Công ty Goertek chuẩn bị chỗ nghỉ cho công nhân ở lại nhà máy để duy trì sản xuất. Ảnh Đức Tuân |
Đại dịch COVID-19 từ khi xuất hiện đã gây ra những thảm họa cho nhiều quốc gia. Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá là nước chống dịch tốt. Nhưng COVID-19 lại luôn “biến hình” với các biến chủng khác nhau, đặc biệt là biến chủng Delta lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ đang thách thức các nước trong cuộc chiến phòng chống dịch.
Ở nước ta, dịch đang diễn biến phức tạp tại Tp. Hồ Chí Minh với số ca nhiễm chiếm tỷ lệ lớn của cả nước. Đặc biệt, theo đánh giá của cơ quan chức năng, gần đây số ca mắc COVID-19 không có triệu chứng có chiều hướng tăng cao, đó chính là nguy cơ lo ngại bất kể ai cũng có thể mang trong mình mầm mống của virus COVID-19. Theo đánh giá của ngành Y tế Tp.Hồ Chí Minh, có khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID-19 của đợt dịch này không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Rất nhiều người khỏe mạnh, đi làm bình thường và chỉ biết mình mắc COVID-19 khi được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. Việc một người không biết mình có bệnh, nếu không được xét nghiệm tầm soát sẽ vô cùng nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó nâng cao năng lực xét nghiệm sàng lọc là rất cần thiết, nhất là khi số lượng ca nhiễm tăng nhanh, sức người chạy đua bị hụt hơi. Để ứng phó đối với tình cảnh này, ngành Y tế đã sáng tạo bằng cách xét nghiệm gộp. Giải pháp này đang được Tp Hồ Chí Minh thực hiện, thành phố đã huy động lực lượng lấy mẫu xét nghiệm với công suất 500.000 mẫu/ngày, song song với tiêm vắc xin cho người dân.
Tại Bắc Ninh, một tỉnh có mật độ dân số cao, số lượng công nhân ngoại tỉnh làm việc, thuê trọ đông, di chuyển phức tạp... Theo số liệu thống kiê, các khu công nghiệp tại Bắc Ninh đã thu hút hơn 1.100 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 320.000 lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm 75%. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh tại Bắc Ninh khó khăn và phức tạp hơn nhiều địa phương khác.
Để vừa phòng chống dịch vừa sản xuất, ngoài thực hiện nghiêm các khuyến cáo chung của Bộ Y tế, UBND tỉnh Bắc Ninh đã hướng dẫn thành lập các tổ phòng chống COVID-19 ngay tại các nhà máy xí nghiệp. Bên cạnh đó cơ quan chức năng thực hiện truy vết thần tốc và xét nghiệp sớm để chạy đua với dịch, đồng thời nâng cao công suất xét nghiệp sàng lọc COVID-19.
Đặc biệt, để vừa phòng dịch vừa duy trì sản xuất an toàn, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 40 Tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp bố trí, sắp xếp đảm bảo đưa các hạng mục phục vụ chỗ ở tạm cho người lao động, vừa cách ly, vừa đi làm, đồng thời nhằm kéo giãn mật độ lưu trú của công nhân lao động trong các khu dân cư, giảm nguy cơ lây nhiễm.
Chủ trương này được các doanh nghiệp và người lao động đồng tình ủng hộ. Các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện mới được cho người lao động ăn ở và làm việc tại nhà máy. Chỉ tính riêng đến đầu tháng 6, đã có hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy theo Kết luận số 56/TB-UBND của UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là giải pháp duy nhất “không có tiền lệ” để vừa duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy cũng như trong cộng đồng.
Dù nhiều địa phương đã có sáng tạo, đẩy nhanh việc tiêm vác xin ngừa COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch vừa sản xuất phát triển kinh tế, song người dân vẫn cần luôn luôn nêu cao cảnh giác để thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) của Bộ Y tế, đặc biệt là tự thay đổi lối sống trong mùa dịch để bảo vệ mình trước nguy cơ có thể mắc vi rút bất cứ lúc nào. Đến nay việc đeo khẩu trang đã thành thói quen của hầu hết người dân khi ra đường. 5K cùng với đẩy nhanh tiêm vắc xin chính là những giải pháp cơ bản nhất để chung sống an toàn với COVID-19.