Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc đã khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển... chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo. |
Trong giải quyết vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc, công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người tham gia hoạch định chính sách và thực thi chính sách về dân tộc có vai trò rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 771/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 - 2025”.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi khẳng định, Đề án ra đời là bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, đồng thời là bước quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Mục tiêu của Đề án nhằm “Nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”.
Thực hiện Đề án, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai nhiệm vụ xây dựng, biên soạn chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Chương trình “Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Nhiệm vụ này được triển khai với nhiều nội dung khác nhau, trong đó, việc xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng là nội dung quan trọng cần triển khai đầu tiên. Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi cho biết, Học viện khẩn trương triển khai những bước đầu tiên nhằm xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các nhóm đối tượng theo yêu cầu mà cụ thể là đối tượng 1 và 2.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp ý kiến làm cơ sở xây dựng khung chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức (đối tượng 1 và đối tượng 2) theo Quyết định số 771/QĐ-TTg.
Các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức (đối tượng 1 và đối tượng 2) theo Quyết định số 771/QĐ-TTg. Đây là những cán bộ có chức vụ, chức danh từ ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy cho đến cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của hệ thống chính trị, có vai trò quyết định trong tham mưu hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và thực hiện công tác dân tộc nói riêng.
Các nhà khoa học, đại biểu thảo luận làm rõ mục tiêu, những nội dung cần có trong chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng 1 và 2; cấu trúc của chương trình bồi dưỡng, những thuận lợi, khó khăn, điều kiện cần có để triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức đạt hiệu quả; các bước, lộ trình thực hiện và những vấn đề cần lưu ý trong xây dựng chương trình bồi dưỡng và thực hiện chương trình bồi dưỡng trong thực tế./