Tin tức - Hoạt động

Những năm ở chiến trường Tây Nguyên

Cập nhật lúc 15:38 04/02/2022
Bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: CTV
Bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: CTV
Những ngày hành quân bộ trên đường dây 559, cường độ gian khổ tăng dần và công tác hậu cần giảm theo tỷ lệ thuận qua mỗi trạm đường giao liên vào sâu chiến trường. Sau gần một tháng, đơn vị hành quân đến trạm 40, chúng tôi bắt đầu nếm mùi gạo mục. Nhưng vẫn chưa đến nỗi nào, khi nấu lên dù mùi hôi có xộc vào mũi vẫn có thể gọi là cơm được. Vả lại, lúc này còn thức ăn khô, nên đến bữa, mọi người cảm thấy bình thường…

Sáng sớm hôm ấy, chúng tôi lội qua con suối đá khá rộng, rồi đi vòng vèo theo ven bờ lên chân dốc của ngọn núi “một ngàn lẻ một”. Đây là một ngọn núi cao đầu tiên để vượt từ phía đông sang phía tây Trường Sơn. Tôi ngửa mặt nhìn con dốc cao, dài mất hút trong vòm lá xanh, nhiều đoạn anh em giao liên tạo ra những bậc thang bằng đất dựng đứng khoảng 80-90 độ, những dây song hoặc cành cây buộc nối tiếp làm tay vịn, đã qua tay nhiều người trở lên bóng như phủ quang dầu. Tôi vốn thuộc “top” nhỏ con nhưng vẫn phải mang trên lưng cái ba lô con cóc căng phồng quân tư trang cá nhân, súng đạn…tất tần tật nặng gần ba mươi cân. Tôi gò lưng lê từng bước, từng bước, mồ hôi vã ra đầy người, bắp chân căng cứng, hơi thở phì phò, lũi lầm leo dốc.

Vượt qua phía tây Trường Sơn, vẫn con đường mòn không thể đi sóng đôi được ấy, nhưng những ngày sau chúng tôi leo qua những con dốc “hiền hòa” hơn, không còn cảnh đầu người đi sau đụng vào ba lô của người đi trước và đôi chân cũng có vẻ… dẻo hơn. Càng đi sâu vào các cung đường phía nam, việc nuôi quân càng kém. Đến nỗi, cán bộ hậu cần dù tài năng đến mấy cũng “vô kế khả thi”. Khẩu phần gạo ăn của một người trong ngày chỉ được hưởng hai lon sữa bò gạo mục, phải rút xuống một lon cộng với sắn. Mỗi khi lĩnh gạo ở kho về, bốc một nắm đưa lên ngửi, trời ơi! Không còn là gạo nữa mà nó vừa hôi vừa mốc một thứ mùi hỗn hợp thật khó chịu. Những đầu bếp có hạng với bộ óc thông tuệ, kinh nghiệm nấu nướng đầy mình cũng bó tay việc khử mùi mốc của gạo. Đã vậy, khi đem gạo xuống suối để vo thì nát thành bột, chỉ còn lại những con mọt. Đành “rửa” qua, rồi cứ thế đổ vào nồi mà nấu vậy. Để bớt cái mùi “đa hương” khó chịu ấy, cánh nuôi quân học được “phép “ của lính cũ truyền cho cách làm món cơm canh hỗn hợp. Bằng cách cho rau rừng kiếm được (phần lớn là rau môn thục mọc ven suối), rửa sạch, cho vào nồi trộn với gạo nấu đến nhừ thì thôi, sau đó được xới từ trong nồi vào bát, cái gọi là cơm nó deo dẻo, màu lá cây, bốc lên mùi hăng hăng, nồng nồng. Những lúc bụng đói cồn cào, ai để ý màu sắc, mùi vị, miễn rằng thứ vừa xúc vào bát của mình có thể nuôi sống người. Thế là “lùa thí xác” miễn đầy cái dạ dày đang lép kẹp…

Lương thực, thực phẩm, hậu cần phải cung cấp trên dọc đường dây hành quân vào chiến trường qua tây Trường Sơn chỉ trần trụi có gạo, muối, mắm kem. Gạo thì như đã nói trên, còn muối thì…Quản lý của đơn vị phải chia đều theo đầu người trong ngày, chỉ được một gạt miệng cái hộp cao Sao Vàng. Sau mỗi bữa ăn, mọi người vẫn cảm thấy hao háo; thiêu thiếu, thòn thèm cái gì đó. Và, không khỏi ước ao được một bữa rau muống luộc có nước mắm chấm đàng hoàng hay nồi canh cua rau đay mắm muối đậm đà, chan cơm ăn thoải mái…

Gần ba tháng hành quân bộ xuyên rừng, vượt đèo cao, sông sâu, suối rộng, trong đó nhiều lần phải đi đêm để vượt qua trọng điểm địch ném bom đánh phá ác liệt. Gần đến Mặt trận Tây Nguyên (B3), sự thiếu thốn lương thực, thực phẩm càng gay gắt. Cán bộ, chiến sỹ người nào cũng xanh xao vàng vọt, hốc hác. Lác đác đã có “ca” sốt rét nặng, buộc phải gửi lại Trạm giao liên dọc đường. Vào tới đất Kon Tum, tại trạm 3 (T.3 – đường dây C.01), đại đội trinh sát chúng tôi được tách khỏi Đoàn 3068 (mật danh hành quân vào Nam của bốn đại đội: Trinh sát, thông tin, công binh, hóa học là những đơn vị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, huấn luyện ở miền Bắc, bổ sung cho mặt trận Tây Nguyên), để cán bộ quân lực của tiểu đoàn trinh sát 28 - Mặt trận đón về hậu cứ ở khu vực Q9, nằm phía tây H.67 (huyện Sa Thầy), tỉnh Kon Tum. Và, thế là tôi thực sự đã đặt chân trên vùng đất cực bắc Tây Nguyên. Nơi rừng mênh mông núi kỳ vĩ, có sử thi Đăm Giông - Đăm Giá bi hùng với những người dân Giẻ Triêng; Ê Đê; Ba Na; Sđrá…

Cần mẫn, gan góc can trường, tiếng cồng chiêng rạo rực; điệu “xoang” trữ tình, cuốn hút “tao nhân, mặc khách” mà thuở học trò tôi từng đọc trong những trang sách giáo khoa. Tuy nhiên, những điều “diễm tình “ ấy, tôi chưa được thấy mà thấy nhỡn tiền những thử thách đang đón đợi tôi…

Phải mất nửa ngày đường rừng, chúng tôi mới về đến hậu cứ của tiểu đoàn trinh sát 28 mặt trận Tây Nguyên (B3). Đại đội được giữ nguyên từ cán bộ đến chiến sỹ và đổi thành đại đội ba. Trước đó, tiểu đoàn chỉ có đại đội một, đại đội hai và trung đội thông tin 15W. Hồi ở miền Bắc, đại đội trinh sát của chúng tôi là đại đội một, tiểu đoàn 74 thuộc Cục II - Bộ Tổng Tham mưu. Đại đội trưởng là anh Nguyễn Hoàng, quê xứ dừa Bình Định, với câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi/ Đàn bà, con gái cầm roi đi quyền”. Chẳng biết võ thuật ở đấy đai đen, đai đỏ thế nào, chứ đại đội trưởng của chúng tôi so với đội ngũ cán bộ trinh sát của tiểu đoàn thì anh chỉ “thường thường bậc trung”. Anh là “ dân tập kết” ra Bắc năm 1954, đến năm 1962 vào quân đội và là sỹ quan chỉ huy có năng lực, hơi nghiêm khắc nhưng dễ gần với điệu cười to, sảng khoái mỗi khi có điều vui. Do tuổi quân, tuổi đời nhiều nhất đại đội nên cánh lính gọi là …cụ Hai”. Chính trị viên là anh Nguyễn Văn Thứ, quê Ninh Bình, anh rất vui tính, hay hài hước. Chiến sỹ trong đại đội thường gọi vui “Sếp biệt kích trong chum”. Anh Hoàng Hữu Tư, quê Vĩnh Phú (cũ) cũng chẳng thoát được phụ danh “Vĩnh toét” hoặc “xin xà phòng”. Anh là sỹ quan quân sự hay hát và hát hay. Nhất là cung cách khu xử với mọi người thì ai cũng bảo anh làm công tác chính trị thuộc diện “đẳng cấp”. Điều lạ lùng như là “thiên mệnh”, tôi với anh đều gắn bó với ngành trinh sát - quân báo suốt từ những năm cuối thập niên 1960 - 1970, trong kháng chiến chống Mỹ rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế ở Campuchia, những năm 1977-1979, anh luôn là “sếp” của tôi. Sau này, anh là Trưởng ban quân báo sư đoàn, tôi là trợ lý thuộc quyền chỉ huy của anh.

Trở lại với những phụ danh của các thủ trưởng đơn vị được cánh lính “tặng” cho, chẳng rõ có từ bao giờ và ai “phát kiến”, đến thánh cũng chào thua. Chỉ biết, ở đơn vị tôi những phụ danh ấy cứ dài ra cùng “giai thoại trào phúng” tự sáng tác. Nếu có “thằng” nào, tùy theo vùng miền được bổ sung về, cánh lính mặc nhiên: Quê Nam Hà à? Chào đồng hương “cầu tõm” “chín củ thành mười”. Thái Bình thì … “có chiếc cầu bo/có nhà máy cháo, có lò đúc muôi” hoặc “là đất ăn chơi/Tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành”. Hải Phòng “cướp cảng”; Quảng Ninh “dao bầu”; Hải Hưng “bánh chưng đất”, “bát méo”; Thanh Hóa “ăn rau má phá đường tàu”; Hà Tây “anh dũng trốn ban ngày” v.v... Kể lai lịch phụ danh những vùng quê ấy dài lắm. Vui vui dễ nghe cũng có. Buồn và khôi hài hoặc dung tục cũng không ít. Ấy vậy mà, nó luôn là đề tài của lính mỗi khi có dịp “đăng đàn”. Điều thú vị, những cuộc tếu táo ấy lại là những “thằng” chính tẩy quê “bọ”, đã chẳng ngại ngần sáng tác tự trào, tự giễu. Có “thằng” mặt lạnh tanh kể: Một lần đơn vị lính nọ dừng chân ở quê “choa”, ông “bọ” hỏi mấy “thằng” lính nói giọng Bắc, nghỉ ở nhà: Mấy chú đi ra hay đi vô? – Dạ, đi ra ạ! – Rứa ở ngoài nớ, các chú gọi “bọ” là chi hè? – Dạ; chúng con gọi là “dòi” ạ! – Rứa, khi mô các chú ra, cho “bọ” gửi lời thăm “dòi” nghe!... Một “dị bản” khác, kể: Bữa nọ, “thằng” quê “cướp cảng” vào nhà “cô em”, nơi đơn vị dừng chân, tính chuyện “dân vận”. Đến đầu ngõ, một con chó to lao ra chặn lối, nhe hàm răng nhọn hoắt, trắng ởn, gầm gừ. Hắn ta, khựng lại, miệng la toáng: “chó! chó!”. Tiếng “cô em” chủ nhà lảnh lót: Anh, vô đi! Chó không răng mô!- Ô, không em ơi! Con chó đầy mồm răng kia kìa!...

Chuyện “phụ danh” quê quán, vùng miền là vậy, đến tên khai sinh của mỗi “thằng” lính ở đơn vị tôi cũng bị “soi” để rồi được “tương” cho những hỗn danh, tùy theo hình thể, tính cách hoặc cố tật nào đấy. Có hai Vịnh à? “Chuyện nhỏ như con thỏ”. “Thằng” Vịnh, người hơi thấp lại mập thì “Vịnh vuông”; “thằng” Vịnh cao to, tính nết thật thà, ngây thơ thì “Vịnh tồ”. Năm 1971, “Vịnh tồ” hy sinh trong khi đi làm nhiệm vụ trinh sát đồn địch ở Ngọc Tang (tỉnh Gia Lai). Hải “lắc” – chiến sỹ thông tin 2W và Hanh “lơ ngơ” hy sinh cùng ngày vào buổi chiều muộn tháng 11/1972, khi làm nhiệm vụ lùng sục truy đuổi toán thám báo địch xâm nhập vùng giải phóng ở Kon Rơ Bàng (Bắc Kon Tum). Hôm sau, tôi và mấy anh em trong đơn vị mới tìm thấy thi thể, chôn cất họ. Rồi nữa, “Minh xi” – răng hơi vẩu, “Minh sứt” – vết sẹo ở môi, “Minh toác” – hay nói và nói to; “Minh ăng - ten” – dáng người cao lêu nghêu; Thìn “đồng pha chì” – có nước da đen bóng; Phi “I van bò điếc”, Hòa “bò”, Ních “thổ”; Bình “trố”.v.v. Có thể nói, những phụ danh và hỗn danh ở đơn vị tôi đều đặt cho chẳng sót vùng quê, con người nào. Không những vậy còn được thêu dệt, “thêm mắm, thêm muối”, làm tăng thêm tính dị bản hài hước, nếu chép ra có mà thành pho “thiên chuyện” cười hết cỡ. Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến những năm tháng cùng đồng đội ở chiến trường xưa, với vô vàn kỷ niệm vui buồn, tôi lại liên tưởng đến ai đó từng nói “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba lính”. Quỷ, ma đâu chẳng thấy chứ nghịch ngợm, tếu táo đến… “tai quái” thì đời này “nhất lính” chẳng oan…

Tản văn Trần Quốc Việt
Thông tin khác:
Năm Nhâm Dần sức mạnh của hổ (03/02/2022)
Mùa xuân về phu trẻ (02/02/2022)
Nghề "trang điểm" cho cây kiểng hốt bạc triệu mùa Tết (01/02/2022)
Một số chuyện ly kỳ về "Ông Ba Mươi" (01/02/2022)
Đồng bào Công giáo luôn đồng hành cùng dân tộc (01/02/2022)
Đi chợ truyền thống ngày giáp Tết: Vượt ra khỏi ranh giới bán - mua (30/01/2022)
Cảm nghiệm Tết từ những bài hát, thánh ca (30/01/2022)
Lập xuân, xuân phân, giao thừa và Tết Nguyên đán khác nhau thế nào? (30/01/2022)
Miếng trầu là đầu câu chuyện (29/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log