Tin tức - Hoạt động

Hà Nội: Thách thức trong bảo vệ môi trường nông thôn

Cập nhật lúc 06:06 30/04/2022
Môi trường nông thôn tại Hà Nội đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự gia tăng dân số nhanh; sản xuất tại các làng nghề truyền thống; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; người dân chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư…
Nhiều chỉ số báo động

Hà Nội đang phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp được xử lý; 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nhìn vào thực trạng môi trường hiện nay thì các chỉ tiêu đặt ra nói trên đang là một bài toán đầy thách thức.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hầu hết các làng nghề của Hà Nội đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Do đó, nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải xả thẳng ra môi trường với độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người dân đổ trộm rác thải hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 26 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề ở Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%), tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Còn theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức); Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)…

Ðối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, mặc dù các hầm khí sinh học biogas được xây dựng theo quy chuẩn nhưng hệ thống này chỉ phát huy đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ. Với các trang trại chăn nuôi lớn, hệ thống bị quá tải, lượng nước thải ra môi trường không bảo đảm… Trong trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, hành vi tùy tiện vứt bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật ra kênh mương, đường nội đồng cũng gây ô nhiễm môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó nhiều bãi rác thải tại các làng xã hiện nay chưa có giải pháp triệt để đã phát tán ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí và môi trường nước.

Giải pháp​

Để khắc phục khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, thành phố đã ban hành nhiều chính sách như: Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống. Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị hiện đại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung; nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường cũ không đáp ứng yêu cầu;…

Thành phố cũng xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện Hoài Ðức, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Phú Xuyên... với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu... Ngoài ra, thành phố cũng đặt hàng các nhà khoa học triển khai các công trình nghiên cứu xử lý chất thải tại các làng nghề.

Các địa phương của Hà Nội đang tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao ý thức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và khuyến khích, lan tỏa các mô hình, cách làm hay trong cộng đồng; Lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; hiện tốt hơn Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại các xứ, họ đạo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.Hà Nội đã xây dựng và thực hiện mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mô hình này chính là hưởng ứng Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” mà Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường và các tổ chức tôn giáo đã ký kết

An Luých
Thông tin khác:
Hà Tĩnh: Người Công giáo tích cực xây dựng quê hương, làm giàu chính đáng (29/04/2022)
Hội đồng Giám mục chào mừng đoàn Tòa thánh và Hội nghị thường niên nhiệm kỳ I/2022 (29/04/2022)
Đoàn Bộ Ngoại giao Tòa Thánh thăm, làm việc tại Việt Nam (28/04/2022)
Đóng góp thêm nhiều điều có ích cho xã hội (28/04/2022)
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chúc mừng đồng bào Công giáo tỉnh Thái Bình nhân lễ Phục sinh (26/04/2022)
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (23/04/2022)
Thủ đô sắp được sử dụng xe đạp công cộng (22/04/2022)
Bài ca sông Hồng (22/04/2022)
Bốn từ khóa dễ nhớ về bảo vệ môi trường (22/04/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log