Nhà thờ đổ Hải Lý còn có tên gọi chính là nhà thờ họ Trái tim Chúa được xây dựng từ năm 1877, xưa kia thuộc làng chài Xương Điền. Vùng đất này là kết quả của công cuộc quai đê lấn biển mà nhân dân huyện Hải Hậu (Nam Định) tiến hành từ những năm đầu thế kỷ XVIII.
Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp bằng cỏ bổi. Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, nơi đây bị biển xâm thực nhanh chóng. Nhà thờ Trái tim Chúa được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng 3 km so với vị trí cũ.
Năm 1917, nhà thờ họ Trái tim Chúa được xây dựng lần thứ 2 với quy mô lớn theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. Tháp chuông cao 27m, vòm Thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu rất công phu, tinh xảo và đẹp mắt. Nhưng với sự xâm lấn mạnh của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ Trái tim Chúa cùng một số nhà thờ khác lại phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ 3.
Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, “xóa sổ” ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý đồng thời “cuốn” theo các nhà thờ ven biển. Trong số đó chỉ còn lại duy nhất nhà thờ họ Trái tim Chúa vẫn giữ được phần tháp chuông, nhà thờ còn giữ được khá cơ bản kiến trúc ban đầu, nền và một phần tường phía Bắc như dấu tích còn sót lại hiện nay.
Để bảo vệ dấu tích nhà thờ đổ Hải Lý trước nguy cơ xâm thực và đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan thưởng ngoạn, địa phương đã cho kè ngăn sóng xung quanh. hiện nay nơi đây là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan mỗi khi có dịp về đất thành Nam. Đồng thời, nơi đây cũng là chứng tích trực quan sinh động về hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất hiện nay
MC