Tin tức - Hoạt động

Đồng bào Công giáo TP HCM sống phúc âm giữa lòng dân tộc

Cập nhật lúc 12:16 20/02/2019
Ra mắt 100 ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh: CTV
Ra mắt 100 ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM nhiệm kỳ 2018-2023. Ảnh: CTV

Ngày này, với việc đọc lại Tin Mừng và hiểu đúng nghĩa mầu nhiệm Chúa làm người, Giáo hội Công giáo đã và đang cố gắng noi gương Chúa Giêsu nhập thể vào đời, đồng hành với thế giới (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng của Vatican II), “đồng hành với dân tộc”, sống mầu nhiệm nhập thể hôm nay, là “tốt đạo đẹp đời”, hay là “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (Thư chung 1980), vì ý thức rằng yêu Chúa là yêu người, thờ phượng Thiên Chúa đồng nghĩa với yêu thương con người.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, các vị linh mục, tu sĩ đã tổ chức cho đồng bào Công giáo tham gia các hoạt động, các phong trào do Mặt trận Tổ quốc thành phố và Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố phát động. Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố gắn bó và hiệp thông với Giáo hội khuyến khích các thành viên sống tinh thần người Kitô hữu trưởng thành, gắn bó với Giáo hội qua chương trình mục vụ của Giáo hội địa phương, như: tổ chức tĩnh tâm, suy nghĩ và cầu nguyện mỗi năm hai lần vào Mùa Chay và Mùa Vọng, tham gia các buổi hành hương, viếng nhà thờ được quy định theo chương trình của Tổng giáo phận nhất là trong công tác bảo trợ xã hội, chăm lo cho người nghèo... Qua đó, củng cố niềm tin của từng thành viên, xác định quyết tâm thực hiện tinh thần sống đạo mà các Đức Giám mục Việt Nam đã đề ra là: “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc" (Thư chung 1980, số 9), đồng thời cho thấy người giáo dân thành phố ngày càng trưởng thành, tích cực dấn thân trong xã hội dưới áng sáng giáo huấn của Hội Thánh, Công đồng Vatican II dạy rằng: "Người giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác...” (Lumen Gentium, số 31).

Thời gian qua, đồng bào Công giáo thành phố Hồ Chí Minh ngày càng kề vai, sát cánh cùng nhân dân thành phố vượt qua khó khăn thử thách góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, từng bước đảm bảo về an sinh xã hội cho nhân dân, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết đạo, đời ngày càng vững mạnh.

Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, đồng bào Công giáo Công giáo thành phố đã có nhiều hoạt động tiêu biểu, như: tổ chức hành hương tại nhà thờ Đồng Tiến, nhân dịp Hội Thánh Công giáo Việt Nam tổ chức Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm, tổ chức đợt sinh hoạt hướng về Công nghị, dịp tổng kết tại nhà thờ Thánh Phaolô quận 10, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban thư ký Công nghị đến hướng dẫn và Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đến nói chuyện với giáo dân; Mùa Vọng năm 2013, tổ chức cho các thành viên tham dự buổi tĩnh tâm do Linh mục Lui Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục vụ Hôn nhân gia đình (nay là Giám mục phụ tá) hướng dẫn; Trong dịp Mùa Chay 2014, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Tông huấn “Niềm vui Phúc âm”; tổ chức cho các thành viên học hỏi, tìm hiểu Tông huấn; năm 2016, Đức Giám mục phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã đến thuyết trình nhân tĩnh tâm Mùa Vọng cho các thành viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố tại nhà nguyện Đại chủng viện thánh Giuse; cuối năm 2017, nhân 3 năm liên tiếp thực hiện chương trình Mục vụ gia đình, Đức Giám mục phụ tá Lui Nguyễn Anh Tuấn đã chia sẻ đề tài “Đồng hành với các gia đình trẻ" tại nhà thờ Bắc Hà, quận 10. Hoạt động đã góp phần vận động người Công giáo tham gia các phong trào yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân theo định hướng: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” được giáo dân ủng hộ, từ đó giúp các thành viên gắn bó với Giáo hội, với đất nước. Đó cũng chính là mong muốn để mỗi người tín hữu trưởng thành trong đức tin của mình, trở thành "Người tín hữu trung thành của Hội Thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của Tổ quốc" (Thư chung 1980, số 12).

Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhiều khu dân cư có đông đồng bào Công giáo đã trở thành những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, xây dựng đời sống văn hoá. Đến nay có 170 cơ sở giáo dục, 20 cơ sở y tế, 63 cơ sở từ thiện của đồng bào Công giáo thành phố thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội, giáo dục, y tế và chăm lo người nghèo,… Các hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện xã hội hoá công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện; giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều nhóm đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, trong đó tập trung là người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần, trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi, người cao tuổi neo đơn, người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành… và công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở bậc học mầm non.

Điển hình như mô hình “Bếp ăn tình thương”, “Bữa cơm nhân ái” từ sáng kiến ban đầu của Tu hội Nữ tử Bác ái Vinh Sơn, giáo xứ Vườn Xoài, quận 3, hiện nay đã lan tỏa đến nhiều giáo xứ trên địa bàn thành phố, phục vụ rộng rãi đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Tại giáo hạt Xóm Mới, quận Gò Vấp, các giáo xứ và nhà an dưỡng Phát Diệm luân phiên phục vụ ăn sáng, trưa cho người nghèo với tổng kinh phí trong 5 năm qua trên 12 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, các giáo xứ, cộng đoàn dòng tu trong thành phố vẫn duy trì tốt loại hình mái ấm, nhà mở để tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, các trẻ em khuyết tật… Dòng Thừa sai Bác ái Chúa Kitô, huyện Hóc Môn đang nuôi dưỡng chăm sóc 200 cụ già neo đơn… tính đến nay đã đón 3.700 bà mẹ và đã cứu khoảng 3.700 bé vì nạn phá thai…

Ngoài ra, đồng bào Công giáo thành phố cũng tích cực tham gia hiến máu nhân đạo. Trong đó nhiều sáng kiến vận động, nhiều giải pháp tuyên truyền thực hiện có hiệu quả được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng, được các linh mục, nữ tu, đồng bào giáo dân hưởng ứng, tham gia. Điển hình như linh mục Nguyễn Hoàng Tú, Phó xứ Tân Phước, quận Tân Bình; ông Lê Văn Nam, Phó trưởng Ban Đoàn kết Công giáo quận Gò Vấp; ông Phan Tiến Nam, giáo dân giáo xứ Tân Phú… là những người hiến máu nhân đạo gần 40 lần.

+ Tại quận 4, ông Trùm chánh giáo họ Lộ Đức, thuộc giáo xứ Xóm Chiếu cho biết, giáo họ đã phối hợp Ban Công tác Mặt trận khu phố 1 vận động bà con thực hiện xây dựng “Giáo họ văn minh đô thị” và phát động “Giáo họ không còn hộ nghèo”. Từ 12 hộ nghèo năm 2013 đến nay, giáo họ đã không còn hộ nghèo. Bà con lương giáo trong khu phố, mà số đông là đồng bào Công giáo hỗ trợ giúp nhau xóa nghèo, nâng dần lên hộ khá.

+ Tại quận Gò Vấp, linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ, Chánh xứ Hà Nội, Hạt trưởng hạt Xóm Mới đã vận động các giáo xứ trong hạt luân phiên tổ chức bữa cơm cho người nghèo miễn phí, mỗi ngày là một giáo xứ đảm nhiệm với cả trăm suất cơm chất lượng. 

+ Ông Đinh Quang Tiếp, giáo dân thuộc giáo xứ Hy Vọng, nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng giáo xứ, thành viên Ban Đoàn kết Công giáo quận Tân Bình, ngụ tại phường 15 đã tham gia công tác từ năm 1985, là Đội trưởng Đội dân phòng khu phố nhiều năm liền. Ông được tặng nhiều Bằng khen của Công an thành phố, của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2015, ông được tặng Bằng khen của Bộ Công an tại Hội nghị Biểu dương đồng bào các tôn giáo tham gia phòng, chống tội phạm.

Tại nhiều quận, huyện khác, những điển hình tập thể, như: các dòng tu hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, mở trường mẫu giáo, các điểm chăm sóc trẻ mầm non có uy tín, được đông đảo cha mẹ học sinh tín nhiệm. Trong hoạt động khuyến học khuyến tài, chăm lo cho trẻ em nghèo, các trường đã cấp nhiều học bổng, miễn giảm học phí cho con em gia đình nghèo trên địa bàn. Các dòng tu tại các quận, huyện còn được tạo điều kiện mở các lớp học tình thương, các nhà mở, mái ấm cho thiếu nữ lỡ lầm, như: quận 9, quận Phú Nhuận, huyện Củ Chi,... Qua các hoạt động, thấy được tinh thần sống chứng nhân Tin Mừng, phục vụ con người hôm nay của người Công giáo Việt Nam đang “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, phục vụ với tinh thần vui tươi, phấn khởi, “Phục vụ trong hân hoan”.

Lm Phan Khắc Từ
Thông tin khác:
Chuyện làm báo tết (20/02/2019)
Sưu tập tem - "Vua của các loại sưu tập" (19/02/2019)
Ngày tết người Công giáo bàn về đạo hiếu (18/02/2019)
"Đồng bào Công giáo ngày càng góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước” (18/02/2019)
Tôi phó dâng mọi sự trong tay Chúa… (18/02/2019)
Tổng kết phong trào thi đua xây dựng xứ họ đạo tiên tiến trong đồng bào Công giáo Thủ đô (15/02/2019)
Cơ sở thờ tự tham gia bảo vệ môi trường (15/02/2019)
Tuyên ngôn liên tôn bảo vệ phẩm giá con người (13/02/2019)
Tết đến mọi người, Tết đến mọi nhà (13/02/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log