Cán bộ chuyên môn trao đổi với hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ nguồn vốn Dự án 1- Chương trình MTQG 1719 và nguồn vốn hợp pháp khác. |
Năm 2024, xã Cán Khê (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) có 3 gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc Chương trình 1719 và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30.3.2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm (2024 - 2025). Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình 1719, Chỉ thị số 22 với tổng số tiền 80 triệu đồng và sự giúp đỡ của người thân, gia đình chị Lê Thị Hường (sinh năm 1988, là hộ nghèo) ở thôn 5, xã Cán Khê xây dựng được ngôi nhà cấp 4. Đến cuối tháng 10.2024 ngôi nhà đã hoàn thành với diện tích 70m2, tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Có nhà ở để an cư, gia đình chị Hường bớt nhiều khó khăn để chú tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Không chỉ gia đình chị Hương, hàng chục gia đình khác tại huyện miền núi Như Thanh thuộc hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 1719. Trong trong 2 năm (2023 - 2024), đã có 40 hộ được xây dựng nhà ở với kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 1 tỷ 600 triệu đồng. Năm 2023, đã có 31 hộ hoàn thành nhà ở và đi vào sử dụng; năm 2024 có 9 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, dự kiến hoàn thành vào cuối năm.
Đối với chính sách hỗ trợ đất ở, qua rà soát toàn huyện có 27 hộ nghèo DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất ở, trong đó có 5 hộ thuộc các xã Xuân Khang, Xuân Phúc, Yên Lạc, Thanh Kỳ, Hải Long đủ điều kiện được thực hiện hỗ trợ về đất ở năm 2024, với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Riêng chính sách hỗ trợ đất sản xuất, qua rà soát có 67 hộ có nhu cầu, song do quỹ đất của địa phương đã ổn định, khó khăn cho việc giao đất sản xuất cho các hộ. UBND huyện Như Thanh đang rà soát nhu cầu chuyển sang hỗ trợ máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất.
Dự án 1- Chương trình 1719 cũng đang được thực hiện tốt tại huyện Lang Chánh, huyện Quan Sơn. Tại Lang Chánh Với nguồn vốn được phân bổ 1 tỷ đồng, Dự án 1 đã triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 26 hộ nghèo. Trong đó, 24 hộ nghèo được xây mới hoàn toàn nhà ở; 2 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở để cải thiện điều kiện sinh hoạt.
Để thực hiện có hiệu quả Dự án 1, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các huyện. Căn cứ định mức tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình 1719 và nhu cầu thực tế của các huyện, Ban Dân tộc đã tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 1 cho các huyện. Cụ thể, từ năm 2022 - 2024, đã phân bổ hơn 142 tỷ cho các nội dung của Dự án 1 (chưa bao gồm kinh phí dành cho việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung), gồm: đất ở 7,8 tỷ, nhà ở, 35 tỷ, chuyển đổi nghề hơn 35,8 tỷ, nước sinh hoạt phân tán 64,2 tỷ.
Ban Dân tộc đã hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy định. Kết quả hỗ trợ được như sau: Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở đã thực hiện hỗ trợ cho 338 hộ xây dựng nhà ở. Hiện nay, các huyện đang triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho các hộ theo nguồn kinh phí năm 2024 với tổng số hộ dự kiến được hỗ trợ là 536 hộ. Đối với nội dung nước sinh hoạt phân tán, thực hiện hỗ trợ cho hơn 17.000 hộ, hiện nay đang tiếp tục thực hiện các bước hỗ trợ theo nguồn kinh phí năm 2024; đối với nội dung đất ở, chuyển đổi nghề cho các hộ chưa có hoặc thiếu đất sản xuất, hiện nay các huyện đang rà soát đối tượng và chuẩn bị các bước hỗ trợ.
Dự án 1 được thực hiện bảo đảm công bằng, thống nhất, công khai, minh bạch, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đem lại ý nghĩa thiết thực. Tuy vậy, cũng có những khó khăn, vướng mắc khách quan cần tháo gỡ, đó là:
Việc hỗ trợ nhà ở, công tác rà soát đối tượng hỗ trợ nhà ở cũng gặp khó khăn, còn chồng chéo do nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở đang triển khai thực hiện trên cùng địa bàn; nhiều hộ có nhà ở lâu năm trên một số loại đất không có trích lục đất ở, mặc dù có nhu cầu xây dựng nhà nhưng không đủ căn cứ pháp lý để hỗ trợ;
Về hỗ trợ đất sản xuất, do địa bàn chủ yếu đồi núi, diện tích đất canh tác ít, không có quỹ đất nên các huyện không thể thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất cho người dân, khi chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi nghề thì việc xác định phương án chuyển đổi nghề của các hộ gặp nhiều khó khăn như học nghề gì để có thể áp dụng vào thực tế trong đời sống, mua loại máy móc gì để phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương…