Năm Nhâm Dần, người ta nghĩ ngay đến sức mạnh của loài hổ với mệnh danh là “chúa sơn lâm”. Bức ảnh nghệ thuật dân gian “Anh hùng tương ngộ” vốn đã được lưu truyền, nay càng được chú ý nhiều hơn. Giữa cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ, sức mạnh của một “chúa sơn lâm” với sức mạnh của “vua bầu trời” là đại bàng như đang được chuẩn bị đọ sức với nhau. Nhưng thực ra, dưới nét vẽ của nhà họa sĩ thì đây là một cảnh phô diễn sức mạnh ngoạn mục hơn là một cuộc đọ sức. Nếu muốn xem kết quả của một cuộc đấu thực sự thì phải đến với kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, nơi đây đã có cuộc đấu giữa hổ với người. Câu chuyện mà người Việt Nam nào cũng biết từ tuổi thơ giàu trí tưởng tượng, ngày xuân cũng nên ôn lại một chút giúp cho bộ nhớ có chiều sâu:
“Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, cọp liền đi lại gần trâu hỏi:
- Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy? Trâu trả lời khẽ vào tai cọp:
- Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ! Cọp không hiểu, tò mò hỏi:
- Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào? Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:
- Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy! Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:
- Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?
Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:
- Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít. Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:
- Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao? Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:
- Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm. Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất xung quanh cọp, châm lửa đốt và quát:
- Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!
Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.
Mãi sau dây thừng cháy đứt, cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.
Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả”.
Từ chuyện cổ tích đi vào đời thực, con người không chỉ luôn chiến thắng mà còn đi tới mức có thể tiêu diệt hết loài hổ, đến nỗi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã phải đưa hổ vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm cần được bảo tồn. Nhìn từ góc độ thần học thì bối cảnh trên không có gì đáng ngạc nhiên, vì theo sách Sáng thế, ngay từ thuở đầu tạo dựng vũ trụ, con người đã được Chúa trao quyền làm chủ: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26).
Từ tư cách làm chủ này, con người dần khai thác mặt tích cực của loài hổ. Hình tượng con hổ không còn là hình ảnh của một loài ác thú nữa nhưng trở nên gần gũi với con người trong đời sống tinh thần như vẽ tranh, tạc tượng về hổ và được đề cập cả trong một số tác phẩm văn học nghệ thuật, thậm chí cả huấn luyện hổ trong nghệ thuật xiếc thú nữa.
Ngự trị trên sức mạnh thú dữ chưa đủ, Thiên Chúa còn ban cho con người nhiều vinh dự với điều kiện họ tin vào Thiên Chúa toàn năng:
“Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long.
Chúa phán: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban” (Tv 91, 13-16).
Năm Nhâm Dần, nói tiếp về sức mạnh của hổ. Thế giới hiện nay đang bị suy yếu trên nhiều lĩnh vực không phải vì đối đầu với hổ, mà là cuộc chiến đối đầu với virus SARS-CoV-2. Đã hai năm trôi qua, với những biến thể từ Delta tới Omicron, đại dịch bùng phát chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế giới hy vọng năm con hổ sẽ có những bước nhảy ngoạn mục của y khoa kết hợp với tâm lý xã hội và tâm linh để khống chế được dịch bệnh, đem lại cuộc sống an bình và giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng. Những câu tục ngữ Việt Nam: “Người sống đống vàng”, “Người làm ra của chứ của không làm ra người” đang trở nên ngày càng thấm thía. Thành ngữ tiếng Anh nói: “Người có sức khỏe, có hy vọng; và người có hy vọng, có tất cả mọi thứ” (Thomas Carlyle) đang trở thành tiêu điểm của những lời chúc năm mới. Truyền thống xưa nay hướng lời chúc về của cải, công danh, sự nghiệp… Năm nay đơn giản là sức khỏe và hy vọng!
Xin Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã được diễn tả trong sách Gióp: “Tiếng sư tử gầm, tiếng hùm thiêng rống, Người làm cho im bặt. Người bẻ gãy nanh sư tử con” (G 4,10). Xin Ngài cũng tiếp tục bẻ gãy nanh virus, theo một cách thức mà thư Mục vụ dịp Giáng sinh của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng đã diễn giải: “Thiên Chúa đã không làm phép lạ để đại dịch biến mất trong chốc lát, nhưng Ngài ban ơn trợ giúp để nhân loại tìm ra thuốc phòng ngừa, chữa trị các bệnh nhân, và chung tay liên đới giúp đỡ người nghèo khổ” (Thư Mục vụ ngày 22/11/2021).
Từ sức mạnh cơ bắp của loài hổ từng làm “chúa sơn lâm” trong thời gian và trong một không gian nhất định, năm Nhâm Dần nhắc người Kitô hữu nâng cao sức mạnh của lòng tin để được thừa hưởng sức mạnh của Đấng đã phán:
“Ta là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi nguyên và Tận cùng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự sống và qua cửa mà vào Thành!” (Kh 22,13-14).