục hồi và phát triển.