TP.HCM giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0h 9-7. Ảnh: Quang Định |
Chưa bao giờ thành phố Hồ Chí Minh phải oằn mình chống dịch như lúc này. Các cấp chính quyền tử cơ sở phường xã, quận huyện đến thành phố đang tìm mọi cách để đẩy lùi cơn đại dịch, lo cho tính mạng của người dân. Bên cạnh đó các tổ chức xã hội, tôn giáo cũng đồng lòng góp sức cùng với Mặt trân Tổ quốc các cấp chăm lo cho đời sống của người thành phố, nhất là những người bệnh tật, khó khăn, lao động kiếm sống hàng ngày nay mất việc làm vì cơn đại dịch để “không ai bị bỏ lại phía sau”, không ai bị loại trừ trong xã hôi.
Với Giáo hội Công giáo, ngay khi TP. HCM vừa áp dụng Chỉ thị 15, ngày 31/5, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng giáo phận Sài Gòn đã viết trong Thư Mục vụ gửi đến linh mục, cũng như nhắn gửi đến cộng đồng giáo dân trong hoàn cảnh giãn cách: “Là mục tử, chúng ta cần có sự bén nhạy trước tình hình thực tế để tìm ra các phương thế trợ giúp hữu hiệu trong hoàn cảnh và khả năng của mình...
... Các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chắc hẳn đã và sẽ còn nhiều sáng kiến mục vụ để thực thi tình liên đới một cách hiệu quả. Quý cha là những người đầu tàu, những thuyền trưởng, hãy đứng lên huy động và nối kết những trái tim và các bàn tay”.
Đáp lời mời gọi của vị chủ chăn Tổng giáo phận, nhiều linh mục đã “Đứng lên huy động và nối kết những trái tim và các bàn tay”. Người Saigon nhận ra hình ảnh vị linh mục Chánh xứ Mẫu Tâm, khi trên các trang mạng xã hội nhiều người biết được ghi hình và đưa lên. Nhà báo Cù Mai Công ngày 13/6 viết: “Sáng chủ nhật 13/6, linh mục Martin Chu Quang Định, chánh xứ Mẫu Tâm (Lăng Cha Cả) từ 4, 5 giờ sáng đã cùng một số thầy dòng, giáo dân trong xứ vội vã đi lấy 600 ổ bánh mì ở Vinmart, chia bịch, bày bàn bên đường với dòng chữ: “Ai cần thì lấy một phần”. Cha Định vốn dân khu Kiến Thiết - cũng ngoại vi Ông Tạ, đi lại khu Tân Chí Linh - Ông Tạ như ra vô nhà mình. Cha gốc Bắc Ninh, hiền lành, vui vẻ với giáo dân như bà con hàng xóm với nhau. Sáng 13/6, tôi ghé qua, thấy cha, thầy dòng và giáo dân mình vừa tận tay gừi bánh mì cho bà con vừa vui vẻ trao đổi công việc với nhau; như cha con, anh em trong nhà, đầm ấm lắm, thương lắm. Thay vì rao giảng lời Chúa với giáo dân mình, cha và cộng đoàn của mình ra vỉa hè trước nhà thờ làm theo lời Chúa.”
“Một buổi sáng chủ nhật Sài Gòn thật yên bình ngay mùa Covid. Ghé bàn bánh mì của cha, gửi cha ít quà của một chị ở nước ngoài nhờ tôi gửi, ít thôi, cũng xin góp với cha và cộng đoàn giáo dân của cha mua thêm một tấn khoai lang tím hay thêm ít ổ bánh mì, ít quả trứng… chia sẻ với bà con khó khăn.” Anh nhà báo Tuổi Trẻ tâm sự.
Ở giáo xứ Tân Trang, phường 8, quận Tân Bình, linh mục Giuse Đinh Văn Thọ, chánh xứ ngay từ những ngày đầu thành phố áp dụng Chỉ thị 10, cha đã bàn với Hội đồng mục vụ giáo xứ chăm lo cho những bà con nghèo trên địa bàn giáo xứ. Do không thể qui tụ đông người, cha họp các vị trưởng khu và trưởng các đoàn thể để gửi tặng 86 phần quà, mỗi phần 500 ngàn. Tổng trị giá 43 triệu đồng.
Với những người khó khăn mất việc làm như phụ buôn bán, khuân vác tại chợ Tân Bình, những người lang thang, cơ nhỡ, Cha Thọ tâm sự: “Tôi nhận thấy khi chợ Tân Bình chưa đóng cửa thì hàng trăm người sống được nhờ lao động tự do, phụ việc hàng ngày, giúp quyét dọn vệ sinh cho các chủ hàng, thu nhặt phế liệu kiếm sống. Nay chợ không hoạt động, bao người không có bữa ăn”. Cha bàn với Hội đồng giáo xứ và Ban Caritas, các Bà mẹ Công giáo tổ chức nấu ăn tại sân nhà thờ để trưa đến phát cơm miễn phí, từ 200 phần lúc đầu nay mỗi ngày lên đến 400 phần trước khi tạm ngưng vì giãn cách toàn thành phố (9/7/2021). Dự tính “bữa cơm yêu thương” sẽ “Tái xuất” khi tình hình cho phép.
Linh mục Giuse Tạ Huy Hoàng, đồng hành với giới doanh nhân Công giáo Tổng giáo phận Sài Gòn cho biết, anh chị em doanh nhân trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình “Lan tỏa yêu thương mùa COVID” với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng. Chương trình được kêu gọi từ ngày 3/6 và dự kiến thực hiện liên tiếp trong 5 tuần thông qua hệ thống các giáo xứ qua Ban Caritas thuộc Tổng giáo phận điều phối. Sau bốn tuần, với 140 giáo xứ gửi danh sách, đã có tổng cộng 62.426 phần gạo đến với người khó khăn. “Bên cạnh gạo thì hầu hết các cha ở các giáo xứ đều cố gắng huy động để cân đối có thêm phần quà gửi đến bà con. Nơi này giáo xứ tặng thêm nước rửa tay, khẩu trang, nơi khác thì mì gói, nước tương, nước mắm… tùy vào từng nơi” chị Lucia Lê Nguyên Chiêu Nghi, đại diện giới doanh nhân Công giáo, Tổng giáo phận Sài Gòn chia sẻ.
Linh mục Giuse Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu Thế, dẫu ở tận Vũng Tàu nhưng với sức lan tỏa của mình trên các trang mạng xã hội, linh mục đã kêu gọi để đồng hành cùng người nghèo từ khi Sài Gòn giãn cách đến nay. Cho đến hết ngày 28/6, thông qua kêu gọi của cha đã có 3.570 phần ăn sáng và 5.890 phần ăn trưa không kể sữa, mì gói… trao đến người nghèo, vô gia cư… trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Tôi ghé giáo xứ Tân Sa Châu trên đường Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình do linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết là chánh xứ, khi nghe nói nơi đây có mô hình mới, “cây ATM lướt ống” thủ công, sau một tháng mở “cửa hàng 0 đồng” với tấm bảng “chung tay chia sẻ mùa COVID, mỗi người một phần, xin cảm ơn”. “ATM lướt ống” là sáng kiến của cha phó Vinh Sơn Nguyễn Hoàng Lê Nguyên gồm một ống nhựa đường kính 20cm, dài khoảng 2 mét từ trong sân nhà thờ trổ ra ngoài cổng, nơi có đặt bàn sẵn. Khi người dân đến nhận những phần bánh mì, cơm, gạo, mì tôm, khoai lang, trứng… sẽ được người phụ trách đưa qua ống nhựa, mỗi người một phần, đảm bào khoảng cách 2 mét. Đồng hành với anh chị em khó khăn, đó là các giáo dân, các nữ tu… nấu nướng, đóng gói thực phẩm thành phần cho người dân hoạt động sáng, trưa, chiều.
Đồng hành cùng giáo dân chính là các linh mục tại các xứ, dòng tu… Chưa bao giờ người Sài Gòn thấy nhiều linh mục, tu sĩ thay vì đứng trên bàn Thánh đã cởi bỏ áo lễ, áo alba, dây stola… mặc trang phục bình thường bưng bê gạo, phát bánh mì, phát cơm… cho người nghèo khó. Trên các trang mạng xã hội hôm nay, các linh mục, tu sĩ ngoài chia sẻ về đức tin là tràn ngập những lời kêu gọi, hình ảnh giúp đỡ… bà con khó khăn... (x. Baomoi.com)
Trong cơn dịch bệnh Covid-19 hôm nay tại thành phố Hồ Chí Minh, những linh mục của Giáo hội cũng đang mang lấy mùi chiên khi đồng cam cộng khổ với đồng bào mình.