Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín nhiều tâm huyết với chương trình phát thùng rác phân loại tại nguồn. |
Đề tài thường huấn tháng 11/2024 của Ủy ban Giáo dân tập trung vào chủ đề: “Giáo hội trong thế giới hiện đại”, linh mục Antôn Hà Văn Minh, Thư ký Ủy Ban Giáo dân trong bài viết mới đây trên trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhân Mùa Vọng 2024 cho rằng hai vấn đề đương đại mà người giáo dân cần và có thể tham gia tích cực để gieo niềm hy vọng trong ánh sáng của Tin Mừng đó là bảo vệ môi sinh và chăm lo người nghèo.
1. Về bảo vệ môi sinh Chúng ta còn nhớ ngày 18/6/2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ban hành thông điệp Laudato Si về bảo vệ môi sinh, Ngài nhấn mạnh: “'Ngôi nhà chung' của chúng ta đang đổ nát, và gây tổn thương đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất trong chúng ta”. Và vào ngày 4/10/2023, nhân dịp lễ thánh Phanxicô Assisi Đức Thánh Cha Phanxicô lại ban hành tông huấn Laudate Deum, như một hành động thúc giục mạnh mẽ kêu gọi mọi người hãy giơ tay ra cứu lấy trái đất, ngài viết: “Tôi mong muốn chia sẻ với tất cả các anh chị em trên hành tinh đau khổ của chúng ta những mối quan tâm sâu sắc của tôi liên quan đến việc bảo vệ ngôi nhà chung. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, tôi nhận thấy rằng, chúng ta không có đủ phản ứng, trong khi thế giới quanh ta đang sụp đổ và có lẽ đang tiến đến điểm tan vỡ...”.
Đây là mối quan tâm của vị cha chung của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Riêng tại Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã cho thành lập Ban Mục vụ Môi trường do linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thành Tín, là Trưởng ban. Từ đầu năm 2014, ban đã có những hoạt động thiết thực đẩy mạnh việc truyền thông đến các giáo xứ qua việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình Giáo lý thiếu nhi: “vì môi trường này không chỉ tác động đến các em thiếu nhi mà còn tác động vào nhiều đối tượng khác như cha xứ, phụ huynh, các thầy, các sơ… Từ đó lan tỏa nhanh, tạo nên ý thức, thành thói quen bảo vệ môi trường trong mỗi người” - linh mục Vinh Sơn chia sẻ.
Kết hợp với việc tuyên truyền, cộng đoàn tại các giáo xứ thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn để về lâu dài bà con giáo dân duy trì được thói quen phân loại rác thải trước khi đem đi đổ, để cùng chung tay thực hiện bảo vệ môi trường theo chủ trương của nhà nước. Hiện tại nhà thờ đang bước đầu quá trình phủ xanh cơ sở bằng việc trồng cây xanh tạo bóng mát ở những vị trí phù hợp, các thùng rác phân loại tại nguồn cũng đã được sử dụng trong nhà thờ.
Tại quận Tân Bình, mô hình “Không gian xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường tại các cơ sở tôn giáo” do Mặt trận Tổ quốc quận phát động năm 2024 được các giáo xứ, dòng tu trong quận tích cực hưởng ứng, mô hình đã phát huy và duy trì không gian xanh thông qua việc trang trí cây xanh tại các khuôn viên nhà thờ, nhà dòng. Hoạt động này còn nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường góp phần tạo cảnh quan xanh mát, trong lành và văn minh từ đó lan tỏa đến cộng đồng giáo dân. Tại quận 10, giáo xứ Tống Viết Bường, hàng tuần cứ sáng thứ bảy, các ca đoàn giáo xứ và bạn trẻ tới nhà thờ làm vệ sinh, quyét dọn khuôn viên. Cha chánh xứ từ đầu năm phát động trước mỗi nhà giáo dân trồng cây xanh trong sân hay trong chậu, tạo bóng mát, phủ xanh nhà mình. Công việc này thật dễ dàng cho mỗi người tín hữu. Nhà thờ giáo xứ Thăng Long, quận 11; Giáo xứ Thăng Long kết hợp địa phương khánh thành Vườn hoa nhà thờ, hoa viên cây xanh. Trong sinh hoạt hàng tuần, các linh mục chánh xứ thường xuyên nhắc nhở các bậc phụ huynh giáo dục con cái mình thực hành những điều đã học trong chương trình Giáo lý về tiết kiệm điện nước trong sinh hoạt, không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng bao ny lông trong sinh hoạt gia đình... Tất cả những điều đó không chỉ là thực hiện nếp sống mới, bảo vệ môi trường mà chính là thực thi Giáo huấn của Giáo hội. Thực thi lời dạy của Đức Giáo hoàng: “Trả lại màu xanh cho trái đất là trách nhiệm của chúng ta, bởi “Từ ban đầu, Thiên Chúa đã trao trái đất và các tài nguyên của nó cho nhân loại quản lý chung”. Mỗi cộng đồng có thể nhận lấy từ sự tốt lành của trái đất những gì họ cần cho sự tồn tại của chính mình, nhưng họ cũng có nhiệm vụ bảo vệ nó”.
2. Chăm lo người nghèo Công đồng Vatican II đã nói: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (GS số 1), điều đó trở thành trọng tâm học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo: ưu tiên cho người nghèo.
Bên cạnh việc gia tăng lời cầu nguyện trong suốt Mùa Vọng này với ý chỉ mong chờ Ngày Chúa đến, chúng ta cũng không quên cầu nguyện và tiếp tục chia sẻ cho những đồng bào đang gặp hoạn nạn. Mỗi người, mỗi gia đình cùng bàn bạc giữa ông bà, cha mẹ, con cháu trong gia đình trong những ngày của Mùa Vọng này chia sẻ với đồng bào khó khăn, nghèo khổ bằng cách tiết kiệm phần ăn uống, chi tiêu. Hạn chế những khoản mua sắm không cần thiết để đóng góp vào quỹ bác ái từ thiện theo lời kêu gọi của Tòa Giám mục, hay của các cơ quan, đoàn thể Công giáo… Thông thường, người giáo dân chúng ta không thể đóng góp một lần bằng một số tiền lớn, nhưng có thể đóng góp thành nhiều đợt.
Những lời kinh cầu nguyện, những ngày tĩnh tâm chuẩn bị cho ngày Chúa đến, những máng cỏ, hang đá trong Mùa Giáng sinh này sẽ được thêm sống động bởi những hy sinh, những san sẻ giúp người kém may mắn ngay tại nơi mình cư ngụ trong giáo xứ, trong, xóm giềng.
Hiện nay, tại nhiều giáo xứ trong Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh đều có việc chăm lo cho người nghèo hàng tháng, đó là những nghĩa cử cao đẹp. Nhiều giáo xứ, hội đoàn, nhận bảo trợ hàng tháng cho các gia đình khó khăn, cho các cháu mồ côi cha (mẹ) vì COVID. Những bữa cơm 2.000 đồng, hay tô hủ tiếu 0 đồng mở ra tại các khuôn viên nhà thờ Tân Việt, Nam Hòa (quận Tân Bình), Vườn Xoài, Mai Khôi (quận 3), Mac Ty Nho (quận 1)... giúp những người lao động nghèo, nên chăng sẽ trở thành rộng khắp. Từng người giáo dân chúng ta không trực tiếp đứng ra làm mà cùng góp phần với giáo xứ, cộng đoàn chăm lo cho người nghèo qua việc bỏ ống, đóng góp hàng tháng qua việc tiết kiệm, chia sẻ. Thật đáng quý thay cho tình bác ái Kitô giáo hôm nay.
Mùa Vọng, mùa của những tiếng vọng lên trời: “Trời cao hãy đổ sương xuống” nhưng cũng là của Tiếng Vọng, niềm Hy vọng để từng người đáp ứng lời mời gọi của Hội Thánh đang vọng lên: “Hãy cứu lấy trái đất, hãy trả lại màu xanh cho trái đát và hãy nâng đỡ những người nghèo đang ở bên chúng ta mỗi ngày”. Đó chính là thiết thực Mừng Chúa Giêsu Hài đồng, Ngài đã Giáng sinh trong thân phận người nghèo vậy n