Trường học sinh Miền Nam - dành cho con em Miền Nam tập kết ra Bắc. Ảnh: TL |
Cách đây 67 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, theo hiệp định Giơnevơ năm 1954, thực dân Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập và thống nhất của đất nước Việt Nam, nhưng trong khi chờ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước “lực lượng” của hai bên phải chuyển về vùng tập kết của mình. Theo Hiệp định cán bộ, chiến sĩ miền Nam trong đó có thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ tập kết về phía bắc vĩ tuyến 17.
Việc đón tiếp, chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ miền Nam - những người từ tiền tuyến trở về không chỉ thể hiện trách nhiệm lòng biết ơn mà có tác dụng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị tiến tới thống nhất góp phần củng cố quốc phòng, phục hồi kinh tế ở miền Bắc.
Là thành viên ban đón tiếp của chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thương binh-Cựu chiến binh Vũ Đình Tụng đã trực tiếp chỉ đạo việc đón tiếp thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ miền Nam tập kết. Nhiều cán bộ của Bộ Thương binh - Cựu chiến binh được cử về các địa phương có nhiệm vụ đón tiếp ban đầu (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội) để cùng với địa phương chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết từ chuẩn bị lễ đón tiếp (làm cổng chào, băng cờ, khẩu hiệu, chuẩn bị nơi mít tinh chào mừng, chiếu phim, liên hoan văn nghệ), chuẩn bị nơi ăn chốn ở (mượn nhà dân) đến những đảm bảo cho sinh hoạt của anh em được bình thường (khám sức khoẻ, trang cấp ban đầu…). Đồng bào xung quanh khu vực Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Hội (Nghệ An) nơi anh em tạm dừng chân cũng nhộn nhịp chuẩn bị: Nhà nào cũng giành chỗ ở cao ráo, thoáng mát…những tiện nghi sinh hoạt (giường tủ, ấm chén, phích nước…) tốt nhất cho bà con. Nhiều đơn vị quân đội nhiều đoàn văn công chiếu bóng của Trung ương, của địa phương cũng được điều đến để chuẩn bị đón tiếp phục vụ đồng bào miền Nam.
Từ những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên khói lửa ra Hà Tĩnh, Nghệ An theo đường bộ, từ các đoàn cán bộ, chiến sĩ khu 5 khúc ruột miền Trung, Nam Bộ thành đồng Tổ quốc được tàu các nước bạn Liên Xô, Ba Lan đưa ra cập bến Cửa Hội, Sầm Sơn, Hải Thôn (Thanh Hoá), đến anh chị em thương binh nặng được đi bằng máy bay từ Ô Cấp (Vũng Tàu) ra thẳng sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đều được đón tiếp trọng thể, chu đáo, thân tình.
Lễ đón được tổ chức ngay tại nơi anh em vừa đặt chân đến miền Bắc. Dự lễ đón có đại diện ban đón tiếp của Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, các đơn vị quân đội.
Sau lễ đón, anh chị em được chuyển về chỗ nghỉ ở gần nơi tập kết. Tại đây anh chị em được cung cấp những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt cá nhân. Đại diện các ngành, các giới cùng nhân dân địa phương đến tận nơi động viên thăm hỏi.
Sau một thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khoẻ, anh chị em được học tập về tình hình nhiệm vụ. Sau đó tùy tình trạng thương tật, bệnh tật của mỗi người mà được đưa đi khám bệnh, chữa bệnh, hoặc chuyển về công tác ở các cơ quan, đơn vị hoặc giới thiệu đi học văn hoá, học nghề hoặc về các tập đoàn sản xuất (nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…) hoặc về địa phương trong phong trào (đón thương binh về làng), hoặc về các trại thương binh…
Đặc biệt đối với các em đang còn tuổi đi học được bố trí học riêng tại hàng chục trường học sinh miền Nam ở các tỉnh Hà Đông (cũ), Hải Phòng, Hải Dương. Không ít những em tốt nghiệp phổ thông trung học xong, được vào các trường đại học trong và ngoài nước, người công tác ở miền Bắc, người bổ sung cho chiến trường miền Nam.