Hội thảo quốc tế “Hướng tới nền giáo dục chất lượng hòa nhập và cơ hội học tập suốt đời của mọi người khuyết tật” đã đưa ra những thông tin về thực trạng trẻ em khuyết tật và giáo dục cho trẻ khuyết tật; đồng thời thảo luận các chính sách, phương pháp, điều kiện đảm bảo hướng tới nền giáo dục chất lượng hòa nhập và cơ hội học tập cho mọi trẻ em khuyết tật.
Hội thảo quốc tế “Hướng tới nền giáo dục chất lượng hòa nhập và cơ hội học tập suốt đời của mọi người khuyết tật” |
Đa số trẻ khuyết tật nặng mới chỉ tham gia học chương trình tiểu học Báo cáo về thực trạng giáo dục trẻ em khuyết tật tại Việt Nam được trình bày tại Hội thảo quốc tế “Hướng tới nền giáo dục chất lượng hòa nhập và cơ hội học tập suốt đời của mọi người khuyết tật” ngày 7, 8/12/2023 đã dẫn thông tin: Theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ khuyết tật ở trẻ em từ 2 đến 17 tuổi là 2,79%, tương đương khoảng 700.000 trẻ em khuyết tật. Tỷ lệ trẻ em khuyết tật ở khu vực nông thôn cao hơn 1,2 lần khu vực thành thị. Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ học sinh khuyết tật trong tổng số học sinh là 0,7% đối với cấp tiểu học, 0,28% đối với cấp trung học cơ sở và khoảng dưới 1% đối với cấp trung học phổ thông. Đa số trẻ khuyết tật nặng mới chỉ tham gia học chương trình tiểu học. Số năm học trung bình mà trẻ khuyết tật được học trong trường phổ thông thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của học sinh trong cùng độ tuổi.
Ở Việt Nam, học sinh khuyết tật có thể học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập (tại các trường thông thường cùng các bạn không khuyết tật). Số liệu học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường tiểu học dao động từ 55 ngàn đến 65 ngàn học sinh (số liệu năm học 2018-2019 và 2019-2022). Ngoài ra, học sinh khuyết tật học trong các trường chuyên biệt (có khoảng 100 cơ sở, thuộc cả quản lý của ngành giáo dục và ngành lao động-thương binh xã hội; chủ yếu học sinh khuyết tật mức độ nặng), và học tại các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Giáo dục bán chuyên biệt (lớp học cho học sinh khuyết tật trong các trường phổ thông) hiện chỉ còn ở một vài địa phương. giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong giờ lên lớp |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, loại hình trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là một loại hình cơ sở giáo dục mới xuất hiện ở nước ta dành cho học sinh khuyết tật. Lúc đầu, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không có chức năng giáo dục học sinh khuyết tật. Đến tháng 5/2022, Việt Nam chỉ phát triển được 15 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh (bên cạnh 16 cơ sở giáo dục chuyên biệt cấp tỉnh công lập thuộc ngành giáo dục quản lý). Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hầu hết đều mới được thành lập hoặc được chuyển đổi từ trường chuyên biệt, chủ yếu vẫn tổ chức giáo dục theo phương thức giáo dục chuyên biệt cho học sinh khuyết tật mặc dù không có chức năng này. Vai trò hỗ trợ giáo dục hòa nhập của các trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập còn mờ nhạt tại các địa phương.
Hướng tới nền giáo dục hòa nhập chất lượng cho người khuyết tật
Tại Hội thảo quốc tế “Hướng tới nền giáo dục chất lượng hòa nhập và cơ hội học tập suốt đời của mọi người khuyết tật” do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 7 và 8/12/2023, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và thực hành giáo dục trong nước và ngoài nước cùng cha mẹ các trẻ em khuyết tật đã thảo luận các chính sách, phương pháp, điều kiện đảm bảo hướng tới nền giáo dục chất lượng hòa nhập cho mọi trẻ em khuyết tật. GS.TS Lê Anh Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Theo đó, Hội thảo đã tập trung phân tích nội dung các chuyên đề: Chính sách giáo dục đối với người khuyết tật tại Việt Nam; Phát triển chương trình giáo dục và học liệu đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đối với người khuyết tật trong bối cảnh chuyển đổi số; đảm bảo các điều kiện giáo dục chất lượng và giáo dục suốt đời cho người khuyết tật; định hướng phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam. Các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ nước ngoài cũng chia sẻ kinh nghiệm qua các đề tài: Hợp tác liên ngành tại Hàn Quốc đối với giáo dục đặc biệt cho tất cả học sinh khuyết tật, bao gồm học sinh khuyết tật phát triển; Kế hoạch phát triển giáo dục đặc biệt trong tương lai của Hàn Quốc dành cho tất cả học sinh khuyết tật, bao gồm cả học sinh khuyết tật phát triển.
Tại Hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: mục tiêu tổng quát nhằm phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm về cơ cấu, số lượng và chất lượng; đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng của người khuyết tật ở tất cả các địa phương trong phạm vi cả nước.
Về định hướng phát triển quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050, GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh: quy hoạch phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch liên quan. Đồng thời, quy hoạch theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật, quan tâm đến vùng khó khăn; giữ vững kết nối giữa các cơ sở giáo dục người khuyết tật và kết nối với cơ sở giáo dục khác, bảo đảm ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa./ Liên quan đến chính sách giáo dục cho người khuyết tật, cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trong đó bên cạnh các nhiệm vụ chủ yếu là can thiệp giáo dục sớm và hỗ trợ cho giáo dục hòa nhập, các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có thể chức năng tổ chức giáo dục đối với học sinh khuyết tật để chuẩn bị tốt hơn cho các học sinh tham gia học hòa nhập hoặc giúp giáo dục chuyên biệt cho các học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giáo dục hòa nhập được.
An Luých
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com